Y học

Ngủ ngáy có phải luôn là ngủ ngon và tốt cho sức khỏe?

28/03/2025 - 17:41

Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA - Obstructive Sleep Apnea) là một rối loạn giấc ngủ thường gặp, xảy ra khi đường hô hấp trên bị tắc nghẽn trong lúc ngủ. Điều này làm người bệnh ngừng thở hoặc thở yếu đi trong vài giây đến vài phút, gây gián đoạn giấc ngủ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

ngungay.jpeg

Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ thường gặp ở người thừa cân, béo phì, phì đại amidan, có tật hàm nhỏ, hoặc nghiện rượu.

Các biểu hiện điển hình của ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ là gì?

Có nhiều dấu hiệu gợi ý bạn có thể mắc chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ. Thông thường, người bệnh có thể không nhận ra mình bị OSA, nhưng những triệu chứng của OSA thường dễ được nhận biết bởi vợ/chồng, thành viên khác trong gia đình hoặc bạn bè thân thiết. Các biểu hiện chính của OSA là:

  • Sáng sớm: Đau đầu, khô miệng, đau họng.
  • Khi ngủ: Ngủ ngáy, có ngừng thở hoặc ngạt thở (thường người xung quanh phát hiện ngáy không đều, có khoảng ngưng).
  • Ban ngày: Uể oải, buồn ngủ nhiều dù đã ngủ đủ giấc, giảm tập trung và trí nhớ.
  • Tâm trạng: Cáu gắt, dễ trầm cảm.
  • Sức khỏe: Giảm hứng thú tình dục, thậm chí rối loạn chức năng sinh lý.

Biến chứng của ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ ra sao?

Nếu không điều trị, ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA) có thể dẫn đến:

  • Bệnh tim mạch: Nguy cơ cao bị tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, rối loạn nhịp tim.
  • Đái tháo đường: Nguy cơ cao bị đái tháo đường type 2 và kiểm soát đường huyết khó khăn.
  • Trầm cảm: Rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm trạng.
  • Tai nạn: Buồn ngủ ban ngày dễ gây tai nạn giao thông hoặc tai nạn sinh hoạt.

Làm gì để chẩn đoán ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ?

Do khó tự phát hiện, người thân nên theo dõi và hỗ trợ nhận biết sớm. Khi có triệu chứng nghi ngờ OSA, hãy đi khám chuyên khoa về y học giấc ngủ. Bác sĩ sẽ giúp bạn xác định liệu bạn có cần thực hiện thăm dò giấc ngủ không.

OSA được chẩn đoán thông qua một tets thăm dò giấc ngủ, gọi là đa ký giấc ngủ (polysomnography) hoặc đa ký hô hấp (polygraphy). Khảo sát về giấc ngủ thường được thực hiện tại một cơ sở y tế có Đơn vị Y học giấc ngủ. Tùy điều kiện phù hợp bạn sẽ được lên lịch để ngủ qua đêm tại cơ sở y tế hoặc tại nhà. Trong suốt thời gian khảo sát giấc ngủ, các thông số như nhịp thở, nhịp tim và mức oxy trong cơ thể của bạn sẽ được theo dõi.

Điều trị ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ như thế nào ?

Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ có thể được điều trị hiệu quả bằng nhiều phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng này.

Nếu OSA của bạn do thừa cân, việc giảm cân có thể giúp tình trạng ngưng thở biến mất hoàn toàn. Rượu có thể ức chế hô hấp và làm OSA nặng hơn, bạn nên tránh uống rượu ít nhất 4 giờ trước khi đi ngủ. Chứng ngưng thở thường trầm trọng hơn khi người bệnh nằm ngửa. Nếu bạn có thói quen ngủ ngửa, hãy sử dụng gối hoặc các cách khác để buộc mình ngủ nghiêng. Một số người thậm chí khâu một quả bóng tennis vào mặt sau áo ngủ để nhắc nhở bản thân không nằm ngửa khi ngủ.

Một phương pháp phổ biến để điều trị OSA là máy thở áp lực dương hay còn gọi là CPAP (Continuous Positive Airway Pressure). CPAP hoạt động như một máy nén, thổi khí qua một mặt nạ đặt khít vào mũi và/hoặc miệng trong suốt giấc ngủ. Luồng không khí này hoạt động như một nẹp khí, giúp giữ cho đường thở trên không bị xẹp, ngăn ngừa tình trạng tắc nghẽn và ngưng thở. Áp suất khí được điều chỉnh phù hợp để kiểm soát tình trạng ngưng thở tối ưu. Thông thường, người sử dụng CPAP nhận thấy giảm ngáy đáng kể.

Ngoài CPAP, còn có các thiết bị khác có thể hiệu quả đối với một số người. Một số trường hợp có thể cần phẫu thuật để điều trị OSA, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Một số thiết bị nha khoa (dụng cụ đeo trong miệng khi ngủ) có thể giúp giữ đường thở thông thoáng. Phần lớn các thiết bị này hoạt động bằng cách đẩy hàm ra phía trước hoặc ngăn lưỡi chặn vào đường thở. Các thiết bị nha khoa thường thích hợp với những người bị OSA mức độ nhẹ và không thừa cân. Những thiết bị này thường được chế tạo riêng và điều chỉnh dưới sự giám sát của nha sĩ chuyên môn hoặc bác sĩ phẫu thuật răng hàm mặt.

Khi nguyên nhân là amidan hoặc VA (vòm họng) gây tắc nghẽn đường thở, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật loại bỏ amidan hoặc nạo VA. Phẫu thuật cũng có thể hữu ích đối với những người có vấn đề về hàm mặt. Cần phối hợp đa chuyên khoa trong điều trị nguyên nhân tùy thuộc vào từng bệnh cảnh cụ thể.

BS.CKII Trần Văn Sóng - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện trao quyết định cho TS.BS. Nguyễn Ngọc Phương Thư - Trưởng đơn vị.

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Nhằm đáp ứng nhu cầu chẩn đoán và điều trị các rối loạn giấc ngủ ngày càng gia tăng trong cuộc sống hiện đại, Bệnh viện Nhân dân 115 đã thành lập đơn vị giấc ngủ với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa như Tim mạch, Hô hấp, Thần kinh, Tai Mũi Họng, Nội tiết… Đơn vị cung cấp các dịch vụ tư vấn, khám và điều trị các vấn đề như mất ngủ, ngưng thở khi ngủ, các bệnh lý đi kèm, rối loạn nhịp sinh học,… với nhiều trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên môn tận tâm.

BS.CKII Thượng Thanh Phương - Trưởng khoa Tim mạch tổng quát,

TS.BS. Nguyễn Ngọc Phương Thư - Trưởng Đơn vị Y học giấc ngủ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngủ ngáy có phải luôn là ngủ ngon và tốt cho sức khỏe?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO