Thủ tướng kỳ vọng C4IR TP.HCM trở thành hạt nhân đổi mới sáng tạo, phát triển xứng tầm
Tối ngày 21/01, UBND TP.HCM, Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) TP.HCM và Tập đoàn Sovico đã phối hợp tổ chức Tọa đàm “Ứng dụng AI trong sản xuất thông minh và phát triển Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM” bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF Davos 55.
Tham dự sự kiện có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Võ Văn Hoan; Lãnh đạo các Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao; Lãnh đạo các địa phương Hà Nội, Đà Nẵng; lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty Cổ phần FPT.
Đặc biệt, có sự tham dự của lãnh đạo hơn 40 tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu các nước và thế giới trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng, tài chính như: Ava Labs, Bangkok Bank, Brosnan, Grab, GS Engineering & Construction Corp, HSBC, Intel, JIBC, Manulife, Mastercard, VISA... và đại diện của WEF và C4IR một số quốc gia.
Phát biểu chào mừng Tọa đàm, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết Thành phố đang tập trung tái cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững, cam kết mạnh mẽ về phát triển các ngành then chốt như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hạ tầng số. Thành phố đang hình thành cơ chế khuyến khích các đề tài ứng dụng trí tuệ nhân tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Tháng 9/2024 vừa qua, với sự phối hợp chặt chẽ của WEF, C4IR TP.HCM đã hình thành và đi vào hoạt động. Đây là một nỗ lực lớn, có tính đột phá để hướng tới Thành phố dịch vụ công nghiệp hiện đại. Ông cũng cho biết, mục tiêu đưa TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là khát vọng của Thành phố mà còn là quyết tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Trong phần giới thiệu về thế mạnh và cơ hội đầu tư vào TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan nhấn mạnh: Thành phố tiếp tục là điểm đến đầu tư hàng đầu Việt Nam nhờ vị trí địa lý chiến lược, vai trò trung tâm giao thương của cả nước, cơ sở hạ tầng được đầu tư đúng mức, lực lượng lao động tay nghề cao, năng lực khoa học - công nghệ vượt trội và sự đa dạng về văn hóa. C4IR TP.HCM và dự án Trung tâm Tài chính Quốc tế Việt Nam tại Thành phố hứa hẹn thúc đẩy phát triển fintech, tài chính xanh, đồng thời nâng cao vị thế Thành phố trên bản đồ tài chính khu vực và thế giới. Ông Võ Văn Hoan bày tỏ mong muốn lắng nghe các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra khuyến nghị cho Thành phố về những điều kiện cần để phát triển trung tâm tài chính như khung pháp lý, công nghệ, cơ sở hạ tầng và kỳ vọng của nhà đầu tư quốc tế.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, định hướng cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư quốc tế, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, đồng thời khẳng định, Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính quốc tế và khu vực.
Ông Naga Chandrasekaran, Phó Chủ tịch Điều hành và Giám đốc Hoạt động toàn cầu của Intel cho biết, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong dây chuyền sản xuất của Intel. Trong 15 năm qua, tổng giá trị các sản phẩm của Intel xuất khẩu từ Việt Nam đạt 96 tỷ USD, chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu của hãng. Ông cam kết Intel sẽ tích cực đồng hành cùng Việt Nam trong nỗ lực tăng trưởng kinh tế thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực địa phương, phát triển hệ sinh thái nhà cung cấp của Intel tại Việt Nam, hỗ trợ xây dựng các trung tâm dữ liệu, đảm bảo an ninh mạng cho Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM cũng như mục tiêu trung hòa các-bon của Việt Nam.
Ông Nobumitsu Hayashi, Thống đốc Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho biết theo khảo sát gần đây, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn thứ nhì với các doanh nghiệp Nhật Bản, chỉ sau Ấn Độ. JBIC cam kết hỗ trợ phát triển hạ tầng năng lượng sạch và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh hợp tác để phát triển Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM. Ông Hayashi bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách thông thoáng để doanh nghiệp quốc tế tự tin tham gia vào thị trường Việt Nam.
Phản hồi ý kiến của các doanh nghiệp, các Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ bày tỏ sự trân trọng đối với sự tham gia và hỗ trợ của cộng đồng nhà đầu tư quốc tế trong quá trình phát triển của Việt Nam. Các Bộ trưởng chia sẻ thêm về chiến lược phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng xanh và hiệu suất cao, ứng dụng khoa học - công nghệ trong y tế và đổi mới sáng tạo, khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đưa ra các cơ chế, chính sách thông thoáng, ưu đãi, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các Bộ trưởng đồng tình với đánh giá của Bí thư Thành ủy và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM về tiềm năng, thế mạnh của Thành phố, khẳng định Thành phố đã sẵn sàng đón làn sóng đầu tư quốc tế trong lĩnh vực công nghệ, tài chính và hiện thực hóa các mục tiêu của mình.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá việc thành lập C4IR TP.HCM hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị và Chính phủ về phát triển công nghệ và chuyển đổi số. Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư góp ý về thể chế và phương thức huy động nguồn lực cho Việt Nam, trong đó nhấn mạnh việc đơn giản hóa thủ tục và đa dạng hóa nguồn lực từ trong và ngoài nước. Người đứng đầu Chính phủ cũng kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ tại TP.HCM, một trung tâm lớn về khoa học - công nghệ của cả nước nhưng vẫn cần cải thiện hạ tầng để đáp ứng yêu cầu của thời đại thông minh.
Thủ tướng kỳ vọng Trung tâm C4IR trở thành hạt nhân đổi mới sáng tạo, phát triển xứng tầm với TP.HCM và quan hệ giữa WEF với Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng, phát huy và lan tỏa ảnh hưởng tích cực của WEF, góp phần giải quyết các vấn đề của Việt Nam, khu vực và thế giới. Về Trung tâm Tài chính TP.HCM, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được” và đề nghị các tập đoàn chia sẻ kinh nghiệm để hình thành trung tâm này trong vòng 5 đến 10 năm tới, giúp TP.HCM đóng góp vào kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam, kỷ nguyên phát triển văn minh, giàu mạnh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc.
Phát biểu tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và bế mạc Tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan gửi lời cảm ơn đến người đứng đầu Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đã luôn quan tâm, đồng hành với Thành phố trong tiến trình phát triển. Ông Võ Văn Hoan khẳng định mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp trong 3 nội dung chính: hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến Trung tâm Tài chính Quốc tế tại Thành phố; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; và kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, trình độ, kinh nghiệm mở văn phòng đại diện, xây dựng hạ tầng hiện đại của Trung tâm Tài chính Quốc tế.