Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Số ca mắc sởi TP.HCM giảm nhưng không được chủ quan
Số ca mắc sởi tại TP.HCM đang có dấu hiệu giảm rõ rệt, nhiều xã, phường đã đủ điều kiện công bố hết dịch. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo các bệnh viện và người dân không chủ quan, lơ là vì nguy cơ lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế vẫn còn tiềm ẩn.
Ngày 28/3, Đoàn công tác của Bộ Y tế do GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã tới kiểm tra công tác thu dung điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.

Hơn 83 % bệnh nặng do chưa tiêm vắc xin
Báo cáo đoàn kiểm tra, BS.CKII Cao Minh Hiệp - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, năm 2024, bệnh viện điều trị gần 3.400 ca sởi, trong đó có gần 2.400 ca đến từ các tỉnh thành (chiếm 70 %). Riêng trong 3 tháng đầu năm 2025, Bệnh viện Nhi đồng 1 ghi nhận 1.520 ca sởi nhập viện. Trong đó, có 473 ca bệnh của TP.HCM và 1.047 ca bệnh tới từ các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, có tới 40% ca bệnh dưới 9 tháng tuổi và 83% bệnh nhân nặng chưa tiêm đầy đủ vắc xin.
Để đảm bảo công tác thu dung, điều trị bệnh sởi, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã thành lập ban chỉ đạo chống dịch; lên 3 phương án tương ứng với từng tình huống, quy mô dịch, triển khai khu cách ly; phân luồng tiếp nhận bệnh nhân; chuẩn bị sẵn sàng nhân sự, vật tư trang thiết bị, thuốc, dịch truyền…; thành lập các đội cơ động chống dịch 24/24…
Ngoài ra, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng tổ chức tiêm chủng vắc xin sởi cho bệnh nhân trước khi xuất viện, tiêm vắc xin cho nhân viên y tế có tiếp xúc với bệnh nhân sởi… tăng cường công tác tuyên truyền cho phụ huynh và tập huấn cho các nhân viên y tế tại các đơn vị y tế và các tỉnh thành khu vực phía Nam.
"Để công tác phòng chống dịch sởi đạt hiệu quả hơn, bệnh viện kiến nghị tiếp tục tăng cường năng lực tuyến đầu, hạn chế chuyển tuyến, vì các tỉnh hiện nay đều có thể điều trị được bệnh sởi. Ngoài ra, cần tăng cường công tác tiêm chủng vắc xin sởi tại các tỉnh thành", BS.CKII Cao Minh Hiệp nói.

Phân tích nguyên nhân dịch sởi bùng phát, bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) nhận định, do chu kỳ dịch sởi 5 năm xảy ra một lần, cùng với việc gián đoạn kéo dài vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng khiến ca mắc sởi gia tăng từ giữa năm 2024.
Ngay khi phát hiện ca sởi đầu tiên, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành kế hoạch chủ động phòng chống dịch, đánh giá nguy cơ bùng phát dịch và có kế hoạch bảo vệ trẻ nguy cơ cao.
Ngày 27/8/2024, UBND TP.HCM công bố dịch sởi trên địa bàn thành phố. Ngay sau đó, 300.000 liều vaccine phòng sởi được vận chuyển về HCDC, triển khai ngay lập tức Chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ em từ 1-10 tuổi. Sau đó, mở rộng thêm 112 điểm tiêm tại 3 hệ thống tiêm chủng tư nhân. Hiện nay, các phường, xã, quận huyện ở TP.HCM đều đạt chỉ tiêu tiêm chủng đạt trên 99%. Thành phố cũng tiến hành tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi ngay sau khi được Bộ Y tế chấp thuận.
Nhờ sự hiệu quả trong điều trị và phòng chống lây nhiễm, ngày 27/3/2025, 22 phường, xã 22 phường, xã thuộc quận 1, quận 4 và huyện Củ Chi đủ điều kiện để UBND TP.HCM ban hành quyết định công bố hết dịch sởi. Sau khi công bố hết dịch, thành phố tiếp tục các hoạt động giám sát, phát hiện sớm ca nghi sởi trong cộng đồng và trường học để kịp thời xử lý, ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch trở lại.
.jpg)
Hạn chế chuyển tuyến, ngăn lây nhiễm chéo
ThS.BS Võ Hải Sơn – Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) chia sẻ, qua theo dõi, tới nay đã có hơn 52.000 ca sởi, khu vực phía Nam có số ca mắc chiếm phần lớn nhưng những tuần vừa qua số ca mới đã giảm mạnh. Trong khi đó, sau kỳ nghỉ tết năm 2025 thì miền Bắc, Bắc Trung bộ lại đang tiếp tục gia tăng ca mắc.
Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) nhận định: Sự vào cuộc của các cơ quan chính quyền địa phương còn rất hạn chế, các tỉnh còn chủ quan, đăng ký tiêm vaccine còn ít. Thêm nữa, việc tổ chức tiêm chủng gần như chỉ có ngành y tế vào cuộc, các ngành khác không tham gia nhiều, không huy động được người dân đến tiêm chủng. Sự chậm trễ trong quản lý, dẫn đến việc chậm trễ trong công tác chống dịch.
“Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu hoàn thành chiến dịch tiêm bù, tiêm vét trước ngày 31/3. Thông thường, sau tiêm chủng 2 tuần sẽ đạt được miễn dịch, nếu sau ngày này tỉnh nào để xảy ra số ca mắc cao là những địa phương tiêm chủng không tốt. Chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế và Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm của địa phương này” - ThS.BS Võ Hải Sơn nhấn mạnh.

Tại buổi kiểm tra, TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nhận định số ca sởi ở TP.HCM đang đi theo chiều hướng tích cực, ca bệnh đang giảm. Chúng ta thấy được rằng công tác chỉ đạo của lãnh đạo thành phố trong thời gian vừa qua đã giúp tình hình chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, ca bệnh ở các tỉnh đổ về TP.HCM còn rất đông, cho thấy công tác phân tuyến chưa tốt. Ví dụ, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 có 1.000 ca bệnh thì chỉ có 200 ca là xứng đáng nhập viện điều trị tại đây, còn 800 ca là không cần đến.
“Bệnh viện Nhi đồng 1 là cơ sở điều trị chuyên sâu, nhiều chuyên gia đầu ngành, cần điều trị bệnh nặng. Bệnh nhân nhẹ cũng đổ về đây, làm tăng mật độ virus, dễ xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo và không giải quyết được vấn đề. Các bệnh viện tuyến tỉnh hoàn toàn có thể điều trị được bệnh sởi” - Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) bày tỏ.
TS Hà Anh Đức đề nghị ngành y tế TP.HCM cần tiếp tục kiểm soát lây nhiễm chéo trong bệnh viện, tham gia tập huấn phác đồ điều trị sởi mới cho các tỉnh lân cận, đặc biệt là vùng Tây Nguyên. Thời gian tới, ngành y tế và giáo dục cần phối hợp để đưa ra quy định trẻ muốn đến trường cần có hồ sơ tiêm chủng. Những trẻ không có phiếu tiêm chủng sẽ không được vào trường, điều này giúp gắn quyền lợi và trách nhiệm của gia đình với trường học. Kiểm soát được tiêm chủng, giúp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ hơn”.
Sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống
Sau khi nghe báo cáo, Giáo sư Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, việc công bố hết dịch trên 22 phường xã ở TP.HCM là tín hiệu rất vui. Tuy nhiên, sởi có xu hướng gia tăng ở một số tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Tổng số ca sởi trên cả nước là 52.000 trường hợp. Bệnh sởi cũng mắc ở mọi lứa tuổi, ngay từ trẻ sơ sinh, người lớn đến rất nhiều trường hợp trên 70 tuổi. Điều đó cho thấy có khoảng trống trong bao phủ vắc xin do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, đặc biệt là do thời gian tập trung phòng chống dịch Covid-19.

Để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống, thu dung và điều trị bệnh sởi, GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị: Sở Y tế TP.HCM và các bệnh viện trên địa bàn không được chủ quan, lơ là trước bệnh sởi dù ca mắc đang giảm.
TP.HCM đã chuẩn bị tốt công tác ứng phó với dịch bệnh, tuy nhiên cần xây dựng kế hoạch sẵn sàng cho mọi tình huống, không chỉ với bệnh sởi mà cả các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Các bệnh viện cần xây dựng quy trình ứng phó khi phát hiện ca nhiễm hoặc nghi nhiễm từ phân luồng, cách ly điều trị đến kiểm soát nhiễm khuẩn, nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.
Đồng thời, đề nghị Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh, đặc biệt là trong điều trị sởi, tránh tình trạng thiếu thuốc, thiếu phương tiện hỗ trợ.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện tăng cường công tác truyền thông, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội để người dân hiểu rõ hơn về vai trò của tiêm vắc xin phòng sởi và các bệnh truyền nhiễm khác, nhận biết được dấu hiệu bệnh sớm, biết khi nào cần chuyển viện để tránh tình trạng trở nặng.
Cùng với đó, Sở Y tế TP.HCM và Bệnh viện Nhi đồng 1 cần tăng cường tập huấn, đào tạo, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới, đặc biệt là về kỹ năng phát hiện, chẩn đoán và điều trị sởi cũng như các bệnh truyền nhiễm đang lưu hành.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) cùng các đơn vị liên quan hoàn thiện hệ thống thống kê, báo cáo để có số liệu chuẩn, tương đối xác thực tế. Từ đó, hoạch định các chính sách xác với thực tế.
Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị TP.HCM tuyệt đối không chủ quan, tiếp tục và thường xuyên rà soát đối tượng để không bỏ sót các đối tượng nguy cơ mắc bệnh sởi.
