Theo Viện Nghiên cứu Rau quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), từ năm 2016 - 2020, nhu cầu hoa cây kiểng bình quan tăng khoảng 15%/năm. Đây là tiền đề phát triển trồng hoa, cây kiểng thành hàng hóa lớn. Sản xuất, kinh doanh, trồng hoa, cây kiểng hiện đã trở thành ngành có tiềm năng lớn và phát triển tại nhiều địa phương.
Làng mai Bình Lợi, diện mạo mới của một xã thuần nông
Bất chấp những nguy cơ xâm lấn, “bê tông hóa” từ các khu công nghiệp, làng nghề trồng mai ở Bình Lợi ngày nay gắn liền với phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nên thương hiệu Mai vàng Bình Lợi, huyện Bình Chánh (TP.HCM), thành một làng hoa có tên tuổi.
Làng nghề trồng mai ở Bình Lợi ngày nay gắn liền với phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nên thương hiệu Mai vàng Bình Lợi, huyện Bình Chánh (TP.HCM), thành một làng hoa có tên tuổi.
Bình Lợi là xã nông thôn, ngoại thành. Đây là vùng mai nguyên liệu cho nhiều địa phương khác và là một trong những nguồn cung lớn cho thị trường mai Tết của TP.HCM.
Làng mai vào xuân vô cùng đa dạng về chủng loại sản phẩm như: ngoài mai trồng đất (trồng trên luống) còn phát triển thêm mai chậu, mai bonsai giúp nâng cao giá trị sản phẩm, thay thế dần mô hình trồng mai đất còn phổ biến như hiện nay. Theo người dân trồng mai nơi đây, mai trồng đất sau 3 năm có thể xuất bán với giá 400.000 - 500.000 đồng/cây; trong khi mai chậu, tức là chọn cây mai trưởng thành từ trồng đất sang trồng chậu, khoảng 1 năm sau xuất bán với giá cao gấp 4 - 5 lần so với mai trồng đất.
Anh Bùi Ngọc Đức, nhà vườn Mai Vàng Tết (Bình Chánh), đang chăm sóc mai cho dịp Tết Nguyên đán Xuân Quý Mão 2023.
Theo chị Đỗ Đặng Ngọc Trâm, Phòng Kinh tế huyện Bình Chánh, diện tích trồng mai vàng hiện nay tại Bình Chánh đạt 577,73ha với 574 hộ đầu tư, trong đó xã Bình Lợi có 456 hộ trồng với diện tích 525ha, chiếm 90,9% diện tích trồng mai toàn huyện.
Với đặc điểm đất nhiễm phèn nặng, trước đây trên vùng đất xã Bình Lợi, người dân chuyên trồng khóm, mía, riềng,… tuy nhiên sản phẩm đầu ra của những cây trồng này chưa ổn định và hiệu quả kinh tế không cao. Mai vàng đến với Bình Lợi như một cái duyên. Những năm 2008 - 2010 qua trồng thử nghiệm nhận thấy cây mai sinh trưởng và phát triển tốt trên vùng đất phèn Bình Lợi, đặc biệt đầu ra ổn định; nên chính quyền địa phương các cấp vận động bà con nông dân chuyển đổi từ đất trồng khóm, trồng mía... kém hiệu quả sang trồng mai.
Anh Bùi Ngọc Đức, nhà vườn Mai Vàng Tết (Bình Chánh), chia sẻ: “Cây mai có giá trị kinh tế cao hơn so với trồng cây dứa hay cây mía. Hoa mai trồng ở Bình Lợi cho nhiều cánh, màu đậm, lâu rụng hơn ở những nơi khác. Chúng tôi còn mạnh dạn ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật, hợp tác với trường Đại học Nông Lâm đưa các ứng dụng công nghệ vi sinh vào ủ phân chuồng, kết hợp với hệ thống tưới tự động vào quy trình trồng mai. Đồng thời, ươm và lai tạo các giống mai mới đẹp hơn và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.”
Làng mai Bình Lợi vào xuân vô cùng đa dạng về chủng loại sản phẩm như: ngoài mai trồng đất (trồng trên luống) còn phát triển thêm mai chậu, mai bonsai...
Anh Đức đang sở hữu 3ha với 18 nghìn cây mai thành phẩm. Mỗi năm, trung bình anh cung cấp khoảng 500 cây mai cho thuê dịp Tết.
Khởi đầu nơi đây chỉ trồng giống mai tứ quý, mai vàng 5 cánh chuyên cung cấp gốc mai nguyên liệu làm gốc ghép cho các nghệ nhân ở các vùng lân cận. Nhận thấy cây mai vàng là một trong những cây trồng có giá trị tiềm năng cao, các cơ quan ban ngành đoàn thể các cấp đã tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ tạo điều kiện cho cây mai vàng phát triển và bằng chính sự nỗ lực tiềm tòi học hỏi không ngừng của bà con nơi đây.
“Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn TP.HCM, cũng như nhiều hội khác như Hội Nông dân…, người dân xã Bình Lợi bắt đầu từ việc chú trọng phát triển mạnh khâu tuyển chọn giống và kỹ thuật tạo dáng. Những cánh đồng mai nguyên liệu nơi đây dần được thay da đổi thịt bằng những cánh đồng mai chất lượng hơn. Mỗi hoa mang 9 đến 10 cánh. Những cây mai đạt chuẩn này được bán trực tiếp cho thị trường mà không cần phải qua khâu ghép mai như trước đây. Nhờ vậy mà giá trị của cây mai cũng tăng lên gấp 2,3 lần so với trước,” chị Ngọc Trâm cho biết.
Từ năm 2021, việc tổ chức đường mai vào dịp Tết Nguyên đán được thực hiện ngay trên địa bàn xã Bình Lợi, theo đó số lượng chậu bán được đạt khá cao, 4.000 -5.000 chậu, tăng gần nhiều so với các năm trước. Đại diện phòng Kinh tế huyện Bình Chánh chia sẻ, thông qua việc trưng bày, mua bán mai vàng tại đường mai đã giúp người dân trên địa bàn cũng như các tỉnh bạn biết đến thương hiệu cây mai vàng Bình Lợi nhiều hơn. Qua đó thu hút các thương lái đến thu mua giúp đầu ra ổn định hơn, người dân yên tâm chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả tại địa phương như cây mía,... sang trồng mai vàng.
Thị trường tiêu thụ hoa, cây kiểng của TP.HCM là khoảng 9 triệu dân, anh Hữu Đức cho biết thêm, người dân đã định hướng phát triển các dòng mai giống mai, bonsai các loại, kiểng các loại… để phục vụ cho người dân Thành phố, nhất là vào dịp Tết đến Xuân về, theo định hướng nông nghiệp đô thị.
“Các vườn mai như chúng tôi còn mở ra các điểm check-in và tham gia mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái theo đề án của huyện Bình Chánh để người dân TP.HCM thêm điểm thư giãn, vui chơi vào dịp lễ tết,”
Lan cắt cành, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM
Cùng với mai kiểng, hoa lan, đặt biệt là lan cắt cành, cũng được tiêu thụ với số lượng lớn trong dịp Tết Nguyên đán. Các nhà vườn đang tập trung bón phân cho lan ra hoa kịp Tết. Phục vụ Tết năm nay, nhiều nhà trồng lan tập trung vào lan cắt cành Dendrobium, còn được gọi ngắn gọn là Dendro, là giống (chi) Lan phổ biến, đa dạng về màu sắc và loài.
Phục vụ Tết năm nay, nhiều nhà trồng lan tập trung vào lan cắt cành Dendrobium, còn được gọi ngắn gọn là Dendro, là giống (chi) Lan phổ biến, đa dạng về màu sắc và loài.
Theo anh Lê Văn Thắng, nhà vườn chuyên trồng lan Hạnh Phúc (Củ Chi), khách hàng chơi Lan hiện thích các dòng Dendro nắng, đặc biệt thích các dòng Nắng xưa; ví dụ như Bà Liễu xưa, Pensoda xưa. Các dòng Nắng Lai không còn chuộng nữa.
“5, 6 năm về trước Lan Dendro đột biến rất được giá như bây giờ không còn nóng nữa. Tuy nhiên, nếu Vườn Lan chuyên cung cấp sản phẩm là Hoa Lan cắt cành, trồng Dendro nắng sẽ không hiệu quả. Lúc đó trồng Dendro màu như Sonia, Happy Pink, Sonia White,… là tốt nhất. Hoặc giả như khách hàng mục tiêu là người bán Lan Online, họ hay tập trung vào các dòng Dendro nắng. Dựa vào nhu cầu khách hàng là người bán lan mà quyết định nên trồng loại Dendro nào nhiều hơn,” anh Thắng cho biết.
TPHCM có diện tích trồng hoa phục vụ Tết nguyên đán như diện tích hoa lan ước đạt 375ha còn diện tích sản xuất mai ước đạt 680ha; diện tích sản xuất cây kiểng, bonsai ước đạt 590ha và diện tích sản xuất hoa nền ước đạt 865ha.
Về giá cả, bao nhiêu năm nay Dendro màu giá ổn định không tăng, trung bình là 30,000 đồng/chậu. Dendro nắng, tùy loại giá dao động từ 35,000 đến 40,000 đồng/chậu. Có một số Dendro nắng có giá bán bằng với giá Dendro màu.
Một hộ trồng lan khác ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM, cho biết, hiện ông trồng được 60.000 cây lan Dendrobium. Tết năm nay, ông cung cấp cho thị trường hơn 30.000 cây và thu nhập được chừng 100 triệu đồng; hứa hẹn một mùa tốt đẹp.
Theo TS Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn TP.HCM, hiện ngành nông nghiệp Thành phố có diện tích trồng hoa, cây kiểng đạt 2.510 ha. Trong đó, diện tích trồng hoa phục vụ Tết nguyên đán như diện tích hoa lan ước đạt 375ha còn diện tích sản xuất mai ước đạt 680ha; diện tích sản xuất cây kiểng, bonsai ước đạt 590ha và diện tích sản xuất hoa nền ước đạt 865ha. Giá trị sản xuất hoa, cây kiểng bình quân đạt khoảng 1 tỷ đồng/ha/năm. Bản đồ số hóa vùng trồng hoa kiểng trên địa bàn TP.HCM đã được xây dựng với 2.250 hộ trồng và kinh doanh hoa kiểng. Đây là cơ sở thực tiễn trong công tác quản lý quy hoạch vùng trồng hoa kiểng. |