Thi công trở lại, siêu dự án ngăn triều dự kiến tháng 5/2024 bàn giao

Linh San| 20/03/2023 14:47

Siêu dự án ngăn triều vừa thi công trở lại sau hơn 2 năm dừng. Đây được xem là dự án ngăn triều góp phần chống ngập lớn nhất của TP.HCM hiện nay.

Siêu dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng đã hoàn thành 93% khối lượng. Hình: Cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè) là cống có diện tích lớn nhất và chặn ngang sông.

Dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét tới biến đổi khí hậu” (dự án ngăn triều), có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập úng ở TP.HCM. Dự án thuộc chương trình QH 1547 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TP.HCM, do Công ty Trung Nam BT 1547 là nhà đầu tư, kinh phí do TP.HCM trả với tiến độ thực hiện dự kiến ban đầu là 36 tháng (6/2016 – 4/2018).Dự án này đã dừng thi công hơn 2 năm nay (từ tháng 8/2020).

Dự án được đầu tư theo phương thức hợp đồng BT (Build-Transfer, viết tắt là BT). Đây là hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao, được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước và được thanh toán bằng quỹ đất.

Đạt 93% tiến độ khối lượng, dự án đang khẩn trương lắp đặt thiết bị

Ghi nhận thực tế tại hàng loạt cống ngăn triều siêu khủng tại các cửa ngõ sông lớn ở TP.HCM cuối tuần qua cho thấy, dự án đã cơ bản thành hình, công nhân cũng đã bắt đầu thi công trên công trường cống Mương Chuối.

Trao đổi với phóng viên, đại điện Công ty Trung Nam BT 1547, chủ đầu tư dự án cho biết, dự án đã đạt 93% tiến độ. Hiện cống Mương Chuối đang có khoảng 20 công nhân thi công trở lại. Khi các khó khăn về vốn được tháo gỡ, hai tháng tới (khoảng tháng 6) sẽ thi công trở lại ở tất cả các cống của dự án. Theo tiến độ đến khoảng tháng 2/2024, dự án sẽ thi công xong và vận hành thử nghiệm, đến tháng 5/2024 sẽ bàn giao cho TP.

"Các công việc còn lại liên quan đến việc lắp đặt các thiết bị (các thiết bị đã về) và lắp đặt hệ thống SCADA (hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu) và các công việc khác", đại diện Công ty Trung Nam BT 1547 nói.

Cống Tân Thuận (quận 7) đặt ngay khu vực cửa kênh Tẻ giao với sông Sài Gòn.

Đã gỡ khó cho siêu dự án dừng nhiều lần

Theo vị đại diện này, hiện vướng mắc lớn nhất của dự án là phụ lục hợp đồng BT đã được giải quyết, phụ lục đã được ký, công việc còn lại của dự án là chờ Ngân hàng BIDV tái cấp vốn cho dự án.

Trước đó, do chưa được ký kết phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành (hết hạn từ 6/2020) nên dự án tạm ngưng thi công tháng 10 năm 2020. Do hợp đồng chưa ký, ngân hàng không thể giải ngân vốn khiến dự án bị đình trệ.

Vào giữa năm 2022, cơ quan chức năng TP.HCM đã lập hẳn tổ công tác để gỡ khó khăn cho dự án. Lúc đó, khó khăn được ghi nhận là do phải gia hạn thủ tục hoàn thành nên ngân hàng yêu cầu phải có phụ lục hợp đồng, trong phụ lục phải có điều khoản về quỹ đất thanh toán hợp đồng BT trong phụ lục hợp đồng BT điều chỉnh. Đến nay, phụ lục hợp đồng này đã được ký kết (cuối tháng 1/2023).

Sau khi đi cano thị sát nhiều cống của dự án 10.000 tỉ này tuần qua, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường cho biết hiện dự án có nhiều điều kiện thuận lợi như mặt bằng sạch, dịch COVID-19 cũng đã qua, ngân hàng BIDV cũng cho biết sẵn sàng vào làm việc với các bên để tháo khó khăn cho dự án.

Giải quyết ngăn triều cho bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP

Chủ đầu tư dự án cho biết khi hoàn thành, dự án giúp thành phố chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.

Công trình gồm 6 cống ngăn triều lớn (khẩu độ 40 - 160 m) là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và khoảng 6 km đê bao giúp nâng cao trình của vùng trũng thấp lên 2,5 m so với mực nước biển.

Hiện TP.HCM về cao trình có 54% diện tích dưới 1m, 22% từ 1 -2 m và chỉ có 24% diện tích trên 2 m. Do đó khi dự án hoàn thành có thể điều tiết mức nước từ 1 m – 1,2 m để vừa chống ngập khi triều lên và thoát nước khi triều xuống.

Chủ đầu tư cũng cho rằng, dự án ngăn triều hoàn thành, đi vào vận hành thì sẽ giúp ngăn triều dâng, để không còn cảnh người dân phải lội bì bõm trong dòng nước ngập đen kịt, bốc mùi hôi thối hay cảnh dùng kè bao cát trước cửa để ngăn nước tràn vào nhà vừa tát nước ngập từ nhà ra ngoài mỗi khi có triều cường.

Dự án có ý nghĩa rất lớn trong việc ổn định cuộc sống của người dân ở các vùng bị ảnh hưởng ngập nước do triều cường cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Cống Phú Xuân (huyện Nhà Bè) đã được đơn vị thi công lắp 2 cửa van nặng 212 tấn.

Hệ thống thu thập dữ liệu, vận hành tự động

Khi đi vào hoạt động, các cống ngăn triều sẽ được đồng bộ hoá bằng hệ thống SCADA và mạng lưới quan trắc mực nước kênh rạch của hơn 15 điểm thu thập dữ liệu bố trí khắp sông ngòi, kênh rạch của TP.HCM.

Thông qua mạng lưới đó, các dữ liệu mực nước sẽ được ghi nhận, báo cáo và tự đông cập nhật cho các trung tâm điều hành dự án để các nhân viên vận hành thực hiện đóng mở các van ngăn triều hoặc hệ thống vận hành cửa van sẽ tự động đóng mở khi thông số mực nước ở trình trạng cảnh báo của triều cao. Trong tình huống cực đoan nhất là khi mưa lớn, kết hợp triều cao, hệ thống quan trắc phát tín hiệu cảnh báo và các van cống bắt đầu đóng lại, ngăn triều xâm nhập vào kênh rạch.

Vào mùa khô, khi hệ thống quan trắc cảnh báo và phát tín hiệu triều thấp cho trung tâm điều khiển, hệ thống 6 cống ngăn triều lớn sẽ tự động đóng, khép kín kênh rạch cho toàn bộ khu vực, bảo lưu lượng nước bên trong nội đô ở mực nước phù hợp.

Khi xảy ra tình huống triều biển cao, nước biển xâm thực vào sông ngòi, làm thay đổi môi trường nước và ảnh hưởng môi trường sống của sinh vật, lúc này, 6 cống kiểm soát triều lớn sẽ đóng lại, khép kín môi trường nước trong kênh rạch và ngăn chặn hoàn toàn sự xâm thực từ nước biển.

Tại các cống ngăn triều có hệ thống âu thuyền. Khi các van cống ở toàn bộ 6 hạng mục cống ngăn triều lớn mở hoàn toàn, tàu thuyền trên sông sẽ giao thông thuỷ bình thường. Trong trường hợp triều cao, mưa lớn diễn ra, hệ thống 6 cống ngăn triều đóng hoàn toàn, lúc này, hệ thống giao thông thuỷ sẽ vẫn tiếp tục diễn ra thông qua các âu thuyền.

Dự án cũng có hệ thống đê kè đang dần được hoàn thiện. Ngoài các công, đê kè, dự án còn có các máy bơm tiến hành bơm nước trực tiếp từ bên trong kênh rạch nội đô, đổ ra sông lớn nhằm điều tiết cao trình mực nước thấp hơn cao trình 1.3 – 1.5 m của hệ thống cống thoát nước đô thị (thuộc quy hoạch 752).

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng này có tất cả 9 hạng mục, trong đó có sáu cống và một công trình đê kè ven sông Sài Gòn dài gần 8 km. Cụ thể tiến độ hoàn thành các cống như sau: Cống Bến Nghé đạt 97%, cống Tân Thuận đạt 93%, cống Phú Xuân 90%, cống Mương Chuối 93%, cống Cây Khô 85%, cống Phú Định 88% và công trình đê kè - cầu kinh Bà Bướm (85 – 92%).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi công trở lại, siêu dự án ngăn triều dự kiến tháng 5/2024 bàn giao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO