Dòng chảy

Thực hành xây dựng thể chế tốt để cải cách thủ tục hành chính hiệu quả

Việt Thy 16/12/2023 - 06:33

Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) TP.HCM vừa phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) tổ chức hội thảo quốc tế “Thực hành xây dựng thể chế, quy định tốt (Good Regulatory Practices - GRP) để cải cách thủ tục hành chính”. Nhiều chuyên gia đầu ngành đã cung cấp kiến thức, giới thiệu về GRP trong cải cách thủ tục hành chính; đề xuất các chiến lược để thực hiện hiệu quả GRP trong cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam nhằm cung cấp cho hội thảo thêm cái nhìn toàn cảnh và khái quát hơn về GRP.

GRP - Giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Huệ - Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM – đánh giá việc xây dựng thể chế, quy định tốt là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính hiện là một bộ phận không thể thiếu của quá trình quản lý và phát triển, tuy nhiên, thủ tục hành chính phức tạp và không linh hoạt có thể tạo ra những thách thức đáng kể, đặc biệt là đối với doanh nghiệp và người dân.

“Trong những năm qua, Chính phủ và Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, trong đó có việc xây dựng và thực thi các thể chế, quy định nhằm phù hợp với yêu cầu thực tế thông qua việc cắt giảm về thành phần hồ sơ, thời gian thực hiện ... Nhờ đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam nói chung và của Thành phố nói riêng đã được cải thiện đáng kể, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cạnh tranh cấp tỉnh”, bà Kim Huệ nhấn mạnh.

ba-kim-hue.jpg
Bà Nguyễn Thị Kim Huệ - Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM - phát biểu khai mạc hội thảo

Ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL - cho biết, TP.HCM là đơn vị đầu tiên thực hiện triển khai GRP trên cả nước. Trên thế giới, GRP được sử dụng như một công cụ năng suất dựa trên chính sách ở một số quốc gia. Ngày nay, GRP càng thể hiện rõ ảnh hưởng đối với năng suất, chất lượng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà hoạch định chính sách có thể giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển mạnh trong cộng đồng địa phương cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách áp dụng GRP giúp quy định trở nên dễ hiểu hơn, đồng thời giảm thời gian và chi phí liên quan đến việc tuân thủ.

Tại Việt Nam, có thể nói, GRP có thể củng cố các yếu tố thành công trong cải cách kinh tế bằng cách nâng cao chất lượng các quy định; tăng cường năng lực thực thi quy định và tăng cường quản lý quy định.

ong-hiep.jpg
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL

Phát triển GRP thành “tài sản then chốt” để hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam vào năm 2045

GRP là một công cụ được thiết lập để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và củng cố niềm tin của công chúng vào Chính phủ. GS.TS Vũ Minh Khương – Chuyên gia APO, Phó Giáo sư Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore dẫn chứng 10 lợi ích từ việc thực hành GRP bao gồm: Sự rõ ràng trong cơ sở chính sách, mục tiêu và khuôn khổ thể chế; Xem xét kỹ lưỡng các chi phí, lợi ích và rủi ro liên quan đến các quy định được đề xuất; Sự tham gia của các bên liên quan; Tính minh bạch; Trách nhiệm giải trình và thực thi; Sự đơn giản; Đánh giá thường xuyên để đảm bảo tính phù hợp, hiệu quả liên tục; Bồi dưỡng niềm tin của cả cá nhân và doanh nghiệp vào Chính phủ; Đạo đức và tính chính trực; Thúc đẩy hội nhập toàn cầu và hợp tác pháp lý khu vực.

Từ đây, ông cũng đề xuất 7 định hướng chiến lược thực hiện GRP đó là: Nâng cao nhận thức và tăng cường cam kết; Tổ chức các buổi đào tạo nghiêm túc; Thực hiện các chương trình GRP thí điểm; Thúc đẩy sự đổi mới và sức sống; Phát động phong trào GRP; Thể chế hóa GRP; Tận dụng GRP như một thế mạnh bền vững dẫn đầu quốc gia trong phát triển.

gs.-minh-khuong.jpg
GS.TS Vũ Minh Khương – Chuyên gia APO, Phó Giáo sư Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore

Trong đó, cần khởi xướng các chiến dịch nâng cao nhận thức nhằm nhấn mạnh những lợi ích của GRP và nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết trong việc triển khai GRP tại Việt Nam, cũng như định hình nhận thức của công chúng về GRP như một con đường quan trọng để tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm làm sáng tỏ bối cảnh pháp lý, thúc đẩy kết nối xã hội và thúc đẩy nền kinh tế. Phát động phong trào GRP toàn diện để tạo động lực, tích cực thu hút sự tham gia của nhiều bên liên quan và công chúng vào việc thúc đẩy và áp dụng GRP. Khuyến khích phát triển các nhà tiên phong GRP trong các tổ chức, tỉnh và ngành, thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm và đổi mới sáng tạo. Khuyến khích các cuộc thảo luận mang tính toàn diện để đưa những đặc điểm riêng biệt vào GRP tại Việt Nam, ví dụ như đưa ra xếp hạng của chuyên gia để đánh giá khoảng cách giữa các quy định mới/sửa đổi tiềm năng và các thông lệ quốc tế tốt nhất đã được thiết lập tốt. Thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các tỉnh và các bộ trong việc thực hiện GRP thí điểm, tạo ra sự năng động trong bối cảnh cải cách pháp lý.

Cũng theo GS. Minh Khương, cần phát triển GRP thành “tài sản then chốt” để hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam 2045, đưa đất nước trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Nhấn mạnh vai trò của GRP trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và quản lý xuất sắc và định vị GRP như một lợi thế cạnh tranh đặc biệt để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đóng góp đáng kể cho sự hợp tác khu vực và toàn cầu.

Vương quốc Anh, Hàn Quốc và Malaysia hiện đang nổi bật là những quốc gia hàng đầu vì đã áp dụng GRP thành công, nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như khả năng cạnh tranh. “Các thông lệ quốc tế tốt nhất nhấn mạnh tầm quan trọng của sự lãnh đạo có tầm nhìn xa, cam kết của hệ thống chính trị và tính cấp thiết của cải cách trong những giai đoạn đầy thử thách là những yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thành công GRP”, GS. Minh Khương bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hành xây dựng thể chế tốt để cải cách thủ tục hành chính hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO