Khoa học

Thu nhập của người làm khoa học bao nhiêu là lý tưởng?

Công Chương 01/09/2023 22:22

Đề xuất mức lương từ 60 -120 triệu/người/tháng cho người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ công lập do UBND TP.HCM thành lập đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các nhà khoa học...

Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM đã có đề xuất về mức lương cho người đứng đầu tổ chức KH&CN công lập do UBND TP.HCM trong dự thảo “Quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện, mức chi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học công nghệ công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ”. Trong đó, Sở KH&CN TP.HCM đã đề xuất mức lương từ 60 - 120 triệu/người/tháng cho người đứng đầu tổ chức KH&CN công lập do UBND TP.HCM thành lập.

kh-cn.jpg
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại một trường đại học.

Sau khi Tạp chí Khoa học phổ thông đăng tin, đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các nhà khoa học, giảng viên đại học:

PGS.TS Hoàng An Quốc (Trưởng phòng Khoa học & Công nghệ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM): “Lương 60-120 triệu đồng/tháng là một đề xuất phù hợp”

Theo cá nhân tôi ở góc độ một người làm công việc trong lĩnh vực quản lý khoa học công nghệ, việc trả lương 60-120 triệu đồng/tháng cho người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ công lập do UBND TP.HCM thành lập là một đề xuất phù hợp. Mức lương viên chức và công chức đã được nhà nước qui định. Việc tăng lương để khuyến khích lãnh đạo dành nhiều thời gian cho công việc để có những sáng kiến đóng góp cho sự phát triển khoa học của thành phố là điều cần thiết, tuy nhiên phải đảm bảo các qui định chính sách tiền lương của nhà nước.

backround-hoang-an-quoc.jpg
PGS.TS Hoàng An Quốc.

Vấn đề là kế hoạch của người được tuyển dụng bổ nhiệm trong 5 năm là gì? Lãnh đạo sở phải có kết hoạch và KPI cụ thể từng năm. Sau 2 năm liên tiếp không đạt KPI thì giảm lương. Và khi đạt được KPI cao hơn mong đợi thì có thể trả lương cao hơn. Ngoài ra, để đạt được KPI cao thì thành phố cần tạo cơ chế cho những lãnh đạo sở phát triển các ý tưởng của mình, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Có như thế thì khoa học công nghệ mới phát triển....

TS. Lê Duy Tân (giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG TP.HCM, đồng thời cũng là thành viên sáng lập Phòng nghiên cứu AIoT Lab VN): “Rất phấn khởi và kỳ vọng đề xuất sẽ được thông qua”

Tôi rất phấn khởi và kỳ vọng đề xuất sẽ được thông qua. Theo tôi, chỉ khi các nhà quản lý và nhà nghiên cứu khoa học có đủ tài chính để bảo đảm cuộc sống cá nhân và gia đình, thì họ mới tập trung làm tốt nhiệm vụ được được giao.

backround-le-duy-tan.jpg
TS. Lê Duy Tân.

Bên cạnh đó, nếu đề xuất được thông qua, đây sẽ là một bước tiến rất lớn trong việc khuyến khích các nhà khoa học và nghiên cứu tài năng đến làm việc tại TP.HCM.

Tuy nhiên, ngoài mức lương, cần xem xét cả nguồn ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học. Mặc dù gần đây, ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học đã được tăng lên, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những hạn chế. Ngoài ra, thủ tục hành chính khi đăng ký, thực hiện, và nghiệm thu các đề tài cũng nên được tinh giản. Các tiến bộ công nghệ thông tin cũng nên được áp dụng vào việc quản lý này nhằm đơn giản hóa quy trình thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng rằng nghiên cứu khoa học tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang phát triển tích cực và góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước.

TS. Mai Đức Toàn (Giám đốc Chương trình đào tạo tài năng Trường ĐH Gia Định): “Đừng để NCKH trong trạng thái thiếu thốn nhân sự và tài chính”

Theo tôi, hiên cơ chế chính sách đối với cán bộ KH&CN chưa tạo động lực cống hiến và phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN, nhất là người có trình độ cao, tài năng trẻ. Chủ trương tinh giản biên chế trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, nhưng cũng cần có cơ chế đặc thù cho KH&CN vì nhân lực lĩnh vực này đòi hỏi nhiều thời gian, công sức đào tạo.

backround-mai-duc-toan.jpg
TS. Mai Đức Toàn.

Hằng năm, nên cho phép tăng từ 5 đến 10% số biên chế để tuyển dụng lực lượng khoa học trẻ, tài năng và cần có cơ chế đặc thù để giữ chân, thu hút những người làm khoa học bằng chính sách tuyển dụng, nâng ngạch, bậc. Ngoài ra, cần có chế độ đãi ngộ thích hợp đối với những chuyên gia, những nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học lâu năm có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đào tạo, phát triển KH&CN.

Theo đề xuất của Sở KH&CN TP.HCM trong Dự thảo "Quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện, mức chi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học công nghệ công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ", mức chi tiền lương, tiền công các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập do UBND thành phố thành lập được xác định trên cơ sở trình độ, năng lực, yêu cầu công việc và thỏa thuận.

Theo đó, người đứng đầu tổ chức được hưởng lương 60-120 triệu đồng/tháng. Các cấp phó, trưởng các phòng, ban và các tổ chức cấu thành khác thuộc tổ chức được hưởng mức lương 30 - 100 triệu đồng/tháng tùy theo vị trí công việc. Mức thù lao này sẽ được xem xét tăng 5% mỗi năm theo kết quả hoạt động của lãnh đạo làm việc tại các đơn vị nhưng không quá mức trần quy định ở trên. Điều quan trọng là thu nhập phải đi đôi với chất lượng nhân sự và hiệu quả công việc, tuy nhiên đầu tư cho Nhân sự nghiên cứu khoa học là điều kiện then chốt cho sự phát triển bên vững của đất nước. Con người là chìa khóa của mọi vấn đề.

PGS.TS. Nguyễn Tấn Dũng (Trưởng khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm – Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) - Giải thưởng Bảo Sơn năm 2019: “Cần phải có một mức lương thu nhập xứng đáng

Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của người đứng đầu một tổ chức, một đơn vị trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập thì việc họ hưởng một mức lương thu nhập tương ứng phù hợp với công sức lao động bỏ ra là rất cần thiết. Nếu mức lương thấp không đủ trang trải cuộc sống cho gia đình và con cái học hành thì buộc họ phải làm thêm những công việc khác để kiếm thêm thu nhập, đây cũng là nguyên nhân sinh ra những vấn đề tiêu cực trong xã hội.

Như thế, chất lượng công việc làm của họ tại cơ quan không được đảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng quản lý, chất lượng nghiên cứu khoa học khi thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở, cấp tỉnh/thành phố, cấp bộ và cấp nhà nước…, đây là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sự đóng góp phát triển khoa học công nghệ đất nước.

backround-pgs-nguyen-tan-dung.jpg
PGS.TS. Nguyễn Tấn Dũng.

Mặt khác, để phát triển được khoa học công nghệ đất nước thì cần phải chọn những người đứng đầu có năng lực thật sự “Nghiên cứu hàn lâm song song với nghiên cứu ứng dụng”, thật sự tâm huyết và đam mê với khoa học, làm bất cứ việc gì cũng cần phải có năng lực, đam mê nhiệt huyết thì mới có kết quả tốt. Từ trước đến nay, các nhà khao học Việt Nam chỉ quan tâm rất nhiều về nghiên cứu hàn lâm để công bố trên các tạp chí uy tín WoS/Scopus để làm tăng ranking của trường đại học, được tính điểm công trình xét phong PGS và GS, ít quan tâm đến chuyển kết quả nghiên cứu hàn lâm thành các sản phẩm công nghệ để phục vụ cuộc sống. Nghiên cứu khoa học của Việt Nam chỉ có điều kiện cần mà thiếu đi điều kiện đủ làm do “Mục đích cuối cùng của nghiên cứu khoa học là khám phá các quy luật tự nhiên và xã hội, làm thay đổi thế giới xung quanh, làm ra những sản phẩm để phục vụ cho cuộc sống tốt đẹp hơn”.

backround-pgs-nguyen-tan-dung-2.jpg
PGS.TS. Nguyễn Tấn Dũng bên hệ thống sấy thăng hoa DS-11 do ông và cộng sự chế tạo năm 2020.

Tôi nghĩ nếu các lãnh đạo khoa học một tổ chức, một đơn vị trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập cần phải có một mức lương thu nhập xứng đáng, tối thiểu là 80 triệu đồng/tháng/người, tối đa thì phụ thuộc năng lực từ 150 triệu đồng hoặc cao hơn nữa phụ thuộc vào mức độ hoàn thành công việc, đóng góp KHCN cho cộng đồng, xã hội, cho quốc gia. Mặc dù để xuất tương đối cao nhưng so với các lĩnh vực thể thao bóng đá, âm nhạc thì vẫn còn thua xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu nhập của người làm khoa học bao nhiêu là lý tưởng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO