Máy chiết xuất (chưng cất) tinh dầu do ông Mừng sáng chế có thể vận hành bán tự động (chỉ cần một người vận hành, theo dõi từ khâu nạp liệu đến khi cho ra thành phẩm). Theo đó, lá sả nguyên liệu sau khi cắt nhuyễn, được cho vào nồi chưng cất (đậy kín nắp) và đun nóng ở nhiệt độ khoảng 100oC. Hỗn hợp khí sinh ra khi đốt nóng nguyên liệu bằng hơi nước được dẫn qua bộ phận ngưng tụ tạo thành hỗn hợp chất lỏng rồi đến thùng thu hồi tinh dầu. Tại đây, phần tinh dầu nổi lên trên mặt nước (do trọng lượng nhẹ hơn nước) sẽ chảy tràn theo đường ống vào dụng cụ thu hồi (chai, phễu thủy tinh). Muốn có tinh dầu nguyên chất, tinh dầu thô sau khi thu hồi tiếp tục được đun nóng ở nhiệt độ 100oC trong khoảng thời gian nhất định để loại bỏ hoàn toàn hơi nước.
Theo ông Mừng, thời gian chưng cất một mẻ tinh dầu mất từ 2 - 4 giờ tùy theo công suất của máy (200 - 500 kg nguyên liệu). Khi chưng cất 1 tấn nguyên liệu, lượng tinh dầu thu được trung bình khoảng 3 - 3,5 lít. Trong quá trình nghiên cứu, trải qua không ít thất bại ông Mừng mới rút ra bài học kinh nghiệm và từng bước hoàn thiện quy trình chưng cất để thu được tinh dầu thành phẩm có chất lượng tốt nhất (màu tươi, trong và không bị sậm màu do nhiệt hay bị vẩn đục do còn lẫn nước); trong đó, việc duy trì nhiệt độ và lượng hơi nước ở mức hợp lý trong suốt quá trình chưng cất theo ông là yếu tố có ý nghĩa quyết định.
Ngoài ra, ông còn tận dụng dung dịch sau khi chiết tách tinh dầu (có vị cai, chát) để thử nghiệm phun xịt xua đuổi sâu bọ, côn trùng trên rau màu (canh tác theo hướng an toàn) và cho gia cầm (gà, vịt) uống để tăng sức đề kháng, phòng, trị bệnh (nhất là bệnh về đường tiêu hóa) đạt kết quả khả quan. Riêng bã sả (thu được sau quá trình chưng cất) được ông tái sử dụng để làm phân hữu cơ hoặc cung ứng cho hộ trồng nấm rơm sử dụng thay thế rơm rạ rất tốt. Ngoài chưng cất sả, “Máy chiết xuất tinh dầu” do ông Mừng sáng chế có thể sử dụng để chưng cất nhiều loại nông sản khác như: ngò rí, ngò gai, rau quế, gừng… (chỉ cần thay đổi một vài phụ kiện và thông số kỹ thuật của quy trình chưng cất).
Sau khi sáng chế thành công máy chiết xuất tinh dầu đầu tiên, đến nay, ông Mừng đã cho ra đời thêm 3 máy khác; trong đó, ông đã xuất bán 2 máy, 2 máy còn lại được sử dụng cho phân xưởng sản xuất tinh dầu sả đóng chai. Để thương mại hóa giải pháp sáng chế của mình, năm 2018, ông thành lập Công ty TNHH tinh dầu sả Thành Công và cho ra đời 3 dòng sản phẩm (đóng chai thủy tinh) mang nhãn hiệu Thacosa, gồm: chai tinh dầu sả dùng để thoa trị các bệnh ngoài da, vết côn trùng đốt; chai tinh dầu sả treo trong xe hơi và chai tinh dầu sả xông phòng có công dụng đuổi muỗi, khử mùi, làm sạch không khí, giảm căng thẳng… Các sản phẩm này được Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) chứng nhận đảm bảo chỉ tiêu chất lượng, hiện không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh, mà còn mở rộng ra một số tỉnh, thành trong cả nước.
Bà Sử Thị Tuyết Mai (khoa da liễu - Trung tâm y tế huyện Gò Công Tây) nhận xét: “Các sản phẩm tinh dầu sả do doanh nghiệp của ông Mừng sản xuất có tác dụng phòng, chữa bệnh rất tốt, đặc biệt loại dùng để thoa ngoài da có thể điều trị hiệu quả các bệnh viêm da dị ứng, viêm da do côn trùng cắn đốt, mề đay… Tôi đã giới thiệu cho 20 người sử dụng cho kết quả rất khả quan”.
Được biết, giải pháp “máy chưng cất tinh dầu dùng cho nông hộ” do ông Mừng sáng chế được Ban tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ 13 (2018 - 2019) quyết định trao giải ba.