Đời sống

Festival cà phê Buôn Ma Thuột 2025: Nâng cao vị thế ngành cà phê Việt Nam

Tuyết Vân 12/02/2025 - 21:29

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột (Buon Ma Thuot Coffee Festival 2025) lần thứ 9 năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 9 – 13/3 với chủ đề “Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới”.

Buôn Ma Thuột được mệnh danh là “thủ phủ Cà phê của Việt Nam", có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước, với khoảng 210.000 ha, sản lượng thu hoạch hằng năm đạt hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc. Cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

hopbaocaphe.jpg
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng ban tổ chức lễ hội.

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết, lễ hội được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột và một số địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đây là sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 - 10/3/2025). Đây cũng là sự kiện quan trọng, góp phần quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, xây dựng hình ảnh thành phố Buôn Ma Thuột là "Thành phố cà phê của thế giới"; góp phần nâng cao vị thế ngành cà phê Việt Nam trên trường quốc tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của tỉnh Đắk Lắk.
Festival cà phê Buôn Ma Thuột 2025 là sự kiện tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê; giới thiệu tiềm năng du lịch, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực cà phê và các sản phẩm nông nghiệp. Qua đó giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” - kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

le-hoi-cf-7.jpg

Theo Trưởng ban tổ chức Lễ hội, số liệu thống kê mới nhất vào đầu năm 2025, trong niên vụ vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,46 triệu tấn cà phê với giá trị trên 5,4 tỷ USD. Đây là kim ngạch xuất khẩu trong một niên vụ cà phê cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam, xếp thứ 10 trong các ngành hàng xuất khẩu lớn nhất về nông sản. Riêng tỉnh Đắk Lắk, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt khoảng 1,7 tỷ USD, trong đó mặt hàng cà phê chiếm hơn 1,2 tỷ USD.
Qua 8 lần tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành một sự kiện nổi bật của ngành cà phê Việt Nam, có ảnh hưởng lớn và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân, du khách trong nước và quốc tế.

le-hoi-cffe-8.jpg

Theo ban tổ chức, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 sẽ có 15 hoạt động được tổ chức gồm: Lễ khai mạc, bế mạc; Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP; Hội nghị giao thương quốc tế; Lễ hội đường phố; Cuộc thi rang xay cà phê đặc sản; Hội thi Nhà nông đua tài; Lễ hội ánh sáng; Khởi công nhà báo cà phê năng lượng Trung Nguyên Legend…
Song song với các hoạt động giao thương và tôn vinh cà phê, lễ hội còn có các hoạt động thu hút đông du khách như: Hội trại cà phê; Uống cà phê miễn phí; Hội đua thuyền độc mộc huyện Lắk; Lễ hội Voi buôn Đôn...

le-hoi-cafe-3.jpg
Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, Ủy viên Ban tổ chức lễ hội.

Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, Ủy viên Ban tổ chức lễ hội cho biết, điểm nhấn văn hóa du lịch thu hút tại Festival cà phê Buôn Ma Thuột 2025 là Lễ hội Voi bao gồm các hoạt động: Lễ cúng bến nước; Lễ cúng sức khỏe cho voi trước khi vào hội; Lễ cúng tắm voi; Lễ hội trang điểm cho voi (du khách có thể chụp hình với voi); Tiệc buffe của Voi... Lễ hội không có đua voi, cưỡi voi, các hoạt động thiên về các nghi thức tôn vinh voi, đảm bảo các cam kết với tổ chức động vật hoang dã.
Lần thứ 3 đảm nhiệm vai trò Đại sứ truyền thông trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Hoa hậu H'Hen Niê - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, top 5 Miss Universe 2018, cũng là người con của quê hương Đắk Lắk chia sẻ niềm xúc động, hạnh phúc và tự hào.

le-hoi-cafe-4.jpg
Hoa hậu H'Hen Niê - Đại sứ truyền thông trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột.

“H'Hen mong muốn mọi người sẽ biết đến quê hương Đắk Lắk, những con người Ê Đê hay văn hóa ẩm thực của Tây Nguyên nhiều hơn. Mỗi chuyến bay, mỗi bước chân quý vị đến với Tây Nguyên, với Đắk Lắk là sự giúp đỡ cho bà con địa phương rất nhiều”, Hoa hậu H'Hen Niê nói.

ba-phu-minh.jpg
Bà Phú Minh, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Tập đoàn Quốc tế Mỹ Việt.

Chia sẻ về xu hướng thay đổi trong phương thức chế biến cà phê hiện nay, bà Phú Minh, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Tập đoàn Quốc tế Mỹ Việt – đơn vị đầu tư nhà máy chế biến cà phê hòa tan tại Khu công nghiệp Hòa Phú, Buôn Ma Thuột – cho biết, trước đây, người tiêu dùng chủ yếu sử dụng cà phê rang xay truyền thống (pha máy hoặc pha phin). Tuy nhiên, với nhịp sống ngày càng hối hả, cà phê hòa tan đang trở nên phổ biến nhờ tính tiện lợi, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ chế biến. Nắm bắt xu hướng này, Mỹ Việt đã mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại, trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực chế biến sâu cà phê.

Hiện nay, thị trường chủ yếu sử dụng hai công nghệ chế biến tinh cà phê: sấy phun và sấy lạnh. Trong đó, sấy phun phổ biến nhờ chi phí thấp và quy trình sản xuất nhanh. Tuy nhiên, phương pháp này sử dụng nhiệt độ cao, có thể làm mất đi một phần hương vị tự nhiên và các hợp chất có lợi trong hạt cà phê. Ngược lại, công nghệ sấy lạnh dù đòi hỏi mức đầu tư cao hơn nhưng lại giúp bảo toàn gần như nguyên vẹn hương thơm, vị đậm đà và các dưỡng chất quan trọng. Nhờ vậy, cà phê sấy lạnh không chỉ mang đến trải nghiệm thưởng thức tương tự cà phê nguyên chất mà còn giữ lại các thành phần có lợi cho sức khỏe, điển hình là axit chlorogenic (CGA) – hợp chất được biết đến với nhiều lợi ích như hỗ trợ cải thiện hệ tim mạch, ổn định huyết áp và tăng cường chức năng não bộ. Đây cũng chính là xu hướng tiêu dùng của “thế hệ mới” – khi cà phê không chỉ đơn thuần là một thức uống yêu thích mà còn được xem như một sản phẩm có lợi cho sức khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Festival cà phê Buôn Ma Thuột 2025: Nâng cao vị thế ngành cà phê Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO