Khoa học

Nhiều đề tài hấp dẫn bị bỏ quên

Hồng Ân 19/08/2023 11:43

Kỳ vọng trở thành "bà đỡ" cho các ý tưởng sáng tạo, Chương trình KH&CN quốc gia đối với doanh nghiệp thời gian qua đã có những tác động, đóng góp tích cực đến công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học trên cả nước, nhưng đồng thời cũng đang tồn tại nhiều hạn chế, điển hình là ở khâu tuyển chọn, kiểm tra, đánh giá các nhiệm vụ, đề tài.

Thực hiện Kế hoạch năm 2023 được Bộ trưởng KH&CN giao cho Cục Công tác phía Nam về việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, ngày 18/8, tại TP.HCM, phòng Quản lý khoa học và đổi mới sáng tạo (Cục Công tác phía Nam) đã tổ chức hội thảo khoa học về đánh giá hiệu quả thực tiễn các phương pháp xét chọn, kiểm tra, đánh giá các nhiệm vụ thuộc chương trình KH&CN quốc gia đối với doanh nghiệp.

pct-nguyen-manh-cuong.jpg
Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại hội thảo.

Tham dự hội thảo gồm có đại diện các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH&CN các tỉnh thành; các tổ chức KH&CN, trung tâm ứng dụng và dịch vụ; các viện, trường, cơ quan giáo dục và nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; các doanh nghiệp ứng dụng KH&CN và các nhà nghiên cứu.

Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Cường cho biết, hội thảo nhằm đánh giá, xem xét, ghi nhận các vấn đề địa phương, doanh nghiệp kiến nghị nhằm đề xuất với Bộ KH&CN đặt hàng các dự án, nhiệm vụ KH&CN thông qua các Chương trình KH&CN quốc gia.

ts-bui-van-quyen.jpg
TS Bùi Văn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hội Sáng chế Việt Nam trao đổi về các vấn đề quản lý chương trình KH&CN cấp quốc gia tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung chia sẻ các nội dung về đánh giá kết quả hiệu quả thực tiễn các phương pháp xét chọn, kiểm tra các nhiệm vụ thuộc Chương trình KH&CN quốc gia đối với doanh nghiệp nhìn từ góc độ quản lý nhà nước tại các tỉnh, thành phía Nam; cũng như hiệu quả ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học từ các Chương trình KH&CN quốc gia tại sản xuất của doanh nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Nhơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng khoa học hành vi (thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), đã chia sẻ quan điểm về khởi nghiệp và hiệu quả tại hội thảo.

Là người đứng đầu các hội đồng đánh giá hàng chục dự án khởi nghiệp và thu hút vốn nhiều năm qua, theo quan sát của TS Nhơn, Việt Nam có một lượng ý tưởng khởi nghiệp đáng kể, phong phú và sáng tạo. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của các dự án khởi nghiệp lại ở mức thấp nhất trong các nhóm quốc gia. Vì vậy, ông nhấn mạnh vấn đề về hiệu quả trong lĩnh vực này. Ông cho rằng, để đánh giá hiệu quả của một đề tài khoa học, cần xem xét công bình cách thức ý tưởng của các bạn trẻ cũng như các dự án nghiên cứu của các nhà khoa học là cuối cùng sẽ được ứng dụng vào doanh nghiệp hoặc xã hội như thế nào.

ts-nguyen-thanh-nhon.jpg
TS Nguyễn Thành Nhơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng khoa học hành vi (thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) chia sẻ ý kiến tại hội thảo.

“Nếu một đề tài không phù hợp với giai đoạn hiện tại của xã hội hoặc công nghiệp hóa, điều đó không có nghĩa là đề tài đó không có giá trị. Tuy nhiên, thực tế là những đề tài này thường bị vứt vào sọt rác hoặc không được tiếp tục phát triển, và ý tưởng của chúng bị triệt tiêu, lãng quên”, TS Nhơn nêu thực trạng lãng phí lớn khi đề cập đến hệ thống tiếp nhận và đánh giá các đề tài hiện nay.

Ông cũng đề cập tới tình hình ở một số xã hội và môi trường nghiên cứu các nước, các đề tài được đề xuất nếu không được đầu tư sẽ được lưu trữ trong thư viện và được sử dụng khi nền khoa học và xã hội thay đổi.

Cuối cùng, TS Nhơn nhấn mạnh rằng hiện nay, khi đánh giá hiệu quả của một đề tài nghiên cứu, thường chỉ tập trung vào giá trị và khả năng giải quyết vấn đề của đề tài đó, mà bỏ qua thông tin về người hoặc nhóm nghiên cứu thực hiện. “Điều này làm mất đi một phần quan trọng trong quá trình đánh giá hiệu quả các đề tài”, TS Nhơn bày tỏ.

Ngoài ra, hội thảo cũng nêu lên các vấn đề về nguồn nhân lực KH&CN phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa thời kỳ kinh tế số; Giải pháp kết nối chặt chẽ giữa các trường đại học với địa phương, doanh nghiệp trong đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng cán bộ trẻ làm công tác khoa học công nghệ.

Đồng thời, hội thảo cũng ghi nhận các khuyến nghị thực hiện Chương trình KH&CN Quốc gia khu vực phía Nam trong thời gian tới như: các vấn đề cần nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong xu hướng toàn cầu, tối ưu hóa thời gian thực hiện và đánh giá hiệu quả các chương trình v.v...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều đề tài hấp dẫn bị bỏ quên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO