Mekong Connect 2023: Lần đầu tiên mở rộng liên kết TP.HCM và 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long
Diễn đàn Mekong Connect 2023 đánh dấu lần đầu tiên mở rộng phạm vi liên kết phát triển cấp vùng TP.HCM và tất cả 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo đó, Diễn đàn Mekong Connect 2023 chủ đề “Kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng kinh tế TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững” sẽ diễn ra trong 2 ngày 15-16/11/2023 tại TP.HCM. Diễn đàn được tổ chức bởi Sở Công thương TP.HCM phối hợp cùng Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) với sự chủ trì của UBND TP.HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, năm 2023, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn khó khăn, đặc biệt là ở các thị trường xuất khẩu do sức mua sụt giảm mạnh, có khi giảm đến 37% nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp TP.HCM cũng như ở các địa phương khác. Trước đây, các doanh nghiệp xuất khẩu sau khi ký kết hợp đồng thì có thể có dòng tiền nhưng hiện nay, một số ngành chuyển sang “giữ kho” ở nước ngoài, khi nào đối tác bán được hàng thì mới thanh toán. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã quay trở lại khai thác thị trường nội địa.
“Việc liên kết mở rộng, khai thác thị trường trong nước thời gian qua là những thành công được Sở Công thương TP.HCM thực hiện. Trong quá trình liên kết với các tỉnh, các địa phương là nguồn cung cấp nguyên liệu nhưng cũng là thị trường của TP.HCM. Đây là hành động rất cần thiết của TP.HCM và ĐBSCL”, ông Vũ cho biết.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho biết, đây là lần thứ hai Diễn đàn Mekong Connect được tổ chức tại TP.HCM cho thấy sự quan trọng của TP trong mối liên kết, hợp tác với khu vực ĐBSCL về vấn đề liên kết, tích hợp các nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, tình hình kinh tế thế giới tác động mạnh mẽ đến Việt Nam, trong đó, nổi bật nhất là những xu hướng về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững đang dẫn dắt thị trường. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang hành động để thích nghi theo xu hướng này. Trong thời gian qua, TP.HCM đã tổ chức nhiều diễn đàn, sự kiện bàn về kinh tế xanh, phát triển bền vững nhằm cung cấp thông tin cho doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thêm, những thị trường khó tính, thị trường quan trọng đã và đang đặt ra yêu cầu cụ thể về sản xuất xanh, sử dụng năng lượng sạch là những tiêu chuẩn bắt buộc. Họ lấy những tiêu chuẩn này như điều kiện quan trọng để áp lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam khi thâm nhập thị trường. Ông Vũ cho biết, lĩnh vực dệt may trong nước đã gặp khó khăn về đơn hàng trong thời gian qua có nguyên nhân một phần do vướng “rào cản” về tiêu chí sản xuất xanh.
“Vì vậy, chúng ta không nói sản xuất xanh, sạch ở khuynh hướng nữa mà phải hành động. Xuất khẩu gỗ và một số ngành của chúng ta đã hành động cụ thể sản xuất xanh. Tại Mekong Connect 2023, chúng tôi mời những doanh nghiệp có kinh nghiệm hoạt động trên thị trường quốc tế và các chuyên gia chuyên sâu đến để chia sẻ sự thành công, chia sẻ các thông tin về các rào cản cụ thể cho cộng đồng doanh nghiệp cùng biết và thực hiện”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết.
Diễn đàn Mekong Connect 2023 diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/11 tại TP.HCM. Trong đó, diễn đàn chính là phiên toàn thể sẽ diễn ra ngày 16/11 với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành TP.HCM và ĐBSCL; các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp. Nội dung chính của phiên toàn thể gồm: Cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM trong mối liên kết với ĐBSCL liên quan chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ; Những thách thức trong việc triển khai quy hoạch tích hợp ĐBSCL và kiến nghị giải pháp hỗ trợ. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động với các chủ điểm như: triển lãm giới thiệu sản phẩm, kích hoạt bán hàng cho lực lượng “doanh nông” và các sản phẩm OCOP, trao chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập, các phiên thảo luận chuyên đề chuyên sâu,…