Dòng chảy

Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, TP.HCM đẩy mạnh số hóa

Thành Minh25/03/2025 - 17:53

Ngày 25/3, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cùng đoàn công tác của Thành ủy TP.HCM làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

bt.jpg
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu kết luận - Ảnh: VĂN MINH

Tham dự còn có các đồng chí: Văn Thị Bạch Tuyết, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM; Nguyễn Thanh Nhã, Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh; Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM; Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh.

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và đoàn công tác đã lắng nghe các ý kiến của lãnh đạo huyện Bình Chánh và xã Vĩnh Lộc B về tình hình triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương về sắp xếp tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thống nhất với các nội dung báo cáo. Địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương về sắp xếp tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị đến từng đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân.

Bí thư Thành ủy TP.HCM thông tin định hướng sắp xếp tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị và sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, bỏ cấp huyện.

Đồng chí khẳng định, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, bỏ cấp huyện lần này là để tạo không gian phát triển mới, đẩy mạnh số hóa, thực hiện công dân số toàn diện, đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm cấp trung gian để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

“Sau sắp xếp, TP.HCM có đủ không gian, điều kiện và tận dụng thời cơ để phát triển mạnh hơn đầu tàu kinh tế của đất nước”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy TP.HCM lưu ý, trong quá trình sắp xếp tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị lần này, sẽ có một bộ phận cán bộ bị ảnh hưởng. Do đó, Ban Tổ chức Thành ủy cùng các cơ quan có liên quan phải nghiên cứu, tham mưu để TP.HCM có cơ chế, chính sách cho các đối tượng bị ảnh hưởng.

“Không để một trường hợp nào bị quá thiệt thòi. Đây là trách nhiệm của cấp ủy, chúng ta phải có trách nhiệm với họ”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy TP.HCM lưu ý, phải có đề án chính sách hỗ trợ; đề án chuyển đổi nghề; quỹ hỗ trợ vốn, các dự án nhà ở xã hội... cho đội ngũ cán bộ bị ảnh hưởng.

TP.HCM phải lo và sẽ tính toán xây dựng các đề án này, còn từng địa phương ở cấp dưới cũng tính toán các dự án phù hợp với điều kiện của địa phương để hỗ trợ đội ngũ cán bộ bị ảnh hưởng sau khi sắp xếp.

“Ai chưa có nhà ở, ai thiếu vốn, ai cần chuyển đổi nghề... thì chúng ta phải tính toán cụ thể từng trường hợp, từng con người cụ thể, từng hoàn cảnh để không ai bị quá thiệt thòi”, đồng chí Nguyễn Văn Nên lưu ý làm tốt việc này, cán bộ yên tâm “ra về” để cho đất nước, cho TP.HCM và địa phương mình phát triển.

Quá trình sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là một cuộc cách mạng đổi mới về tổ chức hệ thống chính trị tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả. Cho nên, đội ngũ cán bộ cần thấu hiểu, thông tư tưởng để hành động quyết tâm hơn, nỗ lực hơn.

Bí thư Thành ủy TP.HCM chia sẻ, trong giai đoạn hiện nay, khi cần thiết, cán bộ chấp nhận chịu thiệt thòi cho bản thân vì lợi ích chung, vì sự phát triển của đất nước. Điều này cũng như các thế hệ trước đã từng xả thân, hy sinh vì Tổ quốc để chúng ta có được ngày hôm nay.

Ban Thường vụ Quận ủy quận Gò Vấp vừa có tờ trình gửi Ban Chấp hành Đảng bộ quận Gò Vấp về phương án sắp xếp 12 phường trên địa bàn quận này thành các đơn vị hành chính cơ sở (theo mô hình chính quyền hai cấp) theo kết luận 127 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Theo đó, tổ chức lại 12 phường hiện nay thành 3 đơn vị hành chính cấp cơ sở mới (theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp) đặt tên Gò Vấp, Thông Tây Hội, An Nhơn.

Về lý do tổ chức 3 đơn vị cấp cơ sở, tờ trình nêu rõ, hiện nay thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM việc tổ chức lại phải giảm 70% số lượng phường trên toàn bộ TP.HCM. Quận Gò Vấp có 12 phường, nếu cắt giảm 70% số lượng sẽ còn lại 3,6 phường. Bên cạnh đó toàn quận có tổng diện tích 19,75km2, nếu chọn phương án 4 đơn vị hành chính sẽ không đảm bảo về diện tích tối thiểu (5,5km2/đơn vị). Do vậy, Ban Thường vụ Quận ủy quận Gò Vấp đề xuất chọn 3 đơn vị hành chính cấp cơ sở thuộc TP.HCM, giảm 9 đơn vị cấp xã, đạt tỉ lệ 75%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, TP.HCM đẩy mạnh số hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO