Quy hoạch đưa Đông Nam Bộ đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao
Ngày 4/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 1325/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế của vùng theo hướng hiện đại, tập trung vào các yếu tố như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Kế hoạch đặc biệt chú trọng vào phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao.
Theo Kế hoạch, vùng Đông Nam Bộ sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, bao gồm cơ khí chế tạo, hóa dầu, sản phẩm hạ nguồn của ngành công nghiệp hóa dầu, chế biến sản phẩm từ dầu, và hóa chất.
Vùng này cũng sẽ chú trọng phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới và công nghệ cao như: điện tử - viễn thông, công nghiệp sản xuất rô bốt, thiết bị tự động, công nghiệp sản xuất phần mềm và sản phẩm số, công nghiệp an toàn thông tin, công nghiệp hóa phẩm, dược phẩm, chế phẩm sinh học, sản xuất thuốc và vaccine, công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp môi trường, cùng các ngành công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, việc tăng cường kết nối giữa các khu công nghiệp và khu chế xuất sẽ tạo nên các cụm liên kết ngành, tập trung phát triển các cụm liên kết ngành công nghiệp.
Kế hoạch cũng nhấn mạnh việc phát triển các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị hiện đại, đặc biệt là các khu công nghiệp công nghệ cao. Một số khu công nghệ thông tin sẽ được xây dựng tại TP.HCM, hình thành vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo.
Đồng thời, vùng Đông Nam Bộ sẽ tập trung phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo gắn liền với bảo vệ môi trường. Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên và có giá trị gia tăng thấp sẽ được chuyển dịch nhanh sang các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường và có giá trị gia tăng cao hơn.
Kế hoạch cũng đặt mục tiêu phát triển các dịch vụ chất lượng cao trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin - viễn thông, khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, du lịch và logistics.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là phát triển đồng bộ hệ thống logistics quốc gia và quốc tế, gắn với các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, cùng các tuyến hành lang kinh tế trọng điểm và các tuyến thương mại liên vùng tại TP.HCM, Bình Dương, Long Thành, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), và Tây Ninh.
Vùng Đông Nam Bộ cũng sẽ tập trung xây dựng Trung tâm logistics hàng không tại sân bay quốc tế Long Thành và phát triển hệ thống logistics cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM.
Ngoài ra, việc phát triển kinh tế biển, dịch vụ hậu cần cảng biển, công nghiệp khai thác và chế biến dầu khí, các dịch vụ ngành dầu khí và du lịch biển cũng sẽ được ưu tiên. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được phát triển thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, bao gồm cảng biển du lịch và các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, vui chơi giải trí chất lượng cao.
Theo Kế hoạch, Vùng Đông Nam Bộ sẽ hình thành 3 tiểu vùng đô thị trong đó bao gồm: Tiểu vùng trung tâm gồm các đô thị: TP.HCM; Biên Hòa, Nhơn Trạch (Đồng Nai); đô thị Bình Dương trên cơ sở cụm các đô thị gồm các thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát và đô thị Bàu Bàng.
Tiểu vùng ven biển gồm các đô thị: Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu); Cần Giờ (TP.HCM).
Và Tiểu vùng phía Bắc gồm các đô thị: Đồng Xoài, Chơn Thành (Bình Phước); Trảng Bàng (Tây Ninh).