Nuôi cá sam làm cảnh

P. DUY| 14/11/2019 15:58

KHPTO - Những chú cá sam thân thiện trên lưng nhiều hoa văn, di chuyển mềm mại uốn lượn trong hồ thu hút người nuôi cá cảnh. Loài cá cảnh mới này đang được nhiều người sưu tầm, xếp vào nhóm cá cảnh đắt tiền và độc lạ tại Việt Nam.

Cá sam có tên gọi khác là cá đuối nước ngọt, xuất xứ ở các dòng sông của châu Mỹ, khi từ Thái Lan nhập về Việt Nam tạo một cơn sốt trong giới chơi cá cảnh. Cá sam cảnh có hình dáng như cá đuối nhưng kích cỡ nhỏ, tính cách thân thiện, di chuyển mềm mại, uyển chuyển. Giá cá sam tùy loại (sam kim cương, sam hoàng đế…) kích cỡ có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/con.

Anh Lê Hùng (Q.5, TP.HCM), người chơi cá sam nhiều năm cho biết, để chọn con cá sam đẹp, khỏe mạnh nuôi trong hồ, khi mua cần chú ý hình thể, nhất là mặt lưng tròn đều, có hoa văn rõ ràng, cân đối, bơi lượn mạnh mẽ. Ngoài ra, cá sam khỏe thì thân mình dày, không quá mỏng, hai mắt giương cao, mắt sáng, có đốm hoa trong mắt, khoảng giữa hai mắt phẳng nhẵn, viền rõ nét, đuôi thẳng không lộ gai cái, cá bắt mồi nhanh nhẹn là sức khỏe tốt. Không chọn cá có xuất hiện dấu hiệu nấm bệnh, vết loét, bơi yếu, tuột nhớt, rách viền xung quanh thân… Khi nuôi nhiều con trong hồ thì nên lựa chọn cá sam cùng kích thước. Mới nuôi lần đầu nên chọn cá sam có kích thước lớn, khoảng 15 - 20 cm dễ chăm sóc. Chọn cá ưng ý, nếu thời gian vận chuyển trên 2 giờ thì cần sử dụng túi có đáy phẳng đựng cá, tránh bị rách viền khi sử dụng túi nylon đáy hẹp.

Để ngắm chú cá sam bơi lượn nên cần hồ đủ rộng, hồ trống trải, không trang bị nhiều vật cản. Môi trường nước rất quan trọng, nhiệt độ thích hợp từ 26 - 33 độ C, chú ý không đưa nước máy trực tiếp vào hồ nuôi cá sam vì cá rất nhạy cảm với clor, cần lắng trữ 48 giờ trở lên trước khi thay. Nồng độ muối trong nước không được vượt quá 30/00, không tự ý sử dụng các loại thuốc, hóa chất chống chỉ định cho cá đuối nước ngọt. Chú ý độ pH nước phải ổn định, không được dao động quá cao không tốt cho cá. Cần thay nước đều đặn trong hồ, vệ sinh hồ nuôi sạch sẽ.

Chú ý khi thả cá, đặt túi nước chứa cá vào hồ khoảng 15 phút cho quen nhiệt độ, sau đó tháo túi, cho hai môi trường nước hòa vào nhau từ từ và cá sam tự lao ra hồ nhẹ nhàng. Cá sam thuần hóa trong môi trường nuôi nước ngọt hoặc có thể sống tốt trong môi trường nước lợ. Tuy nhiên, có thể bổ sung lượng muối nhất định (100 g muối cho 100 lít nước) trong quá trình nuôi nhằm sát khuẩn, ngừa bệnh cho cá. Tốt nhất nên nuôi riêng cá sam, khi nuôi chung cá sam với các loài khác có thể gặp rủi ro, một số loài cá nhỏ hơn sẽ bị loài cá này ăn, ngược lại một số cá sẽ hút nhớt, làm hại cá sam.

Thức ăn cho cá sam là tôm (tươi hoặc đông lạnh), bỏ phần đầu, ngoài ra có thể cho cá sam ăn cá con hoặc cắt nhỏ (bỏ xương), trùn chỉ… Cá sam ăn rất khỏe, chao lượn khi bắt mồi, đây là thú vui khi cho cá sam ăn. Theo kinh nghiệm người nuôi cá sam thì cho ăn cá chạch sam sẽ phát triển nhanh. Cá sam thích hợp nhất là thức ăn tươi sống, tuy nhiên vẫn có thể bổ sung thức ăn viên dạng chìm chế biến sẵn. Không cho cá ăn thức ăn hư hỏng.

Khi nuôi cá sam hết sức chú ý môi trường nước nuôi, tránh thay đổi liên tục làm cá bị sốc nước. Thường xuyên kiểm tra môi trường nước, các độc tố phát sinh trong hồ nuôi, giữ ổn định các chỉ tiêu nước theo yêu cầu. Khi nuôi cá sam cần chú ý, cá sam tuy hiền hòa, thân thiện nhưng chúng có thể tự vệ bằng chất độc. Gai nhọn có độc hình răng cưa nằm phía sau đuôi, khi vệ sinh hồ hay lúc đùa giỡn với cá nếu bị gai đâm sẽ gây bỏng rát, đau nhức hoặc nhiễm trùng. Vì vậy, hạn chế đưa tay vào hồ chọc phá cá, nhất là trẻ nhỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nuôi cá sam làm cảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO