Đời sống

Suy thoái kinh tế, nữ công nhân mất việc - Bài 2: Bài toán nghề nghiệp trong bối cảnh mới

Hồng Ân 04/07/2023 - 17:47

Thông tin mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tình trạng giảm đơn hàng của các doanh nghiệp vẫn đang kéo dài và gây ra tình trạng giảm giờ làm hoặc mất việc cho hàng trăm ngàn người lao động.

Bên cạnh đó, nhiều người lao động, nhất là nữ công nhân và lao động lớn tuổi hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm công việc mới do nhiều doanh nghiệp đã giảm quy mô hoạt động và không có kế hoạch tuyển dụng.

Suy thoái kinh tế, nữ công nhân mất việc - Bài 1: Vỡ òa nhu cầu chuyển đổi nghề

h-2-quan-binh-tan-diem-nong-cong-nhan-mat-viec.jpg
Tìm kiếm cơ hội việc làm mới là khó khăn lớn của hàng ngàn nữ công nhân lớn tuổi tại các khu công nghiệp vừa bị mất việc trong quý II/ 2023. (Ảnh chụp nữ công nhân quận Bình Tân, TP.HCM trong một chương trình hướng nghiệp gần đây)

Tổng cầu thế giới tiếp tục suy giảm

Trong quý II năm 2023, đã có 217.800 người lao động bị mất việc, đặc biệt tập trung ở các ngành công nghiệp như dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ và đa phần xảy ra ở các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Bình Dương, TP.HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ cũng là nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất cả nước. Trong hai đầu tàu kinh tế, TP.HCM đã ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý này là 3,71%, tăng so với quý trước, trong khi Hà Nội là 1,23%, giảm so với quý trước.

Cơ quan thống kê cũng cho biết rằng thị trường lao động sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do tổng cầu thế giới vẫn suy giảm, gây ảnh hưởng đến đơn hàng cũng như các cú sốc tiêu cực khác từ bên ngoài.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp quận Bình Tân (TP.HCM) cho biết, hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương hiện vẫn liên tục bị giảm đơn hàng.

“Đầu ra giảm tới 40-50%, thì thực sự là rất khó khăn. Hiện Hội Doanh nghiệp quận Bình Tân cũng đang tìm cơ hội xúc tiến thương mại ở nước ngoài, như Hàn Quốc, châu Âu và châu Mỹ để giúp doanh nghiệp có nhiều đơn hàng hơn và giữ lại được các công nhân”, ông Tâm chia sẻ.

Khó kiếm lại việc, lao động loay hoay định hướng lại nghề nghiệp

Vừa qua, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng đã công bố kết quả khảo sát về tình hình người lao động trong năm nay, cho thấy tình trạng thị trường lao động đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi những biến động kinh tế gần đây.

Theo khảo sát, 31% người lao động đang trong tình trạng thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nằm ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng (đều trên 30%).

Khảo sát cũng cho thấy 34% người lao động hiện nay không tìm được việc làm, 24% không biết được thời điểm doanh nghiệp hoạt động bình thường.

Khảo sát trên cũng đưa ra kết quả, tỷ lệ người lao động không có việc làm do không biết ngoại ngữ và đủ trình độ, tay nghề lần lượt chiếm 15% và 12%. Do đó, việc đào tạo lại và học ngoại ngữ trở thành vấn đề cấp thiết.

h-3-ba-hoa-ba-xuan.jpg
Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM (bìa trái) và PGS TS Phan Thị Hồng Xuân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & đào tạo nguồn nhân lực ASIAN (bìa phải)
tư vấn hướng nghiệp cho các nữ công nhân mất việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP.HCM cuối tháng 6 vừa qua.

Theo bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, trong bối cảnh hiện nay, người lao động, đặc biệt là nữ công nhân cần chuẩn bị tốt để tránh mất việc làm. Đầu tiên, cần xác định nhìn nhận lại năng suất lao động, kỷ luật lao động, đạo đức nghề nghiệp cũng như sự tham gia vào các tổ chức đoàn thể… để cải thiện nhằm tăng giá trị của bản thân đối với doanh nghiệp.

“Ngoài lý do suy thoái kinh tế, chị em phụ nữ ở độ tuổi 40-50 đang trở nên chậm chạp hơn so với lớp trẻ. Vì vậy, bên cạnh tình yêu với công việc hiện tại, cần phải có kế hoạch dự phòng để tránh bị động, nỗ lực học tập để cải thiện kiến thức và khát khao vươn lên làm giàu, đóng góp cho xã hội”, bà Hoa nói.

Về vấn đề mất việc, tôi cho rằng tinh thần mới là điều quyết định. Chị em cần nhìn thấy rằng đây là cơ hội để thay đổi, để xác định lại bản thân mong muốn gì, có thế mạnh gì để học tập nâng cao, đồng thời mở rộng các mối quan hệ xã hội.

PGS TS Phan Thị Hồng Xuân

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & đào tạo nguồn nhân lực ASIAN

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM cho rằng, muốn tăng thu nhập, người lao động cần tích cực thay đổi và khắc phục những điểm yếu của mình. Nếu mất việc, hãy bình tĩnh ngồi xuống xem lại nguyên nhân để rút kinh nghiệm và cải thiện trong tương lai.

Ông Bảo cho rằng trong ngành nghề dịch vụ thì kỹ năng giao tiếp rất quan trọng. “Cần vui vẻ, xông pha để mang lại lợi ích cho khách hàng. Thành bại của một ngành nghề cũng phụ thuộc rất nhiều vào giao tiếp, sự đa năng và biết uyển chuyển”, ông Bảo phân tích.

Nhiều chương trình hỗ trợ rộng mở đến người lao động

Ông Trần Văn Sơn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Bình Tân chia sẻ, Trung tâm hiện thường xuyên mở các lớp ngắn hạn để đào tạo cho công nhân, đối với phụ nữ thì có các nghề uốn tóc, trang điểm, pha chế, tin học văn phòng, v.v…

“Để giúp người lao động tìm kiếm việc làm, chúng tôi cũng có các hoạt động xúc tiến việc làm hoàn toàn miễn phí cho người lao động trong và cả ngoài Quận. Đồng thời, chúng tôi cũng cập nhật thường xuyên thông tin về doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, đầy đủ địa chỉ, điện thoại và đầu mối để người lao động có thể liên hệ”, ông Sơn bày tỏ.

h-4-xuc-tien-gioi-thieu-viec-lam-cho-nu-cong-nhan.jpg
Hầu hết các nữ công nhân vừa mất việc khó tiếp cận được các yêu cầu của các doanh nghiệp tuyển dụng ở những công việc mới. 

Bà Trần Thị Phương Hoa cho biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP vẫn đang triển khai kế hoạch hỗ trợ cho nữ lao động mất việc, đặc biệt là những đối tượng yếu thế, bên cạnh tặng quà còn hỗ trợ các phương tiện sinh kế. Ngoài ra, còn có các lớp dạy nghề cho chị em theo hướng mở, dạy theo thị trường dịch vụ lao động. Tuy nhiên, đa số công nhân mất việc lại chưa sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu cho công việc mới.

“Nhu cầu của thị trường lao động hiện nay rất cao, ví dụ như dịch vụ việc nhà cũng cần đào tạo, từ sử dụng máy móc gia dụng, ủi đồ, đến thậm chí cả các ngoại ngữ”, bà Hoa cho hay.

Hiện Ngân hàng Chính sách xã hội thông báo có gói hỗ trợ vay vốn cho phụ nữ khi họ có kế hoạch kinh doanh. Để vay vốn, người dân có thể liên hệ qua tổ trưởng khu phố để đăng ký nhu cầu từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Tổ trưởng khu phố sẽ hướng dẫn làm hồ sơ và nộp đơn xin xác nhận vay vốn tại UBND phường. Từ đó, ngân hàng sẽ xem xét và duyệt mức vay tối đa là 100 triệu đồng với lãi suất 0,66% mỗi tháng, tương đương với lãi suất 7,92% mỗi năm.

Quý II vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có công điện yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Một trong những biện pháp được đề cập là đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường và tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm và hàng hóa của Việt Nam.

Chính phủ cũng tiếp tục thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay, rà soát các gói tín dụng 40.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng để đảm bảo các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi và hợp lý hơn; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn giảm các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đề xuất các chính sách mới nếu còn dư địa…

(còn tiếp)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Suy thoái kinh tế, nữ công nhân mất việc - Bài 2: Bài toán nghề nghiệp trong bối cảnh mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO