Sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững
Hội thảo nhằm cung cấp thông tin và đưa ra giải pháp để tăng cường hoạt động sáng chế, đổi mới sáng tạo, tiến tới mục tiêu phát triển bền vững vì tương lai xanh.
Sáng 6/6, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp cùng Sở KH&CN tỉnh Bình Phước, tổ chức Hội thảo “Sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững”.
Hội thảo nhằm cung cấp thông tin, kiến thức và đưa ra các giải pháp để tăng cường hoạt động đổi mới sáng tạo. Đồng thời phát triển các tài sản trí tuệ tiến tới mục tiêu phát triển bền vững vì tương lai xanh.
Đây cũng là diễn đàn để các chuyên gia doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan ban ngành giới thiệu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về sở hữu trí tuệ (SHTT) và đổi mới sáng tạo (ĐMST).
SHTT là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy ĐMST
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Huy Anh - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết, ngày nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và SHTT đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời thúc đẩy quá trình đổi ĐMST, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1068, phê duyệt chiến lực SHTT đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chiến lược mang tầm quốc gia, đánh dấu bước phát triển mới trong lĩnh vực SHTT.
“SHTT là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động ĐMST, cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Hằng năm, công tác tuyên truyền về SHTT ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm và triển khai theo hướng tiếp cận đa chiều nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này”, ông Lê Huy Anh nói.
Theo bà Bùi Thị Minh Thúy - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Phước, trong những năm qua, tỉnh Bình Phước đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, chính sách, đề án, kế hoạch, để triển khai thực hiện nhằm nâng cao giá, cũng như khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Đến nay, trên đại bàn tỉnh đã có sản phẩm nông nghiệp được xác lập quyền SHTT như: Chỉ dẫn địa lý cho "Hạt điều Bình Phước", Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm "Cao su Bình Phước"; Nhãn hiệu tập thể "Tiêu Lộc Ninh"; Nhãn hiệu tập thể "Gà thả vườn Thanh Lương"... Với những kết quả đạt được còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của địa phương.
Do đó, Hội thảo sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan ở Bình Phước có thêm kinh nghiệm, kiến thức về SHTT và ĐMST vì mục tiêu phát triển bền vững của địa phương.
“Tỉnh Bình Phước mong muốn được lắng nghe, chia sẻ từ Cục Sở hữu trí tuệ, các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn và các đơn vị liên quan để hoạt động SHTT Bình Phước lĩnh hội và phát triển”, Giám đốc sở KH&CN Bình Phước chia sẻ.
'Biến tài sản trí tuệ thành tiền tệ'
Tại hội thảo, ông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ TP.HCM, đã trình bày chuyên đề “Tổng quan về quyền SHTT và khai thác, phát triển tài sản trí tuệ phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững”.
Theo ông, quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả; quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
“Sở hữu trí tuệ giúp các doanh nghiệp, địa phương tăng giá trị của sản phẩm, biến tài sản trí tuệ thành tiền tệ. Ví dụ, một ly cafe bình thường chỉ có giá từ 10.000 - 15.000 đồng, nhưng một ly cà phê StarBucks lại mắc gấp vài lần. Nguyên nhân là do tài sản trí tuệ của StarBucks về thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế…”, ông Khuê nhấn mạnh.
Ngoài ra, khai thác tài sản trí tuệ và đổi mới sáng tạo còn giúp phát triển bền vững các sản phẩm OCOP. Từ đó, đáp nhu cầu vật chất, tinh thần của xã hội, tạo nên sức mạnh cho nền kinh tế quốc gia. Đồng thời định hướng nghiên cứu, tránh trùng lặp, khai thác tri thức sẵn có; khuyến khích đổi mới sáng tạo, nâng cao giá trị sản phẩm/dịch vụ.
Các sản phẩm OCOP còn là công cụ pháp lý độc quyền để tránh rủi ro; quảng bá, xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Ông Khuê chia sẻ thêm, thương hiệu cộng đồng giúp phát triển nông nghiệp nông thôn, vùng sâu, vùng xa; các ngành nghề truyền thống và các dịch vụ khác, đặc biệt là du lịch vùng, cũng như tạo công ăn việc làm cho người dân, giúp phát triển đều giữa các vùng kinh tế. Việc này còn góp phần gìn giữ các giá trị văn hoá, truyền thống của địa phương.
Thương hiệu cộng đồng còn giúp các doanh nghiệp bảo vệ khỏi các hành vi xâm phạm và cạnh tranh không lành mạnh. Gia tăng giá trị cho sản phẩm và hoàn thiện quy trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Từ đó tăng doanh thu nói chung và xuất khẩu nói riêng.
ĐMST xanh là có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng
TS Phạm Thị Hồng Phượng - Giám đốc Trung tâm Đổi mới xanh, Viện nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo doanh nghiệp, cho biết, ĐMST xanh được bắt đầu từ doanh nghiệp xanh, với các hoạt động có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng.
Doanh nghiệp xanh phải đảm bảo đời sống cho người lao động và các nhà cung cấp của họ. Lãnh đạo các doanh nghiệp cũng cần liên tục cải thiện, tìm cách tiếp cận và hướng tới sự bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.
Để ĐMST xanh, TS Phượng kiến nghị: “Chúng ta cần sự đồng hành và kết nối phát triển mối quan hệ của Nhà nước, Nhà nông, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp, Thanh niên khởi nghiệp và Nhà truyền thống. Đồng thời đưa ra các chính sách liên minh đổi mới sáng tạo xanh kết hợp toàn tỉnh và liên kết vùng”.
Ngoài ra, cần đặt hàng nghiên cứu các dự án ĐMST nhằm thu hút nhân tài, kết nối với Thanh niên khởi nghiệp (cá nhân xuất sắc), doanh nghiệp và các tập đoàn và viện trường.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và thanh niên khởi nghiệp, ĐMST triển khai các đề tài nghiên cứu ứng dụng vào thực tế sản xuất tạo chuỗi hệ sinh thái tuần hoàn các sản phẩm có giá trị từ các nguồn nguyên liệu sẵn có.
Kết nối và hỗ trợ giữa Nhà nông, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp và Thanh niên khởi nghiệp, theo xu hướng tiếp cận công nghệ xanh, phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Cuối cùng, Truyền thông và kết nối chuỗi giá trị sản xuất thông minh,hiệu quả là “Đầu tư công nghệ - trí tuệ - giá thành sản phẩm - trách nhiệm xã hội”.
Sau phần trình bày chuyên đề là tọa đàm về các giải pháp đổi mới sáng tạo, bảo hộ, quản lý và khai thác quyền SHTT cho các sản phẩm thân thiện, bảo vệ môi trường vì tương lai xanh.
Ông Phạm Văn Quân - Giám đốc Cty CP công nghệ Checkee cho biết, thế giới đã thay đổi kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Con người đã nâng cao nhận thức về kết nối kinh doanh toàn cầu, sự phức tạp và tính bền vững của nó. Những tình huống không thể đoán trước và sự thay đổi nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, làm các mô hình hiện tại bị lỗi thời.
Chính vì thế cần đổi mới sáng trong chuỗi cung ứng và thương mại hóa sản phẩm để nâng cao khả năng phát triển bền vững cho các doanh nghiệp.
“Các công ty, doanh nghiệp cần thấu hiểu thị trường, hiểu chuỗi cung ứng và liên tục đổi mới sáng tạo trong thương mại, để nhanh chóng thích ứng, tồn tại và phát triển. Tiến tới phát triển bền vững”, ông Quân nhấn mạnh.