“Nữ hoàng” startup Việt Trương Thanh Thủy: Tôi may mắn nhưng không hề suôn sẻ...

Trương Thanh Thủy| 22/01/2017 11:16

KHPT - Tôi đã từng nhận được một câu rất thú vị: “Nhìn vào những thành tựu của bạn, có thể nói, cuộc sống và sự nghiệp của bạn rất suôn sẻ và dễ dàng không?”.

Tôi đã trả lời như sau: “Tôi sẽ đồng ý nếu bạn nói rằng tôi là một người may mắn và lạc quan, nhưng cuộc đời cũng như sự nghiệp của tôi tuyệt nhiên không hề suôn sẻ và dễ dàng”.

Một bài học nhớ đời

“Bạn không nhất thiết phải học chuyên ngành kinh doanh để trở thành một doanh nhân”. Với hơn 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, marketing, và tài chính cá nhân, tôi tốt nghiệp đại học USC với tấm bằng khoa học vi tính và bắt đầu bước đi đầu tiên trong kinh doanh với cửa hàng Parallel Frozen Yogurt tại Việt Nam. Cửa hàng đã trở thành một hiện tượng với lượng khách hàng ngày một đông, tọa lạc tại những vị trí đắt địa, và trở thành một trong những thương hiệu nổi bật nhất về sữa chua đông lạnh tại Biên Hòa và TP. Hồ Chí Minh. Kinh nghiệm làm việc, tấm bằng đại học cùng cửa hàng kinh doanh khởi nghiệp đầu tiên của tôi hoàn toàn không liên quan với nhau! Tuy nhiên, có những thứ mà tôi đã đúc kết được trong 6 năm học tập và làm việc tại Mỹ:

- Hãy tự thân vận động, hãy để đôi tay được lấm bùn: tôi chưa từng làm việc trong bất kỳ nhà hàng nào, cũng chưa từng có bất kỳ kinh nghiệm nào với kinh doanh sữa chua đông lạnh hay kem; tuy nhiên, tôi đã tự tìm hiểu và nghiên cứu, tham gia các lớp học với những nhà cung cấp, liên lạc và thương lượng với họ về hậu cần cũng như giá cả, và quan trọng nhất là tự phát triển công thức riêng bí mật cho món sữa chua đông lạnh của mình.

- Đừng trốn tránh rủi ro mà hãy quản lý chúng: các doanh nhân là những người chấp nhận rủi ro; thậm chí nếu tôi không đầu tư một xu vào kinh doanh, thì rủi ro lớn nhất mà tôi phải chấp nhận chính là chi phí cơ hội. Cách duy nhất để tránh rủi ro chính là tránh xa con đường làm doanh nhân, thế thôi! Và nếu một khi tôi đã không chịu né tránh con đường đó, tôi cần phải học cách quản lý những rủi ro một cách tốt nhất và bằng hết khả năng của mình, mặc dù điều đó có nghĩa là tôi phải trải qua những đêm thức trắng với sổ sách kế toán, để tính toán từng đồng từng xu hay từng gram sữa đã bỏ ra.

- Vài người sẽ không đi con đường giống bạn, nhưng điều đó không có nghĩa rằng họ đang lạc lối: rất nhiều doanh nhân đã bị làm cho thất vọng bởi những người bạn thân nhất, những người trong gia đình hay thậm chí là những người họ thương yêu nhất. Nhưng liệu có phải họ bắt buộc phải là những người ủng hộ trung thành và tuyệt đối cho tôi không? Viễn cảnh đó không phải lúc nào cũng xảy ra như ý muốn. Rất nhiều người trong số họ sẽ mong sao những điều không may xảy ra sẽ làm tôi nản chí và bỏ cuộc. Nhưng sự thật là tôi không cần cả thế giới phải ủng hộ mình, tôi chỉ cần những người quan trọng nhất đối với tôi ủng hộ tôi là đủ.

Tôi rời Việt Nam khi tôi 17 tuổi không hề có chút kinh nghiệm kinh doanh và thương lượng với người Việt. Khi tôi trở về Việt Nam và gầy dựng sự nghiệp của mình ở tuổi 23, tôi đã học cách vượt qua những cú sốc văn hóa bằng cách luyện tập kỹ năng thương thuyết mỗi ngày, dù là trong việc thuê mặt bằng hay thỏa thuận lương bổng với nhân viên của mình. Tôi đã cực kỳ may mắn khi khởi nghiệp với người bạn tốt nhất của mình, Hà Phạm, một người cực kỳ tài năng trong việc xây dựng các mối quan hệ và hoàn thành công việc. Không có cô ấy, Parallel sẽ không ra đời!

Tấm bằng đại học từ một trong những trường đại học danh giá là một tấm vé thuận lợi để giúp tôi có được bất kỳ công việc đáng mơ ước nào tại Mỹ; tuy nhiên, trở thành một doanh nhân là cơ hội để tôi không ngừng học tập và trau dồi kiến thức của mình trong cả đời dù cho tôi có ở nơi nào đi nữa.

Là một nữ doanh nhân, tôi không đơn độc!

Là một nữ doanh nhân ở Việt Nam có vẻ là một công việc khá thử thách, và tôi tin điều này cũng tương tự với đa số các quốc gia châu Á. Tôi không thể tin rằng đến tận năm 2016 rồi, mà phụ nữ vẫn còn được cho là phải lấy chồng, sinh con và chăm sóc gia đình, trễ nhất là ở tuổi 30. Đừng hiểu lầm ý của tôi nhé! Đúng là những điều đó cũng là một phần trong cuộc sống của người phụ nữ, nhưng không phải là toàn bộ cuộc đời người phụ nữ. Tôi cứ liên tục phải nghe những câu hỏi về bạn trai, kết hôn, con cái... bởi những người trong gia đình. Mọi người có vẻ rất hoài nghi khi tôi bắt đầu nói về việc kinh doanh của mình, về công ty, về sản phẩm và những thứ mà tôi đã xây dựng nên. Điều duy nhất mọi người quan tâm là liệu tôi có thể xây dựng một mái ấm gia đình hạnh phúc không.

Tôi được lựa chọn để vinh danh trong Top 10 phụ nữ của cuộc thi PITCH lần thứ 2. Vào ngày 14 tháng 2 năm 2013, tôi mặc chiếc áo dài Việt Nam truyền thống, đứng trên sân khấu để trình bày về sản phẩm Bảng thông minh của mình trước 1.000 doanh nhân và nhà đầu tư đang có mặt tại Westin. Sau bài phát biểu của tôi, mọi người đã vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt và đặt cho tôi rất nhiều câu hỏi về những sản phẩm của tôi. Đó là lần đầu tiên tôi nhận được nhiều sự chú ý đến vậy của những người xung quanh cho các sản phẩm của mình, cũng như những thứ tôi thật sự làm hơn là đời sống riêng tư của tôi.

Trong 3 tuần tại San Francisco, tôi đã được gặp nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp, và những nhà phát triển sản phẩm rất tài năng. Ban tổ chức chương trình hội nghị, như Angie, Shaherose, Rebecca, và những người hỗ trợ và tư vấn cho tôi như Tom Kosnik và Linh Thai, cùng rất nhiều những người bạn khác tại San Francisco đã cho tôi những lời khuyên rất bổ ích, những đầu mối liên lạc và thậm chí còn giúp tôi có những cuộc gặp gỡ. Họ đã giúp cho chuyến đi của tôi không thể thành công hơn!

 “Làm doanh nghiệp là một con đường nhiều đơn độc, mọi người có thể cho bạn sự khuyến khích và hỗ trợ, nhưng không ai có thể bước đi giùm bạn trên con đường đó”. Tuy nhiên, những sự hỗ trợ và động viên mà tôi nhận được từ mạng lưới nữ doanh nhân cũng như rất nhiều người ủng hộ khác chắc chắn đã giúp cho con đường mà tôi đi trở nên đầy ý nghĩa và hoàn toàn xứng đáng.

Hiệu quả và năng suất hơn

Đối với tôi, 24 tiếng một ngày không bao giờ là đủ. Tôi luôn có rất nhiều ý tưởng và công việc tôi muốn làm, bên cạnh đó, tôi luôn muốn có thể dành thời gian cho gia đình mình. Sự chần chừ chính là kẻ thù lớn nhất của tôi! Tôi phải học cách sử dụng thời gian hiệu quả và năng suất hơn.

Thay vì dành ra 5 phút mỗi buổi sáng để quyết định tôi sẽ mặc như thế nào, thì vào tối chủ nhật mỗi tuần, tôi sắp xếp quần áo ngay ngắn theo bộ cho cả tuần.

Tôi luôn đi chợ với một danh sách những thứ tôi cần hay muốn mua, và phân chia theo loại, để tôi không mất thời gian đi lòng vòng trong siêu thị để tìm chúng.

Google Drive và iCloud trở thành ổ cứng của tôi, giúp tôi dễ dàng hơn trong việc truy cập dữ liệu từ bất kỳ thiết bị nào ở bất cứ thời điểm nào.

Thay vì việc mất gần nửa tiếng đồng hồ để giải thích với ai đó về những ý tưởng của tôi, tôi đề nghị họ tham gia hệ thống Smartborad của mình, và vấn đề đã được giải quyết trong 5 phút.

Thời gian luôn giới hạn, và mỗi quyết định nhỏ nhất đều đáng giá.

Đối xử với mọi người bằng yêu thương và quan tâm

Thỉnh thoảng, tôi dành thời gian cho một vài người bạn cũ tại những buổi họp mặt thường niên và tôi đã được nghe nhiều lời than phiền của họ về đồng nghiệp hay những người sếp. Tôi chỉ có thể lắng nghe nhưng không thể nhập cuộc để bàn luận, không phải bởi vì tôi không hiểu họ mà là tôi không biết phải nói gì. Tôi chưa từng phải lo lắng về việc sếp của mình có ghét mình không hay đồng nghiệp có chơi xấu sau lưng tôi không. Tôi đã học được cách đối xử với mọi người bằng yêu thương và sự quan tâm thật lòng.

Đối với một tổ chức khởi nghiệp, đội ngũ làm việc giống như những thành viên trong một gia đình thực thụ, và điều duy nhất mà chúng tôi quan tâm chính là làm sao để làm nên những sản phẩm tốt nhất cho khách hàng. Chúng tôi không cần phải chứng minh với bất cứ ai ngoài bản thân chúng tôi về khả năng của chúng tôi trong việc đem đến những cấu trúc code (mã) có thể đo dạc được, UI/UX có khả năng trải rộng ra được, và phát triển những chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp. Bởi khởi nghiệp là hành trình chứ không phải đích đến.

Chỉ hơn 12 tháng sau khi thành lập, năm 2015, công ty khởi nghiệp Tappy của Thanh Thủy được hãng công nghệ Weeby.co đến từ Thung lũng Silicon (Mỹ) mua lại với mức giá lên đến hàng triệu USD. Trước đó, Tappy đã thu hút được 200.000 USD từ quỹ đầu tư 500 Startups để phát triển ứng dụng cho phép trò chuyện trong quán bar hoặc sự kiện. Tappy là công ty khởi nghiệp Việt Nam đầu tiên đạt đến thành công này.

Truong_Thanh_Thuy-1

Năm 2010, Thanh Thủy đồng sáng lập - điều hành Công ty GreenGar. Chỉ sau 1 năm, start-up GreenGar đạt doanh thu nửa triệu USD từ các ứng dụng di động được công ty phát hành trên hệ điều hành iOS và Android. Trong số các sản phẩm của GreenGar, nổi bật phải kể đến Whiteboard, một ứng dụng cho phép người dùng tương tác trực tuyến với nhau bằng cách vẽ hình hoặc viết các đoạn ghi chú, với hơn 9 triệu lượt tải về trên khắp thế giới và mang về nguồn thu không nhỏ cho những người sáng lập.

Giữa năm 2009, Thanh Thủy xây dựng mô hình kinh doanh kem sữa chua bằng chuỗi nhà hàng mang tên Parallel. Lúc cao điểm, chuỗi kinh doanh này hoạt động cùng lúc ở 4 chi nhánh, trong đó bao gồm địa điểm ở 2 trung tâm thương mại Vincom và NowZone tại TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nữ hoàng” startup Việt Trương Thanh Thủy: Tôi may mắn nhưng không hề suôn sẻ...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO