Tăng cường kiểm soát các vi phạm qua thương mại điện tử

PV| 18/01/2023 10:06

Trong năm 2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) sẽ siết chặt quản lý nhằm kiểm soát các vi phạm trên thương mại điện tử.

Theo đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề ra mục tiêu trong năm 2023 sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định mới và thực hiện quản lý, giám sát, thực thi pháp luật thương mại điện tử, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra... Từ đó, nâng cao hiệu quả quản lý trong các hoạt động thương mại điện tử.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính có phương án, giải pháp kết nối chia sẻ dữ liệu nhằm tăng cường quản lý các hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội nói riêng và kinh doanh trên không gian mạng nói chung, tăng cường quản lý thuế trong thương mại điện tử. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.

Đồng thời, tiếp tục duy trì và phối hợp với các cơ quan Quản lý thị trường, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và truyền thông và các đơn vị liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị chấp hành pháp luật về thương mại điện tử theo Kế hoạch đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt và các chuyên đề đột xuất theo yêu cầu nhiệm vụ.

Với tình hình hiện tại, để quản lý tốt hơn các hoạt động kinh doanh trong môi trường thương mại điện tử Cục sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; rà soát cơ chế, chính sách để có sự điều chỉnh phù hợp thực tế. Bên cạnh đó, thực hiện nâng cao năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử; đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ mới nhất vào thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Cục cũng sẽ phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường giám sát kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng lợi dụng các website và ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả.

Kinh doanh trong thương mại điện tử đang là xu hướng của hầu hết các doanh nghiệp hiện nay. Ảnh: Shutterstock

Được biết, trong năm 2022, theo khảo sát của Bộ Công Thương doanh thu từ thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Theo lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong năm 2022, công tác thương mại điện tử đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, trong công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục đã tiếp nhận hồ sơ, tư vấn và hỗ trợ 7.893 doanh nghiệp và tổ chức và 2.609 cá nhân đăng ký tài khoản; thực hiện thủ tục thông báo cho 10.146 website thương mại điện tử và 660 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

Một trong những điểm đáng chú ý, trong năm 2022 cục đã phối hợp với các Cở Công Thương tổ chức 63 lớp đào tạo, tập huấn tại 40 Tỉnh, Thành phố với gần 8.000 học viên; Phối hợp với Amazon Global Selling tổ chức 9 lớp đào tạo trong chuỗi sự kiện “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” tại 7 tỉnh, thành phố với gần 2.000 đại biểu tham gia nhằm phổ biến kiến thức về thương mại điện tử cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tận dụng thương mại điện tử để bứt phá kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường kiểm soát các vi phạm qua thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO