Nghiên cứu khai thác dược liệu từ hải miên để diệt tế bào ung thư

NHƯ HOA| 01/04/2016 10:20

Nghiên cứu khai thác dược liệu từ hải miên ở vùng biển Việt Nam theo định hướng hoạt tính diệt tế bào ung thư là đề tài nghiên cứu khoa học do PGS.TS. Phan Văn Kiệm, Viện hóa sinh biển thực hiện, lần đầu tiên nghiên cứu về thành phần hóa học và hoạt tính gây độc tế bào trên 8 dòng tế bào ung thư của 9 loài hải miên Dysidea fragilis, Biemna megalosigma, Haliclona varia, H. oculata, H. cinerea, Tethya aurantium, Neamphius huxleyi, Acanthella obtusa và Gelliodes fibulata của Việt Nam; trong đó có 5 loài lần đầu tiên được nghiên cứu trên thế giới.

Nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Phan Văn Kiệm đã phối hợp tổ chức 6 đợt thu mẫu tại vùng đảo của Hải Phòng và Quảng Ninh, thu được 73 mẫu hải miên; đã tạo 50 dịch chiết methanol và sàng lọc hoạt tính gây độc tế bào của 50 mẫu dịch chiết để làm cơ sở lựa chọn 10 mẫu hải miên có hoạt tính tốt. Tiến hành nghiên cứu thành phần và xác định cấu trúc hóa học của 10 mẫu hải miên; phân lập và xác định được cấu trúc hóa học của 97 hợp chất từ 10 mẫu trên, trong đó có 14 hợp chất mới. Đánh giá hoạt tính gây độc tế bào của các chất phân lập được trên 8 dòng tế bào ung thư vú, ung thư biểu mô, ung thư phổi, ung thư da, tuyến tiền liệt và ung thư gan. Các hợp chất DF13, DF14, IE11, IE12, IE13 và HV2 có thể hiện hoạt tính gây độc tế bào mạnh trên các dòng tế bào thử nghiệm.

Kết quả nghiên cứu đã lựa chọn được hoạt chất IE11 để xây dựng quy trình phân lập lượng lớn, cũng như lựa chọn 2 loài hải miên Ircinia echinata và Haliclona varia làm đối tượng nghiên cứu tạo phân đoạn để nghiên cứu độc tính cấp, độc tính bán trường diễn và khả năng kháng u in vivio.

Kết quả nghiên cứu độc tính cấp đã xác định được liều độc cấp cần biết. Kết quả nghiên cứu độc tính bán trường diễn cho thấy cả HC1, PĐ1 và PĐ2 đều an toàn ở các mức liều sử dụng trong thời gian 60 ngày. Kết quả nghiên cứu khả năng kháng u in vivo cho thấy hoạt chất HC1 có khả năng giảm sự phát triển của khối u, tuy nhiên hoạt chất HC1 không tăng được thời gian sống và ngăn được sự di căn của tế bào ung thư đến các cơ quan nội tạng. Phân đoạn PĐ2 tuy không thể hiện rõ sự ức chế phát triển của khối u, tuy nhiên PĐ2 đã phần nào tăng được thời gian sống; cải thiện được phần nào chức năng tạo huyết và điều hòa miễn dịch cũng như đã thể hiện được khả năng ức chế sự di căn của tế bào ung thư đến các cơ quan nội tạng ở mức liều 200 mg/kgP. Phân đoạn PĐ1 đã thể hiện rõ khả năng ức chế sự phát triển của khối u với thể tích giảm là 38,98% và 64,30% ở các mức liều tương ứng 100 mg/kgP và 200 mg/kgP sau 30 ngày. Bên cạnh đó, PĐ1 còn có thể kéo dài thời gian sống của chuột; cải thiện được phần nào chức năng tạo huyết và điều hòa miễn dịch cũng như đã thể hiện được khả năng ức chế tốt sự di căn của tế bào ung thư đến các cơ quan nội tạng.

Nghiên cứu này đã phần nào cho thấy mức độ đa dạng sinh học và tiềm năng khai thác của dược liệu biển hải miên; trên 20 loài lần đầu tiên được thông báo ở Việt Nam; đã đóng góp thêm được 14 hợp chất mới cho cơ sở dữ liệu về nguồn dược liệu hải miên; lần đầu nghiên cứu phân lập lượng lớn cũng như đã nghiên cứu được độc tính cấp, độc tính bán trường diễn và khả năng kháng u in vivo của hoạt chất HC1 (IE11) và 2 phân đoạn PĐ1, PĐ2.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu khai thác dược liệu từ hải miên để diệt tế bào ung thư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO