Rùa tai đỏ, còn gọi là rùa vạch đỏ (có viền đỏ phía sau mắt), có xuất xứ từ Bắc Mỹ. Là loài động vật ăn tạp hung dữ, chúng ăn tất cả các loài cá nhỏ hơn và các động vật thủy sinh… Chính sự nguy hại của rùa tai đỏ mà Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) liệt kê vào danh sách 206 loài xâm hại toàn cầu và đứng đầu danh sách 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Chúng có thể sống đến 50 - 70 năm, mỗi năm có thể đẻ đến 3 ổ trứng, mỗi ổ 4 - 23 trứng. Bộ NN&PTNT lưu ý, rùa tai đỏ không những gây hại cho môi trường mà còn có khả năng mang vi khuẩn Salmonella - loài vi khuẩn mang bệnh thương hàn.
Đoàn kiểm tra Bộ NN&PTNT đã khảo sát hồ nuôi 24.000 con rùa tai đỏ tại Vĩnh Long, đồng thời yêu cầu đơn vị nhập khẩu cách ly và tìm cách xử lý. Ông Lê Thiết Bình (Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản) cho biết, sẽ yêu cầu đơn vị nhập khẩu sớm giải quyết đúng theo mục đích nhập là tiêu thụ làm thực phẩm hoặc xuất sang nước thứ ba hay trả về nơi nhập. Hiện người dân xung quanh ao nuôi rất lo ngại rùa con sẽ thoát ra ngoài phá hại mùa màng.
Đáng lưu ý hơn, ngoài đàn rùa 40 tấn của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ, hiện cá thể rùa tai đỏ xuất hiện nhiều nơi. Nguồn phát tán rùa tai đỏ xuất phát từ nuôi làm kiểng và mua rùa phóng sinh. Rùa con bằng hai ngón tay thường được bán trong thau, keo, hũ ở nhiều tỉnh, thành, nhất là các khu vui chơi, hội chợ trong thời gian gần đây. Tại TP.HCM, dễ dàng tìm mua rùa tai đỏ tại các cửa hàng cá kiểng hay bày bán công khai một số góc đường. Trên đỉnh núi Cấm (An Giang) cũng có mặt loài rùa nguy hiểm này. Ngoài ra, rùa tai đỏ được ghi nhận xuất hiện tại Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu…, đáng quan ngại nhất là chúng đã có mặt tại hồ Gươm (Hà Nội).
TS. Nguyễn Đình Hòe (Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) cảnh báo, mức độ tàn phá của rùa tai đỏ nhiều hơn cả ốc bươu vàng do chúng sống lâu và sinh sản nhanh, tấn công ăn cả các loài thủy sản và cây trồng, thậm chí ăn thịt loài rùa khác nên cần tiêu diệt nhanh trước khi chúng bùng phát. Được biết, cho đến nay Bộ NN&PTNT vẫn chưa có thống kê đầy đủ các loài thủy sinh ngoại lai ảnh hưởng môi trường cũng như có biện pháp mạnh xử lý hiệu quả.