Quản lý không gian mạng trong “kỷ nguyên hỗn loạn thông tin”
Người Việt Nam mỗi ngày dành trung bình hơn 6 giờ dùng Smart phone, trong đó gần 3 giờ “lướt” mạng. Trước sự hỗn loạn của các nguồn thông tin và sự mất phương hướng của người “tiêu dùng” như hiện nay, cần quản lý tốt không gian mạng, đấu tranh và buộc các nền tảng xã hội tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Hơn 32 ngàn tài khoản mạng có nguy cơ tấn công các mạng công nghệ thông tin trọng yếu
Khi cuộc “dịch chuyển” vĩ đại của đời sống con người từ không gian thực lên không gian, mạng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhận định, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ các giá trị văn hóa của đất nước, của dân tộc giờ đây khó khăn nhất là trên không gian mạng, chứ không phải trên không gian báo chí truyền thống.
“Không vượt qua được thách thức của mạng internet, không thể vượt qua thách thức cầm quyền lâu dài. Internet là mặt trận chính, chiến trường chính, tuyến đầu trong đấu tranh ý thức hệ. Mạng internet là trận địa chính của công tác tuyên truyền tư tưởng hiện nay. Chúng ta không chiếm lĩnh trận địa này, người khác sẽ chiếm. Chúng ta không đoàn kết những người dân trên internet, người khác sẽ lôi kéo”, ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan, thông tấn báo chí năm 2024.
Theo Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng (Ban Cơ yếu Chính phủ), năm 2023, ghi nhận 13.900 vụ tấn công mạng vào các tổ chức tại Việt Nam. Trong quý I/2024, đã phát hiện tổng số 32.265 nguy cơ tấn công mạng nhắm vào các mạng công nghệ thông tin trọng yếu, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, trong kỷ nguyên hỗn loạn thông tin, niềm tin của công chúng bị tác động, chi phối nghiêm trọng. Đặc biệt, các nền tảng xuyên biên giới - là nơi phát tán nhiều nhất tin giả, thông tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước. Do đó, muốn quản lý tốt không gian mạng, phải đấu tranh buộc các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Dấu hiệu nhận biết tin giả
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, tin giả (fake) trên không gian mạng là những thông tin sai sự thật được cố ý đăng tải, lan truyền nhằm mục đích không chính đáng, gây hiểu lầm cho người đọc, người xem hoặc những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do không được kiểm chứng, xác minh hoặc bị phóng đại, suy diễn, làm thay đổi bản chất của sự việc, thường xuất hiện dưới dạng tin tức và được lan truyền chủ yếu trên mạng xã hội.
Có 3 dấu hiệu nhận biết tin giả, người dân cần lưu ý: thứ nhất, tiêu đề giật gân; thứ hai, thông tin không ghi nguồn hoặc nguồn không rõ ràng và thông tin từ các kênh/tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới thường tung tin giả hoặc những trang/kênh/tài khoản không thuộc cơ quan nhà nước, cơ quan báo chí chính thống.
Hệ lụy đã tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội; khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc; khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp; nội dung vi phạm bản quyền tràn lan…
Những hành vi bị nghiêm cấm trên mạng xã hội
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Nguyễn Ngọc Hồi, tính đến hết tháng 01/2021, Google đã gỡ bỏ 6.700/7.800 video clip ra khỏi YouTube, trong đó có gần 300 video clip có nội dung phản động, kích động nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước. Facebook cũng đã gỡ bỏ gần 1.000/5.500 đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, 107 tài khoản giả mạo, 137 tài khoản nói xấu, bôi nhọ, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.
Ông Nguyễn Ngọc Hồi nêu rõ những hành vi bị nghiêm cấm, khi tham gia các nền tảng xã hội:
Không lập nhóm, lập hội để nói xấu, công kích lẫn nhau; không đăng tải chia sẻ thông tin gây xúc phạm làm mất uy tín danh dự cá nhân của người khác hoặc làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Không khai thác trái phép dữ liệu cá nhân của người khác cho mục đích thương mại hoặc mục đích khác.
Không “hùa” theo đám đông chia sẻ (share), nhận xét, phê bình trước một thông tin, sự kiện khi chưa rõ về vụ việc đó, hoặc không có căn cứ để khẳng định sự kiện đó là có thật; không cổ suý, tiếp tay cho các trào lưu lệch lạc, thiếu văn hóa, gây phản cảm, bị xã hội lên án như trào lưu “bóc phốt”, tung clip nhạy cảm” nhằm câu like, câu view…
Không đưa thông tin bịa đặt, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, gây kích động bạo lực, phân biệt dân tộc, vùng miền, giới tính, tôn giáo, hình ảnh trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam, thông tin vi phạm pháp luật.
Không sử dụng những ứng dụng không rõ nguồn gốc để tránh bị làm phiền bởi các tin rác hay bị lấy cắp thông tin tài khoản; không mở tệp tin (file) đính kèm hay đường dẫn (link) được gửi từ người lạ bởi chúng có thể chứa nội dung xấu hoặc phát tán mã độc làm hỏng thiết bị và đánh cắp thông tin tài khoản. Tuyệt đối không phát tán tệp tin từ các email có địa chỉ không tin cậy hoặc chia sẻ “bom” thư, thư “rác” tới người khác.
Ông Nguyễn Ngọc Hồi cho hay: "Không gian mạng không thể là một lĩnh vực không có pháp luật. Nhiều chủ tài khoản mạng xã hội khi bị cơ quan chức năng mời, họ mới biết bản thân vi phạm Luật".
Ông Nguyễn Ngọc Hồi cho biết, Luật An ninh mạng sẽ là cơ sở pháp lý để đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các vi phạm Luật về an ninh mạng. Mức vi phạm, có thể bị phạt hành chính từ 10-30 triệu đồng, nặng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, khi tham gia mạng xã hội người dân cần tìm hiểu về Luật An ninh mạng, để tự bảo vệ mình, tránh sự việc đáng tiếc xảy ra. Người dân tham gia nền tảng xã hội nên lan tỏa những thông tin, hình ảnh tốt đẹp, hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, phê phán những cái xấu, biểu hiện lệch lạc…”.