Lưới điện thông minh: Dự án thay đổi diện mạo ngành điện lực TP.HCM
Lời tòa soạn: Nhân dịp 50 năm giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Tạp chí Khoa học Phổ thông xin gửi đến bạn đọc chuyên đề về “Lưới điện thông minh (Smart Grid) do Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) triển khai và vận hành từ năm 2014. Dự án này đã góp phần không nhỏ vào hành trình chuyển mình xây dựng đô thị thông minh của Thành phố.
Bài 1: Lưới điện thông minh – dự án kế thừa truyền thống năng động, sáng tạo của ngành điện thành phố
Xây dựng “Lưới điện thông minh” là dự án mang nhiều ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào áp dụng cho lưới điện TPHCM, là một quyết định mạnh mẽ, có tính sáng tạo và đột phá cao của ngành điện Thành phố.
Quyết định này đồng thời đã kế thừa truyền thống năng động, sáng tạo, được các thế hệ ngành điện bồi đắp và phát huy trong suốt 50 năm kể từ ngày tiếp quản lưới điện Sài Gòn sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong những ngày đầu gian khó...
Những ai đã từng sống qua những năm tháng đất nước mới thống nhất chắc nhớ rõ hồi đó điện chỉ có ở khu vực trung tâm Sài Gòn. Sau ngày 30/4/1975, hệ thống điện chế độ cũ để lại cơ bản có 633km đường dây nổi 15kV, 415 km cáp ngầm 6,6 kV và 15kV, 950 km đường dây hạ thế; 1.824 trạm biến thế với tổng dung lượng là 639 MVA (nhưng chỉ có khả năng tải tối đa 250MVA). Tổn thất điện năng trên 21%. Toàn khu vực Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn chỉ có gần 200.000 khách hàng.
Ngành điện Cách mạng Việt Nam đã nhanh chóng tiếp quản, khắc phục khó khăn, khôi phục ngay hoạt động cung cấp điện cho khu vực TP.HCM. Mặc dù vậy, trong gần 20 năm đất nước bị bao vây và cấm vận kinh tế (từ 1975 đến 1994), cũng như các ngành kinh tế, công nghiệp khác, ngành điện gặp muôn vàn khó khăn vì thiếu nhiên liệu sản xuất điện, thiếu vật tư thiết bị để bảo trì và sửa chữa hệ thống điện.

Vì thế, nhiều người vẫn còn nhớ rõ cảnh điện thiếu, điện chập chờn, cúp điện luân phiên, cúp điện kéo dài thời kỳ đó, nhất là trong giai đoạn từ 1975 đến 1985. Việc thiếu điện ảnh hưởng to lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân. Những cỗ máy đứng yên, những đơn hàng bị ngừng trệ, người lao động “ngồi chơi xơi nước” chờ tái lập điện trong thời gian dài hay phải chạy máy phát điện dự phòng đã gây thiệt hại không nhỏ đến tuổi thọ của trang thiết bị và tình hình kinh doanh của chính mỗi đơn vị, doanh nghiệp và nền kinh tế chung của thành phố. Các khu vực ngoại thành không có điện, người dân gần như không có cơ hội thay đổi, phát triển cả về kinh tế lẫn đời sống sinh hoạt.
Phát huy sự năng động, sáng tạo và trách nhiệm
Cũng chính trong những năm gian khó ấy, phẩm chất năng động, sáng tạo của người công nhân ngành điện được phát huy. Thông qua các phong trào thi đua, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, khắc phục khó khăn để duy trì và khôi phục việc cung cấp điện cho thành phố, nhiều tập thể được phong tặng danh hiệu là tổ lao động XHCN, nhiều cá nhân được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua nhiều năm liền. Tiêu biểu nhất là anh công nhân Phạm Hoài được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và tập thể Sở Điện lực TP.HCM (tiền thân của Tổng Công ty điện lực TP.HCM - EVNHCMC) được trao tặng Huân chương Lao động hạng III năm 1985.
Sự năng động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của ngành điện Thành phố đã góp phần khắc phục khó khăn, đảm bảo cung cấp điện trước hết cho những phụ tải quan trọng và ưu tiên cung cấp điện cho khối sản xuất, đồng thời từng bước mở rộng mạng lưới điện đến những vùng ngoại thành.
Điển hình nhất trong giai đoạn này là công trình “Đưa điện lưới quốc gia về Duyên Hải (Cần Giờ)” – năm 1990 và công trình “Thí điểm điện khí hóa nông thôn tại xã Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) – năm 1991 là 2 công trình điện khí hóa nông thôn đầu tiên của cả nước.

Hình ảnh người công nhân điện dầm mình trong nước để kéo từng sợi dây cáp điện băng đồng, băng sông hay hình ảnh người dân nô nức, phấn khởi chào đón ngày khánh thành và đóng điện công trình là những hình ảnh kỷ niệm đầy xúc động khi nhìn lại quá trình 50 năm ngành điện đồng hành cùng sự phát triển của Thành phố.

Tiên phong cùng Thành phố bước vào kỷ nguyên số
Nếu trong giai đoạn trước, sự năng động, sáng tạo xuất phát từ tinh thần trách nhiệm thì trong giai đoạn từ 1995 đến nay, sự năng động, sáng tạo của ngành điện Thành phố lại thể hiện rõ tính tiên phong trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào các mặt hoạt động của mình.
Đó là công nghệ sửa chữa điện nóng (sửa chữa đường dây đang mang điện) trung thế 22 kV và Ứng dụng công nghệ SCADA lưới điện vào năm 1996; Thử nghiệm đóng mạch vòng lưới điện trung thế và đặc biệt là xây dựng thành công Trạm biến áp 220 kV Tao Đàn và cáp ngầm 220 kV Nhà Bè – Tao Đàn vào năm 2004. Đây là trạm biến áp trong nhà công nghệ GIS và cáp ngầm đầu tiên của cả nước ở cấp điện áp 220 kV.


Tính tiên phong và truyền thống năng động, sáng tạo của EVNHCMC đã được ông Luân Quốc Hưng – Phó Tổng giám đốc nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của EVNHCMC giai đoạn 2010 – 2025 được tổ chức mới đây.
Ông Luân Quốc Hưng cho biết, Tổng công ty đã nhanh chóng triển khai Nghị quyết 20-NQ/TW (2012) của Đảng về việc phát triển khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Đề án phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam (2012) của Thủ tướng Chính phủ bằng việc xây dựng và triển khai các chương trình hành động, đề án, kế hoạch với trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tất cả nhằm đảm bảo 4 mục tiêu lớn là: Nâng cao độ tin cậy cung cấp điện; Giảm tỉ lệ tổn thất điện năng; Nâng cao năng suất lao động; Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, với mục tiêu là vươn lên ngang tầm khu vực và quốc tế.

Nhìn lại quá trình 50 năm, sự tiến bộ của ngành điện có thể thấy qua nhiều con số ấn tượng.
Nếu trước giải phóng, điện chỉ có tại khu vực trung tâm thành phố, thì ngày nay, điện lưới đã đến được với những ấp đảo xa xôi nhất của Thành phố
Ông Luân Quốc Hưng – Phó Tổng giám đốc EVNHCMC
Nếu lúc mới giải phóng, tổn thất điện năng tại TPHCM là trên 21% thì đến năm 2024 tổn thất điện năng chỉ còn 2,98%, ngang với các công ty điện lực tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, đồng nghĩa với việc hàng năm tiết kiệm hàng trăm triệu kwh điện để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Và nếu trước những năm 1990, người dân phải chịu cảnh cúp điện luân phiên, sự cố triền miên thì đến năm 2024, thời gian mất điện bình quân chỉ còn 25,5 phút/năm/khách hàng, số lần mất điện bình quân là 0.28 lần/năm/khách hàng.
Đây chính là kết quả của sự chủ động, tiên phong đổi mới sáng tạo mà ngành điện thực hiện để xây dựng hạ tầng và dịch vụ điện tiên tiến, góp phần thực hiện thành công đề án xây dựng đô thị thông minh của TP.HCM.
Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC) là 1 trong 5 tổng công ty phân phối điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện trên địa bàn TP.HCM.
Hiện nay, EVNHCMC đang quản lý, vận hành lưới điện phân phối từ cấp điện áp 220kV đến cấp điện áp 0,4kV. Khối lượng lưới điện quản lý gồm 06 trạm biến áp 220kV; 57 trạm biến áp 110kV, 30.082 trạm biến áp phân phối 22/0,4kV; 889 km đường dây truyền tải 220kV và 110kV (ngầm 13%); 7.981 km đường dây 22kV (ngầm 46%); 13.908 km đường dây 0,4kV (ngầm 17%). Tổng công suất cực đại của hệ thống là 5.212 MW, gấp hơn 20 lần so với trước giải phóng. Số lượng khách hàng đạt trên 2,78 triệu hộ, gấp 14 lần so với trước giải phóng.
Đón đọc bài 2: Lưới điện thông minh – dự án mang hơi thở thời đại