Giáo dục

Noi gương bố - NGƯT. Nguyễn Ngọc Ký, cô hiệu trưởng dạy học sinh theo hướng nhân văn

Ngọc Duy 19/02/2024 - 15:07

“Dù sức khỏe không tốt, nhưng bố tôi vẫn đến tận nhà để thăm hỏi, giúp đỡ những học sinh hư, quậy phá, nên họ quý bố tôi lắm. Hè đến, học sinh từ khắp nơi về thăm, khiến tôi càng thêm tự hào. Tôi yêu cách bố dạy học, yêu luôn nghề giáo".

Đây là lời tâm sự của cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Q.Gò Vấp (TP.HCM), khi nhắc về bố mình - Nhà văn, nhà giáo ưu tú (NGƯT) Nguyễn Ngọc Ký. Ông cũng là người đã thắp lên ngọn lửa yêu nghề “trồng người" trong cô từ khi còn rất nhỏ.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh - hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM).

“Yêu cách bố dạy học, yêu luôn nghề giáo”

Cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh (sinh năm 1971, tại Hải Hậu, Nam Định), sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nhà giáo. Bố cô chính là nhà văn, NGƯT. Nguyễn Ngọc Ký, mẹ là cô giáo Vũ Thị Nhiễu. Bố mẹ cô đều là giáo viên tại một trường trung học cơ sở gần nhà. Chính vì thế, ngay từ nhỏ cô đã có niềm đam mê mãnh liệt với nghề giáo, nhất là khi thấy bố mẹ được mọi người quý trọng.

“Dù sức khỏe không tốt, nhưng bố tôi vẫn đến tận nhà để thăm hỏi, giúp đỡ những học sinh quậy phá, nên họ quý bố tôi lắm. Hè đến, học sinh từ khắp nơi về thăm, khiến tôi càng thêm tự hào. Tôi yêu cách bố dạy học, yêu luôn nghề giáo", cô Ánh chia sẻ.

“Máu nghề” từ nhỏ, trong suốt những năm đi học, cô đều làm cán bộ lớp, hoặc làm bí thư chi đoàn, đưa những người bạn thích quậy “vào khuôn phép” thay thầy cô. “Những năm học tiểu học và trung học cơ sở, tôi đều là lớp trưởng có tiếng “nghiêm” trong trường. Cô giáo chủ nhiệm chỉ việc dạy, còn lại tôi lo hết. Tôi mà chỉ huy, mấy đứa con trai trong lớp cứ gọi là nghe răm rắp không dám cãi", cô Ánh cười khi nhớ lại những năm tháng đi học thời niên thiếu.

Sau 12 năm đèn sách, cô đăng ký nguyện vọng vào cả 3 trường sư phạm, lần lượt là trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và đại học sư phạm để theo đuổi đam mê. Kết quả, cô đậu cả 3 trường, nhưng theo học trường cao đẳng sư phạm vì gần nhà, lại đỡ tốn kém.

“Biết hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn, bố bị đa nang hai thận, mẹ lại hay bị nấm ở chân, nếu tôi đi học đại học sư phạm thật sự quá xa xôi lại tốn kém. Hơn nữa, khi ra trường phải đi dạy xa, khó mà về được mái trường mà tôi đã trưởng thành để được trả ơn quý thầy, cô đã dạy tôi và sẽ mang tri thức để dạy các em học sinh nơi mảnh đất Hải Thanh anh hùng và cũng mong ở gần bố mẹ để chăm sóc. Vì thế, tôi tự quyết định học cao đẳng sư phạm cho gần nhà, sớm ngày ra trường. Ngày đó, tôi chỉ mong ước sau này về quê đi dạy, kiếm chồng gần nhà, để tiện chăm sóc bố mẹ", cô nói.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngọc Ánh thường kể chuyện vào mỗi buổi chào cờ đầu tuần cho học sinh nghe.

Quyết là làm, sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, cô xin về dạy tại trường Trung học cơ sở mà bố mẹ cô từng dạy. Tại đây, cô dạy cả 4 môn toán, lý hóa, giáo dục công dân và làm tổng phụ trách đội của trường. Dù bận rộn nhưng cô không mệt mỏi, mà rất vui khi được đứng trên bục giảng.

Ngoài giờ lên lớp, cô còn xin mẹ đi học thêm nghề may, để lúc rảnh rỗi, ở nhà may đồ, nuôi heo kiếm thêm thu nhập. Dù bận rộn, nhưng cô sẵn sàng bỏ thời gian, tiền bạc để mua vải về may đồng phục cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn đi học, hoặc trang phục cho đội nhóm học sinh đi tập múa.

Dạy được 2 năm, gia đình cô cũng chuyển công tác vào TP.HCM làm việc, tiện chăm sóc sức khỏe cho bố. Trước đó, bố cô đã chuyển công tác vào làm tại Phòng Giáo dục Q.Gò Vấp (TP.HCM) để ở gần bệnh viện, thuận lợi cho việc điều trị, chữa bệnh.

Tại TP.HCM, cô đã công tác ở nhiều trường THCS trên địa bàn Q.Gò Vấp, như: THCS Phan Tây Hồ, Trường Sơn, An Nhơn, Phạm Văn Chiêu… Cô lần lượt giữ các chức vụ quan trọng, như bí thư đoàn trường, phó hiệu trưởng, hiệu trưởng. Đến nay, cô đang làm Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (P.3, Q.Gò Vấp).

Cô giáo dạy toán mang tâm hồn văn thơ

Chia sẻ về những thành tích đã đạt được trong hơn 30 năm trồng người, cô Ánh tự hào giới thiệu một loạt các loại bằng khen, giấy khen dày cộm. Chúng được cất giữ cẩn thận, từ hồi cô mới ra trường đến nay. Nhìn qua, có đủ loại bằng khen, từ cấp trường, xã, quận, thành phố cho đến các cuộc thi lớn, nhỏ khác trong ngành giáo dục. Trong đó, có cả những bài cô viết được đăng trên báo.

Cô cho biết, từng được giải nhất Bí thư đoàn giỏi khi còn làm Bí thư tại Trường THCS Phan Tây Hồ (P.16, Q.Gò Vấp); nhiều lần được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản TP.HCM khen thưởng với nhiều thành tích xuất sắc trong công tác đoàn, phong trào thanh niên; đạt giải nhất tình huống giáo dục lần thứ 3, do báo Giáo dục Sáng tạo tổ chức…

Cô Ánh đã nhận được nhiều bằng khen trong hơn 30 năm trồng người.

Dù dạy các môn tự nhiên, như toán, lý, hóa, nhưng do ảnh hưởng từ bố, cô vẫn rất yêu văn. Cô có nhiều tác phẩm đăng trên báo, viết về người thân trong gia đình, như “Đôi bàn chân kì diệu", “Mẹ là mãi mãi", Từ hình ảnh người Mẹ suy nghĩ về vai trò người phụ nữ Việt Nam trong gia đình... Trong đó, cô thích nhất là tác phẩm “Đôi bàn chân kì diệu", kể về những điều phi thường mà bố cô đã làm cho gia đình, với học trò chỉ với đôi bàn chân. Tác phẩm này đã đạt giải nhì trong cuộc thi Lời viết yêu thương, đăng trên báo Phụ nữ TP.HCM, năm 2010.

“Hồi đấy, tôi hay viết về gia đình như một lời tự sự, tri ân, gửi gắm tâm tình cho mọi người thân trong gia đình. Bố tôi có một bài, mẹ một bài và chồng một bài. Giờ tôi không còn thời gian viết nữa. Tiếc lắm, nhưng tôi cũng đành gác lại để nhường thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng những mầm non của đất nước”, cô nói.

Vào mỗi buổi chào cờ đầu tuần, cô đều kể chuyện cho học sinh nghe. Những câu chuyện cô kể rất ý nghĩa và mang tính nhân văn, nên các em học sinh rất thích. “Mỗi sáng chào cờ, em thích nhất là được nghe cô kể chuyện hoặc đọc thơ. Cách cô kể và đọc thơ rất hay và cuốn hút, mỗi câu chuyện, mỗi bài thơ rất ý nghĩa, đặc biệt nhắc nhở chúng em phải học tập thật tốt, vâng lời bố mẹ, thầy cô và giúp đỡ mọi người", Phương Thy, học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi chia sẻ.

Thầy Tuấn - giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng bày tỏ: “Cô tuy dạy Toán nhưng cũng rất yêu Văn, tâm hồn văn thơ có lẽ được di truyền từ bố cô sang”.

Ngoài ra, thầy Tuấn cũng chia sẻ thêm: “Cô rất quan tâm đến anh em đồng nghiệp và các em học sinh. Cô chú trọng việc giáo dục đạo đức để các em khắc phục sai sót mà tiến bộ theo hướng tích cực hơn. Làm việc với các thầy cô khác, cô cũng nhẹ nhàng, quan tâm trong việc quản lý điều hành nhà trường, gần gũi trong công tác cũng như đời sống”.

Tủ sách của Nhà văn - NGƯT. Nguyễn Ngọc Ký được gia đình cô tặng cho trường THCS Nguyễn Văn Trỗi.

Không chỉ yêu văn, cô còn yêu cách giáo dục của bố mình. Đó là cách giáo dục bằng lòng yêu thương, dạy học sinh theo hướng nhân văn, tích cực. Cô thường dạy phụ đạo môn toán cho các em học sinh cá biệt, quậy phá, học kém trong trường. Bởi theo cô, những bạn khá giỏi thường có thầy cô chủ nhiệm và bộ môn là đủ rồi, còn những em học kém hơn, cô muốn tự tay dạy phụ đạo, để các em có thể tiến bộ nhanh hơn, đuổi kịp bạn bè. “Tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ bố, từ cách tôi yêu văn, yêu toán và yêu cách chăm sóc khi trồng người", cô Ánh chia sẻ.

Cô Ánh cùng bố là NGƯT. Nguyễn Ngọc Ký.

Cô Ánh cũng từng gây xôn xao dư luận khi đưa ra mức kỷ luật học sinh vi phạm bạo lực học đường bằng hình thức kỷ luật rất nhân văn là “các em học sinh sẽ phải đọc sách vào giờ ra chơi trong 2 tuần dưới sự giám sát của giáo viên, sau đó sẽ kể chuyện trước toàn trường”.

“Nếu buộc thôi học, tương lai các em coi như mất. Các em vẫn còn nhỏ, nên cần có cơ hội để nhìn ra cái sai của mình và sửa sai. Việc đọc sách sẽ giúp các em có thêm thời gian, không gian riêng trong giờ ra chơi để đọc sách và suy nghĩ về những lỗi lầm của mình và tự sửa chữa chứ không phải kỷ luật để khiến học sinh khiếp sợ, hoặc tiếp tục lún sâu vào vi phạm”, cô Ánh nói thêm.

Cả ba chị em trong gia đình đều chịu ảnh hưởng từ bố mẹ, quyết định nối nghiệp gia đình, bước chân vào sự nghiệp “trồng người”. Trong đó, cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh là chị cả, đang làm hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (P.3, Q.Gò Vấp). Tiếp đến là cô Nguyễn Thị Thanh Hương đang làm Phó Hiệu Trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn (Q.Gò Vấp, TP.HCM) và thầy Nguyễn Tuấn Anh là giảng viên tại Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Noi gương bố - NGƯT. Nguyễn Ngọc Ký, cô hiệu trưởng dạy học sinh theo hướng nhân văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO