Y học

Thuyên tắc phổi – Những điều cơ bản cần biết

BV115 28/03/2025 14:53

Thuyên tắc phổi (TTP) là tình trạng tắc nghẽn một hoặc nhiều nhánh động mạch phổi. Phần lớn các trường hợp tắc nghẽn này là do cục máu đông hình thành ở nơi khác rồi di chuyển đến phổi. Trong một số trường hợp hiếm gặp, tắc nghẽn có thể do bóng khí, các khối mỡ nhỏ hoặc các mảnh từ khối u di chuyển đến phổi.

p1.jpeg
Hình 1. Huyết khối gây thuyên tắc động mạch phổi.

Tại sao cục máu đông lại lại hình thành trong hệ tĩnh mạch của cơ thể và liệu có nguy hiểm?

Thuyên tắc phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu là các dạng của cùng một phổ bệnh gọi chung là huyết khối tĩnh mạch. Nguyên nhân hình thành cục máu đông trong hệ thống tĩnh mạch là do các nguyên nhân nằm trong 3 nhóm (Tam chứng Virchow): ứ trệ luân chuyển dòng máu (do bất động lâu, u chèn ép, suy tim, suy van tĩnh mạch sâu, béo phì, thai kỳ..), tổn thương nội mạc mạch máu (do chấn thương, phẫu thuật...), tình trạng tăng đông (tăng đông di truyền, ung thư, điều trị hormone thay thế thuốc ngừa thai estrogen..)

Đa số các cục máu đông trong phổi hình thành ở chân, vùng chậu hoặc hiếm hơn là ở tay, sau đó di chuyển đến phổi. Khi cục máu đông hình thành trong các tĩnh mạch sâu của chân, tình trạng này được gọi là "Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới”. Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây sưng, đau, ấm và đỏ ở vị trí hình thành. Khi huyết khối di chuyển tới phổi dẫn tới thuyên tắc phổi xảy ra, làm cản trở dòng máu trong tuần hoàn lên phổi để trao đổi khí và phổi có thể bị tổn thương, việc này có thể gây khó thở và thậm chí dẫn đến tử vong.

p2.jpeg
Hình 2. Mối liên quan giữa Huyết khối tĩnh mạch sâu và Thuyên tắc động mạch phổi.

Triệu chứng của cục máu đông trong phổi là gì?

Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Khó thở hoặc cảm thấy hụt hơi (đặc biệt khi chỉ cần gắng sức nhẹ) mới xuất hiện trong vài ngày gần đây kèm hồi hộp tim đập nhanh
  • Đau ngực khi hít vào hoặc thở ra
  • Ho ra máu

Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào, đặc biệt nếu chúng xuất hiện trong thời gian ngắn (vài giờ hoặc vài ngày) hoặc trở nặng nhanh chóng, hãy đến ngay bệnh viện.

Bác sĩ sẽ làm những gì trong tiến trình chẩn đoán và điều trị TTP?

1/Xác định thật sự có TTP không? Bác sĩ sẽ dùng thang điểm để lượng giá khả năng (xác suất) bị TTP cao hay không và tùy theo đó sẽ cho tiếp xét nghiệm D-dimer hay chụp cắt lớp vi tính ngực có tiêm cản quang. Sự hiện diện cục máu đông trong động mạch phổi sẽ giúp xác chẩn có TTP.

2/Đánh giá độ nặng của TTP (nguy cơ tử vong sớm trong viện và trong vòng 30 ngày) để quyết định nơi người bệnh cần nằm để được theo dõi (ngoại trú / trại bệnh / phòng nặng tại các khoa tim mạch hay khoa hồi sức) và chiến lược điều trị tiếp theo như thuốc làm tan cục máu đông (thuốc tiêu sợi huyết) hay lấy huyết khối qua ống thông hoặc bằng phẫu thuật, thuốc loãng máu-kháng đông đường tiêm (cho thuốc heparin truyền liên tục qua đường tĩnh mạch hay tiêm dưới da) hay thuốc kháng đông đường uống (kháng vitamin K hay không phải kháng vitamin K). Khác với các biện pháp tác động trực tiếp lên cục máu đông (thuốc tiêu sợi huyết, lấy huyết khối), việc cho thuốc kháng đông không làm tan cục máu đông hiện tại mà chỉ giúp chúng hạn chế lan rộng, di trú thêm và chờ cơ chế ly giải huyết khối tự nhiên trong cơ thể sẽ tiêu dần cục máu đông này.

3/Truy tìm và kiểm soát yếu tố kích phát (YTKP) gây TTP, đây là bước rất quan trọng cần xác định để quyết định cho việc chọn lựa loại thuốc và thời gian kéo dài của điều trị kháng đông. Những YTKP chỉ là thoáng qua / khả hồi rõ có liên quan với bệnh đợt này (nguy cơ tái phát thấp, < 3%/năm) như sau phẫu thuật gây mê kéo dài hơn 30 phút, bệnh lý cấp nhập viện sinh hoạt tại giường hơn 3 ngày, chấn thương có kèm gãy xương bất động…thời gian điều trị kháng đông là 3 tháng. Ngược lại với những YTKP đã quá rõ sẽ tồn tại dai dẳng (nguy cơ tái phát cao, > 8%/năm) như từng bị TTP hay huyết khối tĩnh mạch trước đây mà không rõ YTKP, ung thư hoạt động, tăng đông di truyền, hội chứng kháng Phospholipid…) thời gian dùng kháng đông là kéo dài không hạn định. Những trường hợp còn lại có nguy cơ tái phát trung bình, 3-8%/năm như béo phì, bất động vì bệnh cấp nhập viện < 3 ngày, gây mê toàn thân do phẫu thuật < 30 phút, thai kỳ, điều trị hormone thay thế, thuốc ngừa thai, đi máy bay đường dài…). Các YTKP trong nhóm này chỉ là các YTKP yếu, chưa rõ ràng như 2 nhóm vừa nêu trên, nên việc chấp nhận YTKP trong danh sách các YTKP thuộc nhóm này chỉ sau khi đã loại trừ 2 nhóm trên.

    Cần lưu ý là có khoảng 30% các trường hợp bác sĩ đã tìm rất kỹ nhưng vẫn không tìm được YTKP và 10% trong số đó qua theo dõi vài năm có ghi nhận bệnh lý ung thư đâu đó trong cơ thể.

    Nếu bạn được kê thuốc kháng đông máu cần lưu ý gì?

    • Dùng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ – Nếu dùng nhóm kháng vitamin K (Acenocumaron, warfarin) bạn cần làm xét nghiệm máu định kỳ để kiểm tra khả năng đông máu an toàn trong ngưỡng trị liệu và bác sĩ sẽ điều chỉnh liều thuốc nếu cần.
    • Tuân thủ chế độ ăn uống và thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ – Một số loại thuốc kháng đông có thể bị ảnh hưởng bởi thực phẩm hoặc các loại thuốc khác (như thuốc kháng vitamin K), uống vào buổi tối sau ăn để tăng khả dụng sinh học của thuốc (như thuốc Rivaroxaban) và tránh không được nghiền thuốc cho qua ống nuôi ăn dạ dày (như thuốc Dabigatran)
    • Theo dõi dấu hiệu chảy máu – Tất cả những người dùng thuốc kháng đông đều có nguy cơ chảy máu cao hơn người không dùng, nhưng vì lợi ích của thuốc mang lại chúng ta cần dùng theo chỉ định của bác sĩ phù hợp với bệnh lý đó. Nếu có dấu hiệu chảy máu, hãy báo ngay cho bác sĩ.

    Làm thế nào để phòng ngừa cục máu đông?

    Điều trị tốt nguyên nhân và hạn chế tối đa tác động của các YTKP theo hướng dẫn của bác sĩ là quan trọng trong phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch nói chung và thuyên tắc phổi nói riêng.

    Một số người có thể bị cục máu đông do ngồi quá lâu, ví dụ như do công việc hay khi đi máy bay đường dài. Để làm giảm nguy cơ này, các biện pháp nên xem xét:

    • Đứng dậy và đi lại ít nhất mỗi giờ một lần.
    • Uống đủ nước và không hút thuốc trước khi bay.
    • Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.
    • Thường xuyên thay đổi tư thế, cử động chân và bàn chân.
    • Mang vớ áp lực
    • Tránh rượu và thuốc an thần để giữ tỉnh táo và vận động nhiều hơn.

    (0) Bình luận
    Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Thuyên tắc phổi – Những điều cơ bản cần biết
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO