Dòng chảy

Mong ngày TP.HCM thành công và nhân rộng chính sách vượt trội ra cả nước

Phi Thư 23/06/2023 08:25

Ngày 24/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết mới, nhằm thay thế Nghị quyết 54 cho TP.HCM.

Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội vừa qua đã ghi nhận 128 ý kiến đại biểu phát biểu tại tổ và 40 ý kiến phát biểu, đăng ký phát biểu tại phiên họp toàn thể về Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

tp-thu-duc(1).jpg
Khu trung tâm tài chính TP Thủ Đức (TP.HCM) đang dần hình thành rõ nét. Ảnh: KP.

Đại biểu cả nước “trách nhiệm cao, tình cảm lớn” cùng TP

Theo sát các ý kiến phát biểu đóng góp cho Nghị quyết mới phát triển TP.HCM của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cả nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đánh giá: “Hầu hết được các đại biểu đồng tình, ủng hộ, thống nhất. Chúng tôi cho đây là thể hiện một trách nhiệm rất cao và một tình cảm rất lớn đối với TP mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta.”

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tất cả 44 các chính sách đặc thù cho TP đều xoay quanh 3 vấn đề: một là, khơi thông và huy động nguồn lực; hai là, phân cấp, phân quyền; ba là, cho phép được thực hiện những quy trình, thủ tục rút gọn để thuận lợi và giảm thời gian.

Hiện nay, TP.HCM đã xây dựng một chương trình và có kế hoạch để triển khai thực hiện ngay sau khi được Quốc hội thông qua Nghị quyết này. Chính phủ đã cam kết giám sát và đồng hành, hỗ trợ TP; đồng thời các bộ, các ngành sẽ tham gia cùng với TP để làm sao đưa Nghị quyết vào cuộc sống, phát huy được cao nhất và mang lại hiệu quả lớn nhất cho TP.

bo-truong-bo-ke-hoach-va-dau-tu-nguyen-chi-dung.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: quochoi

“Với khát vọng và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP cũng như là sự quan tâm, ủng hộ của Quốc hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng hành của các ban, bộ, ngành Trung ương, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng Nghị quyết sẽ nhanh chóng được triển khai thực hiện và đi vào cuộc sống, góp phần cho TP phát triển nhanh hơn, đột phá hơn, bền vững hơn và đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ, xứng đáng với sứ mệnh của mình trong giai đoạn tới đây”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu trước Quốc hội.

Đặt niềm tin và mong ngày TP thành công, lan tỏa ra cả nước

Tại các phiên họp, các ĐBQH đã bày tỏ niềm tin vào cơ chế, chính sách đặc thù giúp TP.HCM phát triển đột phá. Những đóng góp của các đại biểu đều tập trung vào việc tạo ra cơ chế, chính sách thuận lợi để TP.HCM có thể phát triển hơn nữa.

dai-bieu-duong-khac-mai-doan-dbqh-tinh-dak-nong-phat-bieu..jpg
ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông). Ảnh: quochoi

ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đã góp ý “bằng cả tình yêu, niềm tin và hy vọng của mình”. Ông nói: “Tôi hy vọng rằng sau lần này Nghị quyết này sẽ thành công và thực sự có hiệu quả, là một cú hích thật mạnh, là một đột phá lớn đối với TP.HCM. Chúng tôi mong đợi điều đó và hy vọng rằng sau tổng kết, những vấn đề TP.HCM được áp dụng hôm nay sẽ được nhân rộng trong cả nước.”

doan-thi-le-an-doan-dbqh-tinh-cao-bang.jpg
ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng). Ảnh: quochoi

ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhấn mạnh niềm tin: “Với Nghị quyết lần này khi Quốc hội thông qua, tôi có niềm tin là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM - Thành phố nghĩa tình - sẽ sớm hiện thực hóa một cách sinh động, hiệu quả quan điểm, chủ trương nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ vào thực tiễn cuộc sống và để “Hòn ngọc viễn đông” luôn và mãi tỏa sáng với các sắc màu tươi mới và ngày càng rực rỡ hơn, mạnh mẽ hơn.”

dai-bieu-nguyen-truc-son-doan-dbqh-tinh-ben-tre-phat-bieu..jpg
ĐBQH Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre). Ảnh: quochoi

ĐB Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) tin rằng những cơ chế, chính sách tăng cường phân cấp, ủy quyền sẽ giúp TP.HCM đáp ứng yêu cầu về phát triển hội nhập quốc tế. ĐB Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) kỳ vọng TP.HCM với chính sách đặc thù sẽ đi trước, về trước, đồng thời ông cho rằng chuyển từ việc tiền kiểm sang hậu kiểm để giao quyền cho TP có thể rút ngắn được quy trình, thủ tục.

dai-bieu-nguyen-thi-ngoc-xuan-doan-dbqh-tinh-binh-duong-phat-bieu..jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương). Ảnh: quochoi

ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) nhìn nhận rằng TP có đủ cơ hội, khả năng để trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước và khu vực ASEAN. ĐB Thái Thị An Chung (Nghệ An) mong rằng các bộ, ngành cần quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn TP triển khai thực hiện và đánh giá việc thực hiện để kịp thời nhân rộng các cơ chế, chính sách đã phát huy hiệu quả. Còn ĐB Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) hy vọng TP sẽ xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” nếu Quốc hội thông qua Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 54.

Làn sóng đầu tư lớn chờ “đổ bộ” vào TP

Trong cuộc họp phiên toàn thể lần thứ 15 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã thông báo rằng hiện nay đang có sự dịch chuyển lớn của các nhà đầu tư đến Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực chất bán dẫn, sản xuất chip, vật liệu mới, công nghệ pin mới, công nghệ xanh, logistic... Điều này là do Việt Nam đang khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực này và không chỉ TP.HCM mà cả nước đều mong muốn đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư này. Tuy nhiên, để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược, cần có chính sách phù hợp, bao gồm hỗ trợ một phần chi phí đầu tư thông qua việc hỗ trợ bằng tiền, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, chi phí đào tạo nhân lực.

090620231028-cqh_5396.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trình bày tại phiên họp. Ảnh: quochoi

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng cho biết rằng, các nhà đầu tư chiến lược yêu cầu được hỗ trợ một phần chi phí đầu tư, hỗ trợ đầu tư hạ tầng và chi phí đào tạo nhân lực khi đàm phán lựa chọn địa điểm đầu tư. Tuy nhiên, TP.HCM đã lỡ nhiều cơ hội thu hút đầu tư dự án công nghệ cao có quy mô lớn do không có cơ sở và thẩm quyền áp dụng cơ chế ưu đãi do nhà đầu tư đề xuất. Để thu hút các tập đoàn lớn, cần phải có quy trình đầu tư rõ ràng và cơ chế ưu đãi hấp dẫn.

Việc quy định hỗ trợ một phần chi phí của dự án đầu tư từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách Thành phố sẽ giúp TP.HCM tạo ra một hành lang pháp lý mạnh mẽ, vượt trội và đủ cạnh tranh trong khu vực. Điều này sẽ giúp TP.HCM chủ động trong việc đàm phán với các nhà đầu tư và cân nhắc kỹ chi phí và lợi ích kinh tế, xã hội mà TP.HCM có thể thu được. Ngoài ra, một số tập đoàn lớn cũng đang quan sát phản ứng chính sách của Việt Nam để quyết định việc đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư tại TP.HCM.

Đề xuất tăng thời gian thí điểm chính sách cho TP.HCM

Vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có văn bản báo cáo làm rõ và kiến nghị Chủ tịch Quốc hội ủng hộ một số nội dung trong dự thảo nghị quyết về các cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM.

Trên tinh thần tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, UBND TP.HCM đề xuất Chủ tịch Quốc hội ủng hộ sửa đổi thời gian thực hiện của nghị quyết đến năm 2030 hoặc theo hướng không quy định "cứng" thời hạn có hiệu lực là 5 năm, thay vào đó sẽ định kỳ sơ kết, tổng kết báo cáo Quốc hội có ý kiến chỉ đạo và điều chỉnh, cập nhật bổ sung, thể hiện “cách tiếp cận mới trong tư duy thí điểm chính sách".

Đồng thời, UBND TP.HCM đề xuất Chủ tịch Quốc hội xem xét và ủng hộ bổ sung cơ chế cho phép TP.HCM được phát hành trái phiếu chính quyền địa phương ra thị trường quốc tế để thực hiện hoàn thành đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị theo kế hoạch đến năm 2035.

Với phạm vi khá rộng lớn, dự thảo Nghị quyết mới của TP.HCM có 44 cơ chế, chính sách, trong đó có 2 chính sách kế thừa Nghị quyết 54, 5 chính sách kế thừa nâng cấp Nghị quyết 54, 4 chính sách tương tự các địa phương khác, 6 chính sách được dự kiến trong dự thảo Luật Đất đai và Luật Nhà ở (sửa đổi), cùng với 22 cơ chế, chính sách mới hoàn toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mong ngày TP.HCM thành công và nhân rộng chính sách vượt trội ra cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO