Dòng chảy

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP.HCM trong 6 tháng cuối năm 2024

Di An01/07/2024 15:54

Chiều 1/7, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì.

hop.jpg
Quang cảnh cuộc họp

Mở đầu phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về giải pháp đột phá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP.HCM cho 6 tháng cuối năm 2024, trong đó quý 3 phải đạt 7% và quý 4 đạt 8%.

Theo Cục Thống kê TP.HCM, tăng trưởng kinh tế của Thành phố trong 6 tháng đầu năm đạt 6,42%. cao hơn 2,91% so với cùng kỳ năm 2023 (6 tháng năm 2023 tăng 3,55%), đồng thời đạt tốc độ cao nhất kể từ 2020.

Với mức tăng trưởng này, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, trong quý 3 phải tăng trên mức 7% và quý 4 phải 8% thì mới đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 7,5-8%. Chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn cả hệ thống chính trị TP.HCM, đặc biệt là hệ thống chính quyền, sở ngành, địa phương phải tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Vướng mắc ở đầu tư, kể cả đầu tư công và tư cũng phải tháo gỡ ngay”, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, đồng thời cho biết TP.HCM thành lập tổ chuyên trách và tháo gỡ ngay khi phát sinh. Mỗi tuần phải tổ chức rà soát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP.HCM.

ct.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, trong quý 3 phải tăng trên mức 7% và quý 4 phải 8%

Thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm gần 79.264 tỷ đồng. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước TP.HCM, tính đến ngày 21/6, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm của thành phố đã giải ngân gần 8.195 tỷ đồng, đạt 10,3% tổng kế hoạch vốn được giao. Dự kiến theo kế hoạch đến cuối tháng 6, giải ngân ước đạt 15,7%.

bxc.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường (phải) cho biết đã phân cấp, ủy quyền cho các địa phương

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết vừa qua, Thành phố đã rà soát lại và đang tiến hành triển khai các dự án nhưng có chậm. TP.HCM đã phân cấp, ủy quyền cho các địa phương điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết đồ án phân khu tỷ lệ 1/2000 và 1/500 để tháo gỡ khó khăn khi triển khai các dự án đầu tư công.

Đối với các dự án đầu tư công đang triển khai cũng bị vướng về quy hoạch không gian ngầm. Sở QH-KT, Sở Xây dựng rà soát báo cáo để TP.HCM xem xét cho chủ trương tháo gỡ, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

nvd.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng (trái) cho biết Thành phố tập trung bình ổn thị trường

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết chính quyền Thành phố cùng với các sở ngành hoàn chỉnh các nhiệm vụ, đề án lớn như: Trung tâm Tài chính quốc tế, Sàn giao dịch hàng hóa, Đề án phát triển Logistics, Chiến lược phát triển du lịch TP.HCM... Đồng thời, từ đây đến cuối năm, TP.HCM tập trung các giải pháp để đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước. Đồng thời, tập trung bình ổn thị trường để chuẩn bị cho năm học mới và dịp tết.

ctk.jpg
Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM Nguyễn Khắc Hoàng phát biểu

Phân tích kỹ về chỉ số tăng trưởng kinh tế của Thành phố trong 6 tháng đầu năm, Cục thống kê cho biết khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,18% so với cùng kỳ; Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 5,55%; khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng GRDP khi tăng 7,26% so với cùng kỳ; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,39%. Dự ước vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm đạt 18,2% so với GRDP.

Trong lĩnh vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng dự ước tăng trưởng khá với mức tăng 10,0%, trong đó bán lẻ hàng hóa tăng 10,2%, lưu trú và ăn uống tăng 8,1%, dịch vụ lữ hành tăng 63,3% và dịch vụ khác tăng 7,2%.

- Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Thành phố:

+ Xuất khẩu: Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 22,56 tỷ USD, tăng 13,1% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 22,4%).

+ Nhập khẩu: Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 4,6% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 24,2%).

- Du lịch:

Tổng doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 92.643 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 48,8% so với kế hoạch năm 2024; Khách du lịch nội địa đến Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 17.135.045 lượt, tăng 4,4% so cùng kỳ năm 2023, đạt 45,1% so với kế hoạch năm 2024; khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2.678.275 lượt, tăng 38% so cùng kỳ năm 2023, đạt 44,6% so với kế hoạch năm 2024.

- Dịch vụ vận tải: Khối lượng vận tải hành khách công cộng 06 tháng đầu năm 2024 đạt 236,2 triệu lượt hành khách, tăng 21,1% so với cùng kỳ 2023, đạt 49,5% so với kế hoạch năm 2024 (477,67 triệu lượt hành khách). Số lượt hành khách bằng đường thủy ước đạt 15,03 triệu lượt hành khách, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2023 (13,08 triệu lượt khách). Số lượng hành khách đi và đến Thành phố bằng đường sắt ước đạt 493.610 lượt hành khách (giảm 4% so với cùng kỳ năm 2023); số lượng hành khách đi và đến tại sân bay Tân Sơn Nhất ước đạt 21.147.438 lượt hành khách (tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023).

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong 06 tháng đầu năm 2024 ước đạt 92,48 triệu tấn, tăng 14,26% so với cùng kỳ năm 2023 (80,94 triệu tấn); Sản lượng hàng hóa thông qua đường thủy nội địa ước đạt 34,56 triệu tấn, tăng 16,65% so với cùng kỳ năm 2023 (29,63 triệu tấn).

Lĩnh vực công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Ngoài ra, đối với ngành công nghiệp cấp 2, có 17/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng so với cùng kỳ, thấp nhất trong quý 2 cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp đang có sự phục hồi nhưng chưa bền vững.

Chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm tính chung 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,0% so với cùng kỳ, thấp hơn 0,6 điểm % so với IIP toàn ngành công nghiệp. Bao gồm: Ngành hóa dược tăng 21,1%; ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng 1,3%; ngành cơ khí giảm 1,7%; ngành sản xuất hàng điện tử giảm 5,4%.

Lĩnh vực nông nghiệp

Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt 5.028,9 tỉ đồng (tăng 0,2% so cùng kỳ); trong đó, giá trị sản xuất các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực và tiềm năng chiếm tỷ trọng khoảng 73% trên tổng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

Về trồng trọt: Diện tích gieo trồng rau các loại 4.201 ha (giảm 1,5% so cùng kỳ), sản lượng rau đạt 151.372,1 tấn (giảm 0,8% so cùng kỳ).

Về chăn nuôi: Đàn bò 90.251 con (giảm 14,23% so cùng kỳ). Trong đó đàn bò thịt 30.126 con giảm 7,78%; bò sữa 60.125 con giảm 17,14%. Đàn heo 199.629 con (giảm 0,06% so cùng kỳ). Nuôi chim yến lấy tổ 8,47 tấn (tăng 7,2% so cùng kỳ).

Tổng sản lượng thủy sản 29.222,6 Tấn (tăng 0,01% so với cùng kỳ). Sản lượng cá cảnh đạt 55,2 triệu con (tăng 5,3% so với cùng kỳ).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP.HCM trong 6 tháng cuối năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO