Trong giai đoạn 2009 – 2017, bình quân mỗi năm thành phố bố trí việc làm cho 280.000 người (145.000 chỗ làm việc mới), trong tổng số người có việc làm hằng năm, số sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường có việc làm chiếm tỷ lệ trên 80% số sinh viên tốt nghiệp hàng năm tại thành phố.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học tìm được việc làm do từ nhiều nguồn:
- Các doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp tại các trường, kể cả doanh nghiệp chọn lọc, hỗ trợ học bổng sinh viên còn đi học để tuyển chọn sinh viên xuất sắc, giỏi, khá, có kỹ năng ngoại ngữ.
- Thông qua các ngày hội nghề nghiệp - việc làm cho sinh viên, sàn giao dịch việc làm.
- Các trung tâm dịch vụ việc làm, đặc biệt vai trò các trung tâm hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp của các trường đại học đã giúp nhiều sinh viên tốt nghiệp nhanh chóng có việc làm tương đối phù hợp.
- Các mạng thông tin việc làm, các trang tuyển dụng nhân lực trực tuyến.
- Thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp niêm yết, trên hệ thống website, Internet, báo, đài, cơ quan thông tin.
- Gia đình, thân nhân những người quen giới thiệu.
- Tự tìm việc qua những việc thời vụ, bán thời gian khi còn đi học.
- Sinh viên tự tạo việc làm và khởi nghiệp bằng cách bỏ vốn từ tích lũy làm thêm, từ gia đình, các nguồn quỹ tín dụng việc làm, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp để tự tạo việc làm. Khởi nghiệp bằng hình thức tổ chức doanh nghiệp hoặc kinh doanh dịch vụ cá nhân, tập thể.
Các trường đại học tại TP.HCM hàng năm cung cấp cho thị trường lao động thành phố hơn 70.000 lao động có trình độ đại học. Ngoài ra, các chương trình đào tạo đại học liên thông, liên kết quốc tế, du học, đào tạo vừa học vừa làm, liên kết đào tạo đại học với các tỉnh,… hàng năm đào tạo thêm hàng chục ngàn nhân lực ra trường.
Năm 2014 – 2017, so sánh với giai đoạn trước năm 2010 thì số lượng nhân lực được đào tạo đại học, tăng trên 2 lần (70.000/30.000 hàng năm), trong khi nhu cầu nhân lực có trình độ đại học chỉ có khoảng 40.000 chỗ làm việc/năm. Ngoài ra, còn nguồn nhân lực tốt nghiệp đại học từ các chương trình liên kết trong nước, ngoài nước, liên thông đại học, hệ đại học vừa học vừa làm và nguồn sinh viên tốt nghiệp đại học từ các tỉnh, thành phố khác đến tìm việc làm,... cho thấy nguồn nhân lực tốt nghiệp đại học có nhu cầu việc làm tại TP.HCM mỗi năm có khoảng 100.000 - 110.000.
Mức độ cạnh tranh ở thị trường lao động thành phố dẫn đầu cả nước. Người tìm việc tại đây phải cạnh tranh với trung bình 1/48 người.
Mặt khác, cơ cấu ngành nghề đào tạo chuyên môn kỹ thuật còn nhiều bất cập, cụ thể trong cơ cấu đào tạo đại học nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ và khoa học tự nhiên chiếm tỷ trọng khoảng 30%, các nhóm ngành kinh tế – tài chính – khoa học xã hội – y tế – giáo dục chiếm tỷ trọng 70% trong khi nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp thì nhóm ngành kỹ thuật công nghệ - khoa học tự nhiên chiếm tỷ trọng 45%; vì vậy thị trường lao động đang thiếu nhiều nhân lực các ngành nghề như: cơ khí, công nghệ thông tin – truyền thông, công nghệ nông – lâm… đồng thời, có nhiều ngành học thuộc nhóm kinh tế – tài chính – khoa học – xã hội – y dược được các trường mở ra với số lượng tuyển sinh khá lớn trong những năm gần đầy theo thị hiếu xã hội nhưng chưa đầu tư đảm bảo đúng yêu cầu chất lượng chuyên ngành nên không được doanh nghiệp đánh giá cao khi tuyển dụng dù số lượng nhiều với nhu cầu nhân lực nhưng chất lượng thì không phù hợp. Do đó, tình trạng thị trường lao động luôn thể hiện “vừa thừa vừa thiếu”.
Thực trạng chung là phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp và ổn định, do chưa định hướng đúng mức về nghề nghiệp – việc làm, vì một số sinh viên chọn ngành học chưa phù hợp năng lực, sở trường và xu hướng phát triển thị trường lao động. Mặt khác, các doanh nghiệp rất quan tâm tuyển chọn đối với sinh viên tốt nghiệp về kiến thức ngoại ngữ, khả năng hợp tác, kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, những hiểu biết về môi trường văn hóa doanh nghiệp và tác phong làm việc công nghiệp. Sự hạn chế lớn của sinh viên khi ra trường, đa số chưa định hướng được cụ thể để chọn một ngành chuyên môn phù hợp với khả năng, đồng thời, do hệ thống thông tin thị trường lao động; hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm thành phố chưa cập nhật kịp thời để gắn kết sinh viên và doanh nghiệp đạt hiệu quả cao.
Theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM thuộc Sở lao động – thương binh và xã hội TP.HCM về nhu cầu tìm việc làm của trên 200.000 sinh viên từ năm 2010 - 2016, có khoảng 80% sinh viên sau khi tốt nghiệp là tìm được việc làm, còn 20% tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc làm, phải chuyển đổi ngành học hoặc làm những công việc thấp hơn trình độ đào tạo. Trong tổng số sinh viên tìm được việc làm, chỉ có 50% là có việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt, 50% vẫn phải làm việc trái ngành nghề, thu nhập thấp; việc làm chưa thật sự ổn định và có thể phải chuyển việc làm khác.
Nổi cộm nhất của thị trường lao động hiện nay và những năm tới đó là nguồn nhân lực có tay nghề cao, có trình độ chuyên môn giỏi vẫn không đủ đáp ứng thị trường lao động. Điều này cũng đồng nghĩa, một bộ phận nhân lực phải thất nghiệp và khó tìm được việc làm ổn định nếu chưa đủ điều kiện nghề nghiệp, kỹ năng chuyên môn và khả năng thích nghi thực tế thị trường lao động.
Một thực trạng dễ thấy, các doanh nghiệp rất cần đội ngũ nhân sự chất lượng cao, nhưng ngược lại nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt phần kỹ năng. Nhìn nhận một cách thẳng thắn thì có đến 70% sinh viên tốt nghiệp chưa trang bị tốt về chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ. Ngoài vấn đề vừa nêu, một số ngành nghề cũng đang mất cân đối giữa các cấp đào tạo và nhu cầu tuyển dụng. Sự chênh lệch về thu nhập trong từng ngành nghề dẫn đến sự lựa chọn khác nhau trong nhu cầu tuyển dụng và tìm việc, cũng là một trong số nguyên nhân.