Dòng chảy

Nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam: “Báo chí phải tận dụng mọi nguồn lực để phát triển”

HOÀNG NGUYỄN (thực hiện) - Ảnh: Ngọc Hà 21/06/2024 07:32

Báo chí Cách mạng Việt Nam ra đời với dấu mốc lịch sử là tờ Thanh Niên, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số đầu tiên vào ngày 21/6/1925. Đến nay, suốt hơn 99 năm, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, là đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt trong 38 năm đổi mới, báo chí đã phát triển nhanh mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh CMCN 4.0, chuyển đổi số và sự phát triển mạnh của mạng xã hội (MXH) hiện nay, báo chí đã và đang đứng trước những thách thức mới.

Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024), Tạp chí Khoa học phổ thông có dịp phỏng vấn nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam.

2.ong-tran-trong-dung_pho-chu-tich-hoi-nha-bao-viet-nam-2-.jpg
Nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam trả lời phỏng vấn phóng viên Tạp chí Khoa học phổ thông.

Chuyển đổi số là vấn đề sống còn đối với cơ quan báo chí

Với cương vị Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam, ông có thể chia sẻ những hoạt động chính, kết quả đạt được của báo chí phía Nam và TP.HCM trong thời gian qua?

Nhà báo Trần Trọng Dũng: Từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam năm 2021 đến nay, hoạt động của các cấp hội phía Nam và TP.HCM rất sôi nổi, có những chuyển biến rõ rệt. Hội Nhà báo Việt Nam phía Nam đã phối hợp với các địa phương tổ chức rất nhiều hoạt động, các hội thảo, sơ kết chuyên đề… và gần đây nhất là Hội báo Toàn quốc lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM quy tụ hơn 600 cơ quan báo chí tham dự, trong đó phối hợp thực hiện 10 diễn đàn báo chí rất thiết thực, triển lãm giới thiệu các gian hàng báo chí và gian hàng OCOP của các địa phương,… Mới đây nhất, ngày 18/6, chúng tôi phối hợp với TTXVN tổ chức triển lãm tranh của những người làm báo. Đó là một trong số rất nhiều hoạt động sôi nổi của các cấp hội hướng tới kỷ niệm 99 năm và sắp tới là 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam.

3.nha-bao-tran-trong-dung.jpg
Nhà báo Trần Trọng Dũng cùng Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê (bìa trái) xem triển lãm tranh của những người làm báo.

Hướng tới 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, Hội đã và đang có sự chuẩn bị đặc biệt như thế nào?

Hướng tới kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, ngay từ năm 2022, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Hội Nhà báo Việt Nam đã có kế hoạch, ban hành hướng dẫn các tổ chức các cấp Hội Nhà báo hoạt động hướng tới kỷ niệm trọng đại này vào năm 2025. Trong đó, chú trọng những hoạt động chính là tuyên truyền, giáo dục để các Hội viên nhà báo hiểu được lịch sử 100 năm nền báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, những thành tựu của báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời hun đúc cho những người làm báo lòng yêu nghề, nuôi được “lửa nghề” vì mục đích cao cả. Ngay từ ngày đầu sáng lập tờ báo Thanh Niên, Bác Hồ đã nói “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Ở TP.HCM, chúng tôi sẽ tổ chức những tọa đàm, hội thảo kỷ niệm về quá trình xây dựng và phát triển của báo chí Việt Nam nói chung và báo chí TP.HCM qua 50 năm giải phóng; tổ chức các hoạt động về nguồn cho các hội viên nhà báo về “địa chỉ đỏ” như khu di tích tại Tây Ninh, Thông Tấn Xã giải phóng, Đài Phát thanh Giải phóng tại Tây Ninh; giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa những thế hệ những người làm báo,…

Là người gắn bó với báo chí Việt Nam lâu năm ở nhiều cương vị, ông đánh giá vai trò và vị thế của các tạp chí trong làng báo chí hiện nay như thế nào?

Có thể nói, tạp chí giữ vai trò rất quan trọng. Bản thân tạp chí là chuyên ngành, thể hiện quan điểm và những nghiên cứu, đánh giá về ngành. Thông thường, người ta nghĩ đến tạp chí khoa học chuyên ngành, tạp chí lý luận nghiệp vụ của các tổ chức, các trường đại học, học viện,… Bản chất của tạp chí là chuyên sâu, thể hiện những bài phân tích sâu về những vấn đề. Khác với báo (báo tập trung một phần về tin tức, thời sự), tạp chí đi sâu, phân tích, phản biện những nghiên cứu khoa học, phục vụ chuyên ngành. Với vai trò quan trọng, tạp chí không thể tách rời khỏi nền báo chí.

Việt Nam và đặc biệt TP.HCM đang phát động việc chuyển đổi số. Theo ông, báo chí nên thực hiện chuyển đổi số ra sao?

Ở tầm quốc gia, Chính phủ đã có chiến lược chuyển đổi số quốc gia; Bộ TT&TT cũng có chiến lược chuyển đổi số báo chí; TP.HCM cũng có một chiến lược chuyển đổi số và ở lĩnh vực chuyển đổi số báo chí thì giao cho Sở TT&TT tham mưu và cũng đã có kế hoạch. Cho nên, chuyển đổi số là vấn đề sống còn đối với cơ quan báo chí trong điều kiện báo in đang giảm sút và thay đổi tiếp cận thông tin của người đọc phải khác với cách truyền thống. Điều đó đòi hỏi các tòa soạn phải đẩy nhanh chuyển đổi số và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phương pháp làm báo hiện đại. Hiện nay các cơ quan báo chí TP.HCM, tùy theo điều kiện của từng báo, đang đẩy mạnh tiến tới đạt được yêu cầu của Bộ TT&TT về chuyển đổi số đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Nhà báo cần coi MXH như một tư liệu nhưng phải có “cái đầu lạnh”

Trong kỷ nguyên CMCN 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của MXH, theo ông, điều đó có tác động gì đến báo chí?

Câu hỏi của bạn rất hay! Trong nhiều diễn đàn, người ta cũng đã đặt ra vấn đề vậy báo chí phát triển như thế nào trong điều kiện phát triển của MXH và Hội Nhà báo Việt Nam cũng tổ chức các diễn đàn để trao đổi về vấn đề này. Tựu chung lại, MXH là thành tựu của con người trên lĩnh vực truyền thông xã hội. Mặt tích cực của MXH là phản ánh rất nhanh vấn đề của xã hội, mọi ngóc ngách, hàng triệu tác giả có thể ghi nhận vấn đề và tham gia phản biện.

Vậy thì vị trí của báo chí là nắm bắt thông tin từ nền tảng MXH và chuyển tải nó như là một nguồn tư liệu cho các cơ quan báo chí chính thống. Báo chí có thể chậm hơn MXH nhưng chắc chắn người ta cần đến báo chí về khả năng nhìn nhận vấn đề, bản chất sự vật đó và quan điểm của tờ báo như thế nào. Cho nên, nhà báo cần coi MXH như một tư liệu để phục vụ cho công việc của mình nhưng phải có “cái đầu lạnh” của người làm báo để không chạy theo MXH mà quên đi mất chức năng của người làm báo là phải kiểm tra lại những thông tin của mình cho đúng, khách quan, đúng bản chất của vấn đề, phục vụ cho sự phát triển của đất nước và người dân. Đó mới là quan trọng.

Vậy theo ông, MXH đang cạnh tranh hay phát triển song hành với báo chí?

Tôi cho rằng theo cả 2 hướng! MXH phát triển song hành với báo chí và cũng cạnh tranh bởi MXH gây áp lực cho các nhà báo. Trước sự vật, hiện tượng nếu nhà báo không vào cuộc ngay thì sẽ bất lợi so với mạng xã hội, vì nguyên tắc những thông tin đầu tiên đến người dân thì họ sẽ nhớ rất lâu và nếu thông tin đó không phản ánh đúng sự thật thì nó rất là tai hại. Vì vậy, sự cạnh tranh đó là áp lực thông tin, đồng thời, tôi nghĩ báo chí cũng không vì vậy mà tàn lụi bởi người dân vẫn cần ở báo chí chính thống với những nhà báo chuyên nghiệp có những góc nhìn uy tín đối với xã hội.

Khi công nghệ AI, như ChatGPT phát triển gần đây, đã có nhiều lo ngại cạnh tranh với báo chí. Ông nhìn nhận và đánh giá thời cơ và nguy cơ thế nào?

Tại Hội Báo toàn quốc vừa qua, nhiều diễn giả, kể cả diễn giả nước ngoài cũng khẳng định các phương tiện kể cả trí tuệ nhân tạo cũng không thể thay thế được yếu tố con người. Lý do đơn giản là các tác phẩm báo chí đi vào người đọc là phải có nét độc đáo, mang lao động, góc nhìn và tư duy của nhà báo kết tinh trong đó mà không có máy móc nào thay thế được.

Về mặt dữ liệu, AI nói chung và ChatGPT có thể phân tích và tổng hợp dữ liệu big data nhưng không thể thay thế được nhà báo nếu không dấn thân vào hiện trường, không gặp các nhân chứng,… thì không thể nào ra được bài báo lay động lòng người. Tuy nhiên, nhà báo chỉ làm như thế là lạc hậu bởi không thể làm nhanh được. Hiện nay, các tòa soạn đang hướng tới mô hình tòa soạn số (chứ không phải là tòa soạn hội tụ) và một tác phẩm báo chí mang tính tập thể.

Ví dụ, một phóng viên tiếp cận hiện trường thì ngay khi đó tại tòa soạn số, người ta đã chuẩn bị một đội ngũ khai thác dữ liệu, như một đám cháy ở một quận/huyện thì tòa soạn đã chuẩn bị dữ liệu các Box là có bao nhiêu vụ cháy xảy ra tại đó trong năm, nguyên nhân là gì,… và khi thông tin phóng viên chuyển về thì tòa soạn trình bày ngay theo phong cách hiện đại, chứ không chỉ là thông tin thô. Như vậy, bài viết của phóng viên được đưa ra bao gồm hàm lượng tri thức rất nhiều, không chỉ là thông tin của phóng viên mà còn tổng hợp nhiều thông tin trong đó.

Như vậy, trong bối cảnh mới, nhà báo hiện đại cần phải có năng lực gì?

Nhà báo, phóng viên ngoài khả năng làm báo như truyền thống, có tinh thần và cách viết thì còn phải có khả năng về công nghệ: phải biết quay video clip, biết sử dụng phần mềm biên tập, phần mềm chuyển ghi âm sang văn bản, các kỹ thuật để làm bài Longform, đồ họa,…

4.-nha-bao-tac-nghiep-tai-trien-lam-tranh-99.jpg
Các nhà báo tham gia tác nghiệp tại Triển lãm tranh "99" tại TP.HCM ngày 18/6.

Trong bối cảnh nhiều áp lực cạnh tranh và nguồn thu từ quảng cáo truyền thông giảm dần, kinh tế báo chí là vấn đề được đưa ra bàn nhiều trong vài năm gần đây; ông có lời khuyên nào để các báo, đặc biệt là tạp chí "sống khỏe"?

Báo chí phải tận dụng mọi nguồn lực để phát triển. Trước hết là nguồn lực của chính tờ báo: phải năng động, sáng tạo, sản xuất ra các nội dung trên nền tảng số thu hút độc giả. Tờ báo có nội dung tốt, thiết thực, chuyển tải nhanh với hình thức phong phú, hiện đại thì chắc chắn sẽ hấp dẫn và thu hút được doanh nghiệp quảng cáo. Cơ quan báo cũng phải tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng, những vấn đề người dân quan tâm thì doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành, tham gia phản biện xã hội.

Tuy nhiên, nếu để các cơ quan báo chí “tự bơi” thì cũng rất là khó. Vì vậy, nguồn lực thứ hai là đặt hàng các cơ quan báo chí. Chính phủ đã ban hành quy định đặt hàng truyền thông chính sách với các cơ quan báo chí và TP.HCM đã triển khai tích cực trên tinh thần Nghị quyết 98, đã xây dựng định mức kỹ thuật làm cơ sở cho việc đặt hàng báo chí. Nguồn lực thứ ba là huy động xã hội hóa từ các đơn vị, doanh nghiệp. Từ những nguồn lực đó, chúng ta có thể giải quyết vấn đề kinh tế báo chí một cách căn bản.

Xin cảm ơn những chia sẻ của nhà báo Trần Trọng Dũng!

Theo thống kê, cả nước hiện có 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan Đài Phát thanh - Truyền hình thu hút 41.000 người, trong đó 20.508 người được cấp thẻ nhà báo (2021 - 2025), 7.587 nhà báo tốt nghiệp đại học trở lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam: “Báo chí phải tận dụng mọi nguồn lực để phát triển”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO