Ô nhiễm nguồn nước hồ Dầu Tiếng - thực trạng đáng báo động

21/10/2011 08:15

Hồ Dầu Tiếng hiện có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt cho người dân và công nghiệp các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Dương và đặc biệt là TP.HCM. Nguồn nước hồ Dầu Tiếng ngày càng có vai trò quan trọng đối với khu vực, vì vậy việc gìn giữ và đảm bảo chất lượng nguồn nước là một trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay.

Vừa qua, tôi có dịp tham gia cùng với các nhà khoa học và nhà quản lý thủy lợi, môi trường khảo sát hồ Dầu Tiếng, một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á. Thực tế cho thấy vẫn còn những tác động của con người ảnh hưởng đến môi trường hồ Dầu Tiếng, cần có biện pháp giải quyết một cách hiệu quả.

Theo quy định về khai thác công năng của hồ, không cho phép nuôi trồng thủy sản trên mặt nước, thế nhưng hiện người dân vẫn còn thả lồng, bè cá xuống hồ. Trước đây vài năm, vào lúc cao điểm, chúng tôi được biết đã có hơn 1.200 lồng bè nuôi cá điêu hồng của gần 200 hộ dân thả xuống lòng hồ này làm ô nhiễm môi trường xung quanh, đe dọa sức khỏe của nhân dân thuộc các địa phương có sử dụng nước hồ Dầu Tiếng làm nước sinh hoạt. Sau khi Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa phối hợp với các địa phương giải quyết, tình trạng nuôi cá đã giảm. Tuy nhiên, trong chuyến khảo sát, chúng tôi nhận thấy việc nuôi cá lồng bè đã tái diễn. Trong hồ hiện có khoảng hơn chục lồng bè cá người dân vẫn tiếp tục nuôi ở phía thượng lưu thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương. Thức ăn thừa, chất thải, xác cá chết và rác thải sinh hoạt của các hộ dân tại đây chính là các nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Không chỉ thả lồng bè, tại một khúc eo lòng hồ ở phía thượng lưu thuộc huyện Dầu Tiếng (Bình Dương), hiện vài hộ dân đã ngang nhiên tự ý đắp đập ngăn lại để biến một đoạn hồ thành “ao riêng” của mình để nuôi cá, đánh bắt cá, vừa tăng nguy cơ ô nhiễm lòng hồ vừa tác động không tốt đến dòng chảy.

Có một thực tế là do hồ Dầu Tiếng nằm trên cả địa bàn Bình Dương và Tây Ninh nên các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý các chủ bè. Nếu chỉ một địa phương kiểm tra thì chủ bè sẽ lợi dụng vùng giáp ranh để chạy qua chạy lại. Vì vậy cần thiết phải có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý môi trường của hai tỉnh trên với Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa để sớm xử lý dứt điểm việc nuôi cá bè trái phép trên lòng hồ, nếu không người dân sẽ có tâm lý “nhìn nhau” theo kiểu “người ta nuôi được mình nuôi được” và “chừng nào chính quyền kêu đi thì đi”...

Đi canô ngược dòng lên khu vực thượng lưu hồ Dầu Tiếng, khi đến địa phận xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương), chúng tôi thấy xuất hiện một cơ ngơi trang trại rộng lớn ngay sát bờ hồ. Ghé lên bờ, đập vào mắt chúng tôi là một khu biệt thự sang trọng. Phía đằng sau biệt thự, chúng tôi phát hiện cả một khu chăn nuôi heo rộng đến 1 km2, được bao bọc bằng những dãy tường dài, bốc lên mùi hôi thường thấy ở các trại gia súc. Tiếp chúng tôi, người phụ nữ trông coi trang trại này cho biết trại hiện có 600 heo nái và 1.000 heo thịt. Với quy mô như thế, rõ ràng đây là một khu chăn nuôi heo công nghiệp nhưng hiện nay lại không hề có hệ thống xử lý chất thải tập trung. Người phụ nữ trên cho biết hàng ngày chị tắm rửa cho heo, dội rửa chuồng và tất cả nước thải đều chảy thẳng ra hồ. Sát với khu vực chăn nuôi là cơ sở sơ chế mủ cao su của trang trại Năm Hồng. Cơ sở này rộng vài trăm mét vuông, nhưng cũng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Quan sát tại chỗ, chúng tôi thấy nước từ xưởng chảy qua các mương rãnh rồi thoát đến một hồ chứa đen ngòm. Khi chúng tôi hỏi, người quản lý cơ sở miễn cưỡng nói “đang sử dụng nước thải này để tưới cho cây” nhưng cũng cho biết thêm là “tỉnh đã xuống yêu cầu làm hệ thống xử lý nước thải nhưng phải... đợi đến sang năm gia đình mới làm được!”.

Theo Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, chất lượng nước lòng hồ Dầu Tiếng đang ngày càng xấu do bị chất thải từ các nhà máy sơ chế mủ cao su, cơ sở chăn nuôi thải vào lòng hồ. Tuy nhiên, đơn vị quản lý hồ không có chức năng xử phạt, chế tài, và đã nhiều lần gửi văn bản cho các địa phương có liên quan đề nghị xử lý nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Trước thực trạng trên, chúng tôi kiến nghị các nhà nghiên cứu cần có những khảo sát khoa học sâu hơn để đánh giá đầy đủ những nguy cơ gây ô nhiễm và tác động dòng chảy của hồ Dầu Tiếng. Kết quả khảo sát đó sẽ là cơ sở để đơn vị quản lý hồ đưa ra các kiến nghị đề xuất cụ thể với các cơ quan quản lý địa phương nhằm phối hợp quản lý và khai thác tiềm năng hồ Dầu Tiếng ngày càng tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ô nhiễm nguồn nước hồ Dầu Tiếng - thực trạng đáng báo động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO