Tình yêu với cây xanh

Nguyễn Minh Hải| 25/03/2023 09:59

Sự yêu quý cây xanh của người dân thành phố hẳn có lý do vì thành phố cần cây xanh, để góp thêm mảng xanh cho đô thị vốn đã quá đông đúc, làm “lá phổi” điều hòa cho thành phố ngày có nhiều nhà cao tầng mọc lên. Điều đáng quý là trong thời gian qua, thành phố rất chú trọng đến việc cải tạo mảng xanh.

Sự yêu quý cây xanh của người dân thành phố hẳn có lý do vì thành phố cần cây xanh, để góp thêm mảng xanh cho đô thị vốn đã quá đông đúc, làm “lá phổi” điều hòa cho thành phố ngày có nhiều nhà cao tầng mọc lên. Điều đáng quý là trong thời gian qua, thành phố rất chú trọng đến việc cải tạo mảng xanh.

Ưu tiên di dời, dưỡng và trồng lại các cây cổ thụ

Hồi năm 2016, lãnh đạo TP.HCM cho biết phải dời và đốn 300 cây xanh trên đường Tôn Ðức Thắng để phục vụ cho dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 (nối quận 1 và quận 2 cũ) và hạng mục xây dựng nhà ga Ba Son (quận 1) thuộc dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên. 300 cây trong số hàng vạn cây xanh của thành phố không phải là nhiều nhưng vẫn được dư luận khá quan tâm hẳn vì tình yêu đối với cây xanh của người dân thành phố. Khi đó, đã có một vài hành động cụ thể của một số người để thể hiện tình yêu cây xanh, dù không phải hành động nào cũng được số đông tán thành.

Có lẽ hiểu được điều đó, những người phụ trách các dự án này đều khẳng định ưu tiên việc bứng, di dời, dưỡng và trồng lại một số cây này ở nơi khác (dù chi phí cao hơn nhiều lần so với việc đốn hạ và ít hiệu quả kinh tế bằng việc sử dụng gỗ vào mục đích thương mại). Và, chỉ đạo về vấn đề này, lãnh đạo thành phố lúc ấy cũng rất trân trọng lắng nghe ý kiến của nhân dân, đã yêu cầu các cơ quan chức năng phải cố gắng bứng dưỡng cây xanh với khả năng cao nhất có thể.

Sự yêu quý cây xanh của người dân thành phố hẳn có lý do vì thành phố cần cây xanh, để góp thêm mảng xanh cho đô thị vốn đã quá đông đúc, làm “lá phổi” điều hòa cho thành phố ngày có nhiều nhà cao tầng mọc lên

Hiện nay, nhìn từ đầu đường Tôn Ðức Thắng, đoạn giao với đường Lê Duẩn, nhiều người cảm nhận được nét đẹp và sự hiện đại của cầu Thủ Thiêm 2 (đã được đổi thành cầu Ba Son) nhưng cũng không ít người bồi hồi nhớ hàng cây cao và rợp bóng năm cũ. Bởi với không ít người, hàng cây cổ thụ ở đoạn đường này nằm trong nhóm những hàng cây trên đường phố đẹp nhất, không chỉ có rợp bóng hay lâu năm mà có lẽ còn vì sự kết hợp hài hòa giữa mảng xanh với các cao ốc hiện đại…

Thành phố cần mảng xanh cho đô thị vốn đã quá đông đúc

Sự yêu quý cây xanh của người dân thành phố hẳn có lý do vì thành phố cần cây xanh, để góp thêm mảng xanh cho đô thị vốn đã quá đông đúc, làm “lá phổi” điều hòa cho thành phố ngày có nhiều nhà cao tầng mọc lên. Ðiều đáng quý là trong thời gian qua, thành phố rất chú trọng đến việc cải tạo mảng xanh. Ở nhiều tuyến đường mới hoàn thành, cây xanh đã được trồng khá quy củ và được chăm sóc khá tốt.

Ðường Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Phạm Văn Ðồng… đa dạng với nhiều loại cây như me tây, lim xẹt, bằng lăng, cau trắng, điệp… Ở dọc hai bờ rạch Bến Nghé, hiện nay đã rợp bóng cây xanh; còn ở đại lộ rất rộng Mai Chí Thọ, Nguyễn Văn Linh (trước khi cải tạo đoạn gần Khu chế xuất Tân Thuận) cũng đầy bóng mát. Không chỉ có cây, ở nhiều nơi như dạ cầu, công viên, tiểu cảnh, mảng xanh với cỏ, cây nhỏ có hoa… cũng được trồng dày và chăm chút, tạo cảm giác mát dịu cho người đi đường.

Nhưng người Sài Gòn yêu cây xanh còn có một lý do khác nữa, đó là cây xanh có thể coi là những chứng nhân của thành phố hơn 320 năm tuổi này. Chẳng hạn, những cây cổ thụ ở Thảo Cầm viên Sài Gòn có thể coi là những dấu mốc cho sự cai trị của người Pháp ở thành phố này nói riêng và miền Nam nói chung, bởi công viên này ra đời vào năm 1865, sau khi người Pháp đã cơ bản trấn áp được các cuộc nổi dậy của triều đình nhà Nguyễn và buộc chính quyền người Việt phải ký thỏa thuận những điều khoản bất lợi.

Do đó, bây giờ, chúng ta có thể cảm ơn người Pháp đã để lại một vườn bách thảo độc đáo nhưng cũng không thể quên đó là dấu ấn bước đầu của chế độ thực dân, chế độ thuộc địa ở nước ta. Hay hàng loạt cây xanh trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Ba Tháng Hai, Trương Ðịnh, Nguyễn Chí Thanh… cũng được trồng từ thời Pháp thuộc, và có một số nơi trước kia cây xanh (được trồng) nhiều đến nỗi mùa mưa đô thị trở nên âm u như đám rừng, khiến chính quyền phải chặt bớt (hồi đầu thế kỷ XX khi dân cư còn khá thưa thớt).

Những con đường trồng hoa kèn hồng trở thành một đặc trưng của TP.HCM

Không chỉ vậy, có những địa danh gắn với cây xanh đặc hữu của thành phố. Như Gò Vấp hiện nay vốn là gò có nhiều cây vấp (hiện ở Thảo Cầm Viên còn một số cây), nhưng do quá trình đô thị hóa loại cây này đã không còn tồn tại nữa. Hay có một số địa danh gắn với cây mai (mai trắng), loài hoa tượng trưng cho sự thanh cao, tinh khiết của con người, nhất là người quân tử, như chùa Cây Mai (Mai Sơn tự, ra đời từ thế kỷ XVIII), nay không còn nhưng dấu vết lưu ở góc đường Nguyễn Thị Nhỏ - Hồng Bàng; đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi), nơi có nhà số 629, ghi dấu cuộc họp quyết định đánh Pháp trở lại tái chiếm Nam bộ vào sáng ngày 23/9/1945…

Hiện nay ở thành phố Thủ Ðức và quận Tân Phú còn có đường Cây Keo, vốn là loài cây khá phổ biến ở Sài Gòn nói riêng và Nam bộ nói chung, ngày xưa hay được trồng làm hàng rào, lấy bóng mát…

Cây xanh gắn với hoa làm thành phố thêm tươi, thêm đẹp

Hoa chò nâu (sao đen, hoa dầu…) được trồng nhiều trên các đường như Ðiện Biên Phủ, Ba tháng Hai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Chí Thanh…, mà những tháng đầu mùa mưa, khi gió về nhiều, mưa chỉ lất phất, hoa lại rụng đầy trên phố. Hoa lim xẹt (phượng vàng) trên đường Trương Ðịnh, Trường Chinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… nở nhiều vào các tháng đầu năm, trong cái chói chang của những ngày đầu hè, hoa trở nên rực rỡ.

Hoa chuông vàng ở các tuyến như Phạm Văn Ðồng, Mai Chí Thọ, Ðiên Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh…, mỗi khi nở rộ trở thành điểm nhấn của con đường. Hay ở một số tuyến đường như Võ Văn Kiệt, Ðiện Biên Phủ, Tố Hữu, Võ Thị Sáu…, kèn hồng được trồng khá nhiều, có nơi gần như trở thành giống cây “chủ đạo” và khi hoa bung nở đã tạo nên một khung cảnh nên thơ đối với rất nhiều người…

Thành phố còn còn có bằng lăng, phượng vĩ, bò cạp vàng, sò đo cam, hay gần đây có thêm muồng anh đào tím đỏ… Ngoài ra, các loài hoa nhỏ hơn như lan ý, lan đại tướng quân, cỏ đậu phộng… cũng được trồng khá nhiều, càng gieo thêm tình yêu cây và hoa của người dân thành phố.

Thành phố trồng rất nhiều cây xanh... càng gieo thêm tình yêu cây và hoa của người dân thành phố.

Tình yêu với cây xanh là thế nhưng không phải lúc nào việc ứng xử với cây xanh cũng được thể hiện đúng mực. Có một dạo, những người có nhà mặt tiền hoặc người chiếm vỉa làm nơi buôn bán tìm cách làm chết cây xanh để lấy mặt bằng, cây chết khô vẫn cứ trơ gan cùng tuế nguyệt. Hay do cơ quan trồng cây xanh và cơ quan “trồng” dây điện không hiểu ý nhau, cây được trồng ngay dưới làn điện nên phải chịu cảnh cưa thân, chặt ngọn, nhìn mà xót xa… Hay có một số người “mượn” thân cây để treo, đóng, dán các loại quảng cáo “xốn mắt”… Rồi việc bẻ cành, ngắt hoa, hái trái, giẫm lên cỏ… cũng diễn ra không hiếm, không chỉ là hành vi thiếu văn minh mà còn thể hiện sự thô bạo với cây, với hoa, với cỏ…

Bây giờ, việc ứng xử với cây xanh được thể hiện tích cực hơn nhiều. Có lẽ mọi người đều thấy ích lợi của cây xanh và hiệu ứng từ cộng đồng xã hội phản ứng với hành vi tàn phá cây cối. Ðã đến lúc phải xem cây xanh thực sự là những người bạn của cư dân thành phố, để có sự trân trọng, nâng niu, gìn giữ, chăm sóc nó, để cuộc sống thêm tươi, thêm xanh và đầy sức sống!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình yêu với cây xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO