Y học

Một cuộc đời thầy thuốc bình dị mà vô cùng cao quý

Công Chương 21/12/2024 17:48

Nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724–2024), Trường Đại học Văn Lang tổ chức hội thảo với chủ đề “Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – Con người và Di sản”.

Hội thảo là cơ hội để nhìn nhận lại di sản y học của Hải Thượng Lãn Ông và thảo luận về những ứng dụng của các giá trị truyền thống trong bối cảnh y học hiện đại. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học, học giả trong và ngoài nước kết nối, chia sẻ kiến thức và nghiên cứu, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của y học cổ truyền Việt Nam.

vlu-hai-thuong-lan-ong-1a.jpg
PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, phát biểu.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang (VLU), nhấn mạnh: “Sự kiện này không chỉ là dịp để tôn vinh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - một trong những nhân vật vĩ đại của nền y học cổ truyền Việt Nam mà còn là cơ hội để các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên và những người quan tâm đến lĩnh vực y học cổ truyền cùng trao đổi học thuật và chia sẻ những quan điểm, nghiên cứu mới về cuộc đời và di sản của ông”.

Hải Thượng Lãn Ông - Biểu tượng của Y học Cổ truyền Việt Nam

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một biểu tượng lớn trong lịch sử y học cổ truyền Việt Nam, không chỉ nổi bật với triết lý "y đạo" mà còn với những công trình nghiên cứu và phương pháp điều trị độc đáo, có ảnh hưởng sâu rộng đến nền y học dân tộc. Ông là người đầu tiên hệ thống hóa các nguyên lý y học và y đức, coi trọng trách nhiệm của người thầy thuốc đối với sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân, đồng thời đề cao đạo đức nghề nghiệp và lòng tận tụy vì cộng đồng.

vlu-hai-thuong-lan-ong-3a.jpg
Các đại biểu chụp hình lưu niệm.

Các tác phẩm của ông, đặc biệt là “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh”, tiếp tục là tài liệu nghiên cứu quan trọng cho các thế hệ thầy thuốc và những người đam mê y học cổ truyền. Cuộc đời và sự nghiệp của Lê Hữu Trác không chỉ là những đóng góp to lớn cho y học mà còn phản ánh các giá trị nhân văn sâu sắc, làm nền tảng vững chắc cho y học Việt Nam phát triển.

Hội thảo “Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – Con người và Di sản” đã quy tụ nhiều diễn giả uy tín trong lĩnh vực y học cổ truyền và khoa học xã hội. Các chuyên gia như PGS.TS Y dược học. Lương y Phùng Hòa Bình, PGS.TS Nguyễn Thị Bay, BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, TS Phạm Đào Thịnh và TS Huỳnh Bá Lộc đã chia sẻ những nghiên cứu sâu sắc về cuộc đời và tư tưởng y học của Hải Thượng Lãn Ông.

Hội thảo được chia thành hai phiên chính. Phiên 1: Tập trung vào giới thiệu và phân tích cuộc đời, tư tưởng, cùng các đóng góp quan trọng của Hải Thượng Lãn Ông đối với y học cổ truyền Việt Nam. Các nguyên lý y đạo, y thuật và y đức, cùng những phương pháp y học độc đáo mà ông đã phát triển, được nhấn mạnh trong các bài trình bày.

Phiên 2: Dưới hình thức tọa đàm, các chuyên gia sẽ trao đổi về việc kế thừa và ứng dụng di sản y học của Hải Thượng Lãn Ông trong bối cảnh y học hiện đại. Hội thảo sẽ khám phá các phương pháp điều trị, cũng như tiềm năng áp dụng các nguyên lý của ông vào thực tiễn, nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Di sản Y học của Hải Thượng Lãn Ông

Theo các nhà khoa học, Hải Thượng Lãn Ông là người đã xây dựng một hệ thống y học với các nguyên lý y lý, y thuật và y đức vững chắc, kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn điều trị. Ông đặc biệt coi trọng việc bảo vệ và nâng cao chính khí của con người, với quan niệm rằng việc bảo vệ sức khỏe không chỉ dựa vào thuốc mà còn vào việc duy trì và nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất.

vlu-hai-thuong-lan-ong-2a.jpg
PGS.TS Nguyễn Thị Bay - Chủ tịch Liên Chi hội Đông - Tây Y kết hợp TP.HCM, phát biểu.

Trong tham luận của mình, PGS.TS Nguyễn Thị Bay - Chủ tịch Liên Chi hội Đông - Tây Y kết hợp TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo Khoa YHCT, Đại học Y Dược TP.HCM, Cố vấn Ban Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng, trong tác phẩm "Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh", Hải Thượng Lãn Ông đã đề cập đến các phương pháp điều trị quan trọng như Huyền Tẫn Phát Vi và Khôn Hóa Thái Chân. Ông cũng là người sử dụng phương pháp tòng trị (chữa bệnh theo cơ chế tự nhiên của cơ thể) nhiều hơn là chính trị (chữa bệnh bằng thuốc đối kháng), với mục tiêu bảo tồn chính khí và giải quyết tận gốc nguyên nhân gây bệnh.

Hải Thượng Lãn Ông không chỉ là một thầy thuốc tài năng mà còn là tấm gương về y đức. Ông đề cao đạo đức nghề nghiệp và luôn chú trọng đến sự tận tâm, trách nhiệm với bệnh nhân.

PGS.TS Nguyễn Thị Bay điểm lại một số quan điểm y đức quan trọng mà Hải Thượng Lãn Ông để lại cho hậu thế, gồm:

• Người học Đông y cần phải hiểu thấu lý luận đạo Nho và luôn nghiên cứu các sách y cổ xưa để cải tiến phương pháp chữa bệnh.

• Khi thăm bệnh, không phân biệt giàu nghèo, mà luôn đến kịp thời, dù là bệnh nhân nào.

• Khi thăm bệnh cho phụ nữ, phải có sự hiện diện của người nhà để đảm bảo tính đứng đắn và tôn trọng.

• Thầy thuốc phải luôn chuẩn bị tốt thuốc men, tôn trọng kinh điển và không thử nghiệm phương thuốc bừa bãi.

• Phải coi nghề y là một nghề cao quý, không cầu mong quà cáp hay lợi ích cá nhân.

• Đặc biệt, phải chăm sóc người bệnh nghèo khó, mồ côi, góa bụa với tấm lòng nhân ái, đúng nghĩa là “nhân thuật”.

vlu-hai-thuong-lan-ong-5.jpg
Các diễn giả, nhà khoa học chia sẻ tại hội thảo.

Đồng quan điểm, TS Huỳnh Bá Lộc - giảng viên Khoa Khoa học cơ bản Trường Đại học Văn Lang, cho rằng, con đường nghề y của Lương y Lê Hữu Trác là một quá trình nỗ lực của ông, đồng thời con đường ấy là quá trình tạo nên một y tôn của y học cổ truyền Việt Nam. Y đức của Lê Hữu Trác không chỉ thể hiện qua cách ngôn mà còn qua chính con đường nghề thuốc của ông. Xem nghề thầy thuốc là một nghề khó, nhưng ta có thể nói Lê Hữu Trác là người thầy thuốc: “dám cải tử hoàn sinh”.

TS Huỳnh Bá Lộc kết luận: “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã có một cuộc đời thầy thuốc bình dị mà vô cùng cao quý. Ông muốn cắm được cờ đỏ trong y trường. Và kết quả là ông không chỉ cắm cờ đỏ trong y trường, ông còn cắm trong trường văn hoá, tư tưởng của dân tộc. Vũ Xuân Hiên đã đánh giá không quá lời: “tiên sinh là một người duy nhất của nước Nam ta” khi viết Lời dẫn về nguồn gốc sách Tâm lĩnh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một cuộc đời thầy thuốc bình dị mà vô cùng cao quý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO