Tài chính

Thương mại và dịch vụ tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng của Thành phố

VGP29/06/2024 - 07:30

Bước qua tháng 6/2024, thương mại và dịch vụ trên địa bàn TP.HCM diễn ra sôi nổi. Qua đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 dự ước tăng 10% so với cùng kỳ.

tp.jpg
Dịch vụ lữ hành 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu tăng 63,3% so với cùng kỳ. Ảnh: VGP/Anh Lê

Theo Cục Thống kê TP.HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 năm 2024 trên địa bàn ước đạt 99.010 tỷ đồng, tăng 5,7% so với tháng trước và tăng 8,6% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 557.545 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.

Tính riêng quý II/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 284.042 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Trong đó, dịch vụ lữ hành tăng 64,3%, doanh thu bán lẻ tăng 8,7%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 2,7%.

Cũng theo Cục Thống kê TP.HCM, nếu tính theo từng nhóm ngành, thì trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 267.617 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ, trong đó: Nhóm lương thực, thực phẩm chiếm 31,1%, tăng 8,8%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình chiếm 24,4%, tăng 16,6%; nhóm hàng hóa khác chiếm 9,2%, tăng 6,8%; nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm chiếm 8,6%, tăng 28,9%; nhóm hàng may mặc chiếm 5,9%, tăng 2,4%.

Cùng với sự tăng trưởng tích cực từ nhóm ngành bán lẻ, trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu lưu trú và ăn uống ước đạt 62.523 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành lưu trú tăng 43,3% và ngành dịch vụ ăn uống tăng 3,9%. Dịch vụ lữ hành 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu ước đạt 19.049 tỷ đồng, tăng 63,3% so với cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ khác 6 tháng đầu năm 2024, ước đạt 208.355 tỷ đồng, tăng 7,2%. Trong đó, thị trường bất động sản đã bước qua thời kỳ trằm lắng khi các chính sách có liên quan phát huy được hiệu quả, lãi suất cho vay giảm, khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân và doanh nghiệp tăng lên, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 123.887 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ.

Chỉ số CPI bình quân 6 tháng năm 2024 tăng 3,28%

Cục Thống kê TP.HCM cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2024 giảm 0,05% so với tháng trước và tăng 3,47% so với cùng kỳ. Trong đó, 6/11 nhóm có chỉ số giá giảm; giảm nhiều nhất là nhóm nhóm giao thông với mức giảm 2,61%; 5/11 nhóm còn lại đều tăng và tăng cao nhất là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng với mức tăng 0,42%.

Trong tháng 6, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,33%, trong đó lương thực tăng 0,22%, thực phẩm tăng 0,33% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,36%. Một số mặt hàng ở nhóm thực phẩm có chỉ số giá tăng như giá thịt gia súc tăng 1,10%; giá thịt gia cầm tăng 0,46% do nguồn cung giảm và giá bán tại trại tăng nhẹ.

Tính chung, chỉ số CPI bình quân 6 tháng năm 2024 tăng 3,28% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm bưu chính viễn thông giảm 3,92%; các nhóm còn lại đều tăng và tăng cao nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế với mức tăng 7,77% do các bệnh viện trên địa bàn điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế; kế đến là nhóm giáo dục tăng 7,48% do việc điều chỉnh giá học phí năm học 2023-2024; nhóm giao thông tăng 5,23% do giá xăng tăng 3,34%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương mại và dịch vụ tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng của Thành phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO