Quyết tâm, quyết liệt chống khai thác hải sản vi phạm IUU
Với quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), thời gian qua cùng với các cấp, các ngành, các lực lượng, BĐBP Cà Mau đã triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp và thường xuyên mở các đợt cao điểm tuyên truyền đến người dân, ngư dân không khai thác vi phạm các quy định IUU, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; quyết liệt trong truy xuất nguồn gốc hải sản; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các tàu cá…
Vùng biển Cà Mau rộng khoảng 80.000 km2, tiếp giáp với vùng biển Thái Lan và Malaysia. Theo thống kê đến ngày 20/10/2024 trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 4.332 tàu cá hoạt động khai thác hải sản, trong đó có 1.551 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên và có trên 1.500 tàu cá của các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Bến Tre... thường xuyên đến khai thác hải sản trên vùng biển Cà Mau.
Thượng tá Đặng Việt Hùng, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Cà Mau cho biết: Với quyết tâm chung tay tháo gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam, từ đầu năm 2024 đến nay Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau đã xây dựng 2 Nghị quyết chuyên đề, 8 kế hoạch, 11 công văn và 36 công điện chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc các đợt hoạt động cao điểm chống khai thác IUU. Triển khai tăng cường 6 đồng chí cho 6 Trạm kiểm soát Biên phòng thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; tăng cường 15 đồng chí hỗ trợ các xã, thị trấn, 37 đồng chí phối hợp với cán bộ, đảng viên ở ấp, khóm địa bàn trọng điểm thực hiện nhiệm vụ theo dõi, quản lý tàu cá nguy cơ cao vi phạm IUU; phân công 1 đồng chí tham gia Tổ công tác đặc biệt thuộc Đội kiểm tra liên ngành xác minh nhanh các tàu cá vi phạm IUU trên địa bàn tỉnh.
Theo Thượng tá Đặng Việt Hùng, trên cơ sở các công văn chỉ đạo của cấp trên, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau đã xác định 8 chuyên đề tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về công tác chống khai thác IUU. Trong đó tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân nắm, am hiểu những quy định cơ bản của pháp luật, không vi phạm khai thác IUU, vận động 100% chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; xây dựng, in cấp 10.600 tờ rơi; cấp phát 3.500 tờ áp phích, 4.500 tờ gấp tuyên truyền về IUU; phối hợp tuyên truyền 172 giờ trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp tổ chức tuyên truyền tập trung 26 buổi/1.651 người tham gia, vận động 4.692 chủ tàu cá, thuyền trưởng làm cam kết thực hiện nghiêm các quy định về khai thác thủy sản, không đánh bắt vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài; trao tặng 380 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân vươn khơi bám biển; vận động người dân tự nguyện giao nộp 96 bộ kích điện không khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt.
Đại tá Phạm Minh Giang, Chính ủy BĐBP Cà Mau cho rằng: Trong các biện pháp thì việc tuyên truyền cho ngư dân nắm chắc các quy định của pháp luật có ý nghĩa quyết định đến việc chấm dứt tình trạng tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Vì vậy, thời gian qua Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau đã chỉ đạo các cơ quan, đồn, trạm Biên phòng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng liên quan đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng trên địa bàn. Tập trung tuyên truyền sâu rộng về đường lối, chủ trương, chính sách, quan điểm, các văn bản pháp luật về biển, đảo của Đảng, Nhà nước; Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982, Luật biển Việt Nam năm 2012; Hiệp định về vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia; Hiệp định về phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam và Thái Lan, Việt Nam và Malaysia và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU; thông tin về sự gia tăng hoạt động tuần tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm của lực lượng chức năng các nước, để chủ tàu, thuyền trưởng nâng cao nhận thức, không đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Mới nhất là tập trung triển khai tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.
Cùng với các biện pháp, BĐBP Cà Mau duy trì giám sát 24/24 giờ hệ thống giám sát tàu cá hoạt động trên biển đặt tại Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và các đơn vị, qua giám sát kịp thời phát hiện cảnh báo 82 tàu cá có dấu hiệu vượt ranh giới sang vùng biển nước ngoài, thông báo và kêu gọi 26 lượt tàu cá vượt ranh giới sang vùng biển nước ngoài trở về vùng biển Việt Nam. Phối hợp xác minh 191 tàu cá mất tín hiệu kết nối trên 10 ngày (trong bờ 177 tàu, ngoài khơi 14 tàu). Từ đầu năm 2024 đến nay, BĐBP Cà Mau ra quyết định và Tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 155 trường hợp trong lĩnh vực thủy sản, với tổng số tiền trên 4,3 tỷ đồng. Trong đó, xử lý vi phạm về IUU 125 trường hợp, phạt trên 4,1 tỷ đồng.
Đại tá Phạm Minh Giang cho biết thêm, thời gian tới BĐBP Cà Mau tiếp tục tăng cường tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định trong tham gia khai thác hải sản; mở các đợt cao điểm chống khai thác IUU, trọng tâm là ngăn chặn tàu cá ngư dân ta xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; tập trung các biện pháp nghiệp vụ tăng cường công tác nắm, đánh giá sát, đúng tình hình có liên quan đến hoạt động tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài; phối hợp với lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Công an địa phương và các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ các đường dây, đối tượng nghi vấn liên quan đến việc đưa tàu cá ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; phân loại theo dõi, giám sát và quản lý chặt chẽ các trường hợp tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU để kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, ngăn chặn, xử lý.