Sống xanh

Mẹ và bà không bao giờ… hư

Nguyễn Đức Hùng 06/08/2023 - 14:25

Câu tục ngữ “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” trở thành nỗi oan muôn đời của những người bà, người mẹ Việt Nam.

Ngoài hệ tư tưởng Nho giáo, thì Kinh Phật nói “Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế”; Kinh Coran của Hồi giáo viết “Thiên đường nằm dưới chân người mẹ”; danh ngôn phương Tây ca ngợi mẹ bằng câu nói kinh điển “Trong các kỳ quan của vũ trụ, trái tim người mẹ là kỳ quan đẹp nhất”.

me-va-ba-hinh-1.jpg
Tình mẫu tử luôn thiêng liêng.

Về tư tưởng cốt lõi mà Việt Nam chúng ta ảnh hưởng Trung Hoa là Đạo giáo của Lão - Trang và Nho giáo của Khổng - Mạnh. Nền học thuật, tư tưởng nhập thế Trung Hoa cổ, trung đại chi phối toàn bộ bởi Tứ thư (Luận ngữ, Mạnh tử, Trung dung, Đại học) và Ngũ kinh (Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch). Với nam nhi, thì cái hướng đến là quân tử dựa trên tôn chỉ ngũ thường, gồm: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Riêng phụ nữ thì chi phối, lệ thuộc và kiềm tỏa bởi tam tòng: Tại gia tòng phụ; Xuất giá tòng phu; Phu tử tòng tử...

“Cứ ngỡ là biển sâu/ Nhưng đâu bằng lòng mẹ”

Cùng với sự kiềm tỏa đó, là quan niệm trọng nam khinh nữ, tuy không chính thức ghi chép vào kinh, sách nào, nhưng lại hình thành trong dân gian không biết tự bao giờ. Tuy nhiên, nó lan truyền qua thành ngữ "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" - đại khái sinh ra một đứa con trai vẫn hơn sinh mười cô con gái.

Trừ phụ nữ dòng dõi trâm anh thế phiệt, thì không gian vật lý hoạt động của người phụ nữ bình dân chỉ quẩn quanh với cái bếp, ngôi nhà, cái chợ và cánh đồng, và không gian tâm lý là “viết vô” đầy rẻ rúng ấy mà dân gian hình thành câu tục ngữ đổ tội “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Trong dòng chảy lịch sử ngàn năm đó cũng hiếm hoi bất chợt vài anh thư: Võ Tắc Thiên hoàng đế của Hoa Hạ và Trưng Nữ Vương của Giao Chỉ. Còn lại, phụ nữ đều "hư"?

Ám ảnh, hoài nghi, hoang mang nên ngẫm mãi, tìm hoài mà chẳng thấy mẹ và bà có gì hư hỏng, xấu xa chỗ nào. Ai cũng biết, nếu hình ảnh cây tùng, cây bách, cây trúc thường để chỉ sức mạnh, sự lớn lao, khí độ, tính quân tử của nam nhi, thì hoa - trở thành biểu trưng của cái đẹp lại dành cho phụ nữ. Nguyễn Du từng tả vẻ đẹp của Thúy Vân qua hình ảnh một đóa: “Hoa cười ngọc thốt đoan trang”.

Khi nói về người cha, ca dao Việt Nam ngợi ca “công cha” bằng hình ảnh “núi Thái Sơn” cao nhất, thì “nghĩa mẹ” là “nước trong nguồn” trong vắt không bao giờ ngưng chảy. Âm nhạc Việt Nam còn so sánh liên tưởng “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình” của Y Vân, rộng lớn và bình yên nhất trong tứ hải. Ngoài hệ tư tưởng Nho giáo, thì Kinh Phật nói “Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế”; Kinh Coran của Hồi giáo viết “Thiên đường nằm dưới chân người mẹ”; danh ngôn phương Tây ca ngợi mẹ bằng câu nói kinh điển “Trong các kỳ quan của vũ trụ, trái tim người mẹ là kỳ quan đẹp nhất”. Bản thân tôi từng làm một bài thơ tặng đứa con duy nhất trong đời mình, trong đó có 4 dòng:

“Cứ ngỡ lửa là ấm

Tình cha ấm hơn nhiều

Cứ ngỡ biển là sâu

Nhưng đâu bằng lòng mẹ”.

Tóm lại, mẹ và bà không bao giờ hư !

Vị thế người bà, người mẹ ngày nay đã khác

Vậy tại sao trong hệ tư tưởng Nho giáo thời phong kiến lan truyền cái nhìn miệt thị, đổ tội “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”?! Mà đã vậy thì gia phong bị thách thức và tội của người phụ nữ lớn lắm sao?

me-va-ba-hinh-2.jpg
“Nghĩa mẹ” là “nước trong nguồn” trong vắt không bao giờ ngưng chảy.

Thì ra, chỉ vì, xem nhẹ phụ nữ nhưng cũng lo lắng từ cái tầm nhìn trong không gian quanh quẩn cái bếp, cánh đồng, và phiên chợ hạn hẹp, sẽ mang đến cho con, cho cháu một sự giáo dục giới hạn, không thể rộng mở, khai phóng. Từ đó, con, cháu dưới sự giáo dục của bà, của mẹ sẽ nhiều nữ tính yếu đuối, khó mà cung cấp cho xã hội những trang nam nhi mạnh mẽ khí chất, rộng mở về tầm nhìn và dũng khí đương đầu với gian khó và chiến tranh cát cứ liên miên. Những tập đoàn quân chủ với tham vọng quyền thế, sợ thiếu vắng những trang nam nhi không thể như mũi tên mang chí tang bồng lớn lao, mà yếu đuối, nhu mì như bàn tay nâng cái kiếng trang điểm trong khuê phòng. Cho nên, câu tục ngữ “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” không phê phán, quy tội về đức hạnh của mẹ, của bà mà lo lắng về tầm nhìn hạn hẹp của bà, của mẹ, của người phụ nữ ngày xưa trong xã hội phong kiến quân chủ, dưới sự tiếp tay của tư tưởng Nho học.

Suốt ngàn năm như vậy, ta lại có chút an ủi trong đời sống xã hội đương đại nhờ sự giao tiếp với tư tưởng phương Tây. Hãy nhìn, từ học đường đến ngoài xã hội, người phụ nữ đã được đối xử bình đẳng hơn, và bản thân họ cũng đầy dũng khí vươn lên để bộc lộ nhân phẩm, năng lực tri thức để khẳng định, xác định vị trí của mình trong xã hội. Rồi ta lại có những lúc phải giật mình, vì đời sống gia đình Việt Nam ngày nay, đâu đó vẫn còn những câu nói bên trong cánh cửa, bên ngoài quán nhậu rằng: “Đàn bà biết gì”. Thế mới biết, khi tiếp thu một tư tưởng, quan niệm sai trái là cả di họa không chỉ cho một cá nhân, một gia đình, một thế hệ mà trả giá bằng cả thế kỷ, thiên niên kỷ. Quả thật “Đau đớn thay” như thi hào Nguyễn Du từng cảm thán về “phận đàn bà”!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mẹ và bà không bao giờ… hư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO