Dòng chảy

Quốc hội chất vấn kỷ lục về khoa học và công nghệ

Phi Thư 07/06/2023 - 16:08

Chiều 7/6, dưới sự chủ trì và trực tiếp điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đinh Huệ, Quốc hội khóa XV đã kết thúc họp phiên toàn thể tại hội trường chất vấn về khoa học và công nghệ (KH&CN).

h-toan-canh-phien-hop-qh-sang-7-6-c.jpg
Đoàn đại biểu Quốc hội họp phiên chất vấn ngày 7/6. Ảnh: Quochoi

Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề về lĩnh vực KH&CN, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên chất vấn đã có số lượng kỉ lục đại biểu Quốc hội đăng kí chất vấn.

Theo đó, tổng kết có 32 đại biểu tham gia chất vấn với 20 đại biểu tham gia đặt câu hỏi và 12 đại biểu tranh luận. Còn 92 đại biểu đăng kí chất vấn và 3 đại biểu đăng kí tranh luận nhưng do hết thời gian nên chưa chất vấn và phát biểu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi câu hỏi đến Bộ trưởng để trả lời bằng văn bản theo quy định.

chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận phiên họp 7/6 về khoa học và công nghệ. Ảnh: Quochoi

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với tinh thần xây dựng, trách nhiệm. Các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi cụ thể, ngắn gọn, trọng tâm; một số đại biểu tích cực tranh luận làm rõ hơn vấn đề chất vấn.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt giữ cương vị Tư lệnh ngành KH&CN từ cuối nhiệm kỳ khóa XIV (từ Kỳ họp thứ 10), nhưng đây là lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Là một nhà khoa học và cũng từng lãnh đạo Đại học Quốc gia TP.HCM, một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn của nước ta, Bộ trưởng nắm rất chắc thực trạng lĩnh vực quản lý,  trả lời đầy đủ, thẳng thắn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội, có đề xuất định hướng và phương án cụ thể để xử lý trong thời gian tới. 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chuyển hướng đầu tư kinh tế dựa vào tri thức

pho-thu-tuong-chinh-phu-tran-hong-ha-giai-trinh.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giải trình trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi

Cùng tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực KH&CN, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, lĩnh vực KH&CN là lĩnh vực khá thuận lợi, có hành lang pháp lý và các văn bản quy phạm pháp luật quy định khá đầy đủ. Hiện nay, Bộ KH&CN cũng đang rất bận rộn đề tổng kết, đánh giá và đề xuất đổi mới trong lĩnh vực này…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, thời gian qua lĩnh vực KH&CN nước ta cũng đã có những đóng góp cụ thể, được các tổ chức quốc tế đánh giá, tốc độ đổi mới trong lĩnh vực này đạt mục tiêu đề ra. Nước ta cũng là nước đứng thứ 5 trên thế giới làm chủ được công nghệ 5G. 

Thừa nhận về những tồn tại trong lĩnh vực này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là lĩnh vực mang tính liên ngành. Do vậy để giải quyết những tồn tại ấy cần phải đổi mới tư duy, cách thức quản lý…

Theo Phó Thủ tướng, ngân sách đầu tư cho nghiên cứu của lĩnh vực KH&CN chưa hiệu quả, nếu so với thế giới có thể chúng ta đang ở mức thấp nhất. Do vậy, chúng ta cần gia tăng áp lực đổi mới cho các doanh nghiệp trong thời gian tới theo hướng chuyển từ kinh tế dựa vào tài nguyên sang kinh tế dựa vào tri thức. 

Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề quản lý các Quỹ trong lĩnh vực này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng cần phải đổi mới cách thức quản lý tài chính, tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, đáp ứng cân bằng giữa cung và cầu, đảm bảo tính ổn định, bền vững của Quỹ… Đồng thời, hoàn thiện các quy định và có chính sách đặc thù bảo vệ quyền sở hữu, quyền tác giả khi chuyển giao sản phẩm KH&CN…

Phó Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đang chỉ đạo tổng kể các chính sách lớn trong lĩnh vực này, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội sẽ được tiếp thu, nghiên cứu để có những đề xuất chính sách tốt hơn để triển khai trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Chi ngân sách cho KH&CN căn cứ vào hiệu quả 

bo-truong-bo-tai-chinh-ho-duc-phoc.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin tại phiện họp. Ảnh: Quochoi

Về bố trí ngân sách chi cho KH&CN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2023, tổng chi ngân sách chiếm 0,82%, chi đầu tư là 0,23%, chi thường xuyên là 0,58%. Năm 2022, tỷ lệ chi ngân sách là 1,01%.

Về quyết toán chi ngân sách, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95 ngày 17/10/2014, Bộ Tài chính và Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư liên tịch số 27 về cơ chế khoán, nhiệm vụ chi KH&CN có sử dụng ngân sách, theo hướng thiết kế căn cứ vào hiệu quả, kết quả đầu ra để chi ngân sách.

Thông tư này giao quyền chủ động cho đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài được điều chỉnh các mục chi, nội dung chi, định mức kinh phí được giao khoán. Với kinh phí không giao khoán thì thực hiện theo đề xuất của tổ chức chủ trì và cơ quan thẩm quyền phê duyệt. 

Bộ trưởng cho biết, việc kiểm soát chi chuyển từ khoản chi theo hóa đơn chứng từ hồ sơ sang chi theo bảng kê công việc. Điều đó cho thấy cơ chế mở trong thực hiện khoán chi trong KH&CN, tuy nhiên hiện nay vẫn còn những tồn tại trong quá trình tuyển chọn, giao đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu, nên kinh phí giao muộn. Bên cạnh đó, việc thực hiện giao khoán lại thực hiện theo hướng hồ sơ chứng từ, gây khó khăn trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học. 

Về cơ chế quản lý KH&CN, Bộ trưởng cho rằng cần thiết kế hoàn thiện lại để phù hợp hơn, cụ thể là đối với nhà nước, nên đặt hàng và thanh toán theo sản phẩm đặt hàng, việc đặt hàng có thể thực hiện đấu thầu, có thể chỉ định thầu, qua đó lập dự toán, căn cứ từ đó chọn những tổ chức nghiên cứu đảm bảo được sản phẩm đầu ra, giúp việc thanh toán được thuận lợi hơn. Cùng với đó, cần quy định việc chuyển giao, ứng dụng đề tài nghiên cứu vào thực tiễn để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành khác để sửa Nghị định 95, Thông tư 27 để phù hợp hơn, trên cơ sở lấy ý kiến của nhà khoa học, nhân dân để sửa các quy định của pháp luật để đảm bảo thông thoáng chủ động, căn cứ vào kết quả đầu ra của công việc để thực hiện hiệu quả. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội chất vấn kỷ lục về khoa học và công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO