Lục bình, nguồn lợi thiên nhiên

Phương Nam| 27/01/2023 12:32

Tết về quê sẽ được nhìn ngắm những mảng lục bình xanh dập dềnh theo con nước, lặng lờ đơn giản vậy nhưng đem lại nhiều lợi ích cho người dân ven bờ và cộng đồng.

Xanh… từ món ngon dân dã

Với người dân miền sông nước, lục bình là rau, muốn ăn, chỉ cần ngồi ghe, quơ tay là túm được nhúm ngó lục bình, bỏ lá, dùng dao bén xắt mỏng, vắt khô nước rồi rửa nước muối thật sạch cho hết mùi tanh tao của bùn. Thế là xong phần nguyên liệu! Xưa, người dân quanh vùng ăn đơn giản chỉ chút đậu phộng rang giã nhỏ, chút rau quế và lá hẹ. Nêm nếm thêm gia vị rồi cho ra dĩa là thành món gỏi lục bình! Thêm ơ cá kho là xong bữa!

Nay, đời sống khá giả nên món ăn làm công phu hơn. Lục bình được chọn là các lõi non, bào mỏng, ngâm nước phèn pha cốt chanh trong 5 phút nhằm giúp nguyên liệu có độ giòn và không sẫm màu. Sau 5 phút, lục bình sẽ được vớt ra, xả nước sạch và để ráo. Tôm sú và thịt ba rọi luộc chín, lột vỏ tôm, thịt thái lát mỏng vừa ăn, để sẵn mỗi thứ ra dĩa. Trộn đều với nước mắm chua ngọt, rau thơm, đậu phộng là có ngay dĩa gỏi đặc sản dành cho khách du lịch. Ngó lục bình còn được dùng để xào, nấu canh chua, canh cua… ăn không thua gì bạc hà!

Cây được đặt tên là lục bình hoặc lộc bình vì có 6 hoa nở trên mỗi bông tạo thành chùm. Người ta gọi nó là lộc bình vì có cuống lá phình lên như lọ lộc bình. Có nơi còn gọi phù bình vì nó nổi trên mặt nước. Mùa hoa nở cũng là mùa nắng nhất trong năm, nơi phù ra là các bình khí ở thân, giống như phao cứu sinh, nhờ vậy chúng trôi nổi nhẹ nhàng chu du khắp sông hồ! Khi đông đúc sẽ túm tụm lại một góc ao, hồ tạo thành những thảm hoa tím.

Tôi lại nhớ câu hò quen thuộc miền sông nước: “Lục bình ai thả trôi sông/ Mà sao tím cả mấy dòng sông quê”. Những cặp đôi yêu nhau, thường có cảnh chàng hái hoa cho nàng cài tóc như một lời hứa hẹn thủy chung.

Song, hoa có tuổi đời rất ngắn, từ lúc nở bung cho đến khi những cánh hoa rũ xuống vẻn vẹn chỉ trong một ngày. Tuy vậy mà không hoài của, với bàn tay đầu bếp, hoa lục bình kể cả búp lẫn nở đều trở thành nguyên liệu để ăn các món dính đến mắm, chấm nước cá kho, thịt kho… Hương vị của hoa ăn ngọt nhẹ, chấm mắm kho mẳn mặn thơm thơm là bay vèo nồi cơm hồi nào không hay! Món ăn màu sắc đẹp rụng rời nay làm bao người xa quê xao xuyến không quên!

Ngoài món ăn, lục bình còn là bài thuốc, khi bị tôm, cá đâm chỉ cần giã nhuyễn đắp lên là đỡ nhức và lành sau đó. Sau này, có người còn dùng để hỗ trợ những lúc nhức xương, mỏi cơ, mất ngủ…

Những sản phẩm xanh… làm đẹp cho đời

Thời khó khăn, lục bình là nguyên liệu nấu ăn đem lại bao ký ức đẹp về tuổi thơ. Thời khá giả, lục bình trở thành đồ trang trí nội thất, giỏ xách dạo phố, hoặc chễm chệ trong bình hoa trên bàn.

Những cành được chọn để trở thành nguyên liệu đan, kết thành các sản phẩm xanh không non, không già và phải “nuôi” cho dài dài 50cm, mới cắt.

Nói thì đơn giản chứ lùng sục dưới sình, vớt, phơi lục bình… nhiêu khê lắm! Nhưng với tính cần cù không ngại khó của nhà nông, khó cũng thành dễ. Giá một ký lục bình khô trên dưới 30.000 đồng. Lục bình muốn được đan cũng phải “tắm nắng” liên tục 7-8 ngày, sao cho các sợi thật khô. Thân khô ráo sẽ có màu vàng mộc rất đẹp, rất nguyên sơ.

Những thân lục bình khô sẽ được bện thành các loại giỏ đựng quần áo, giỏ xách tay. Những tấm lục bình đan dạng tròn, nhiều kích cỡ, trở thành đồ trang trí nội thất tại các resort cao cấp, những cửa hàng làm tóc, nhà riêng… Sản phẩm đưa ra thị trường được đón nhận, bà con vùng quê ven sông mừng lắm vì có thêm thu nhập.

Công việc đan này thường được làm lúc nông nhàn, hay chiều tối nghỉ ngơi. Kinh doanh khá hơn thì toàn tâm, toàn ý dành hết thời gian cho nghề. Chị Minh Hằng ở ấp Tân Thiện, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, Tiền Giang nói về nghề: “Tôi đan một ngày 10 tiếng, mới đầu chưa quen cũng đau tay lắm, giờ quen rồi nên không đau nữa. Sau khi dịch Covid-19 ổn định, khách nước ngoài du lịch miền Tây nhiều hơn, sản phẩm bán được hơn vì người nước ngoài chuộng hàng thủ công. Một cái nón hay cái giỏ thường đan cả ngày mới xong được cái khách mua thích lắm nên tôi rất vui”.

Giá sản phẩm từ 10.000 đồng đến 250.000 đồng, tùy loại. Hàng thủ công càng được dùng thay thế các sản phẩm khác càng có lợi cho môi trường. Ví dụ như một chiếc túi xách, một cánh hoa lục bình khi không còn được ưu ái sẽ phân hủy nhanh hơn các loại nilon cùng loại.

Ngoài giá trị làm đẹp vùng sông nước, lục bình còn được dùng làm thức ăn gia súc, trồng nấm rơm. Phần rễ cắt phơi khô cho vào bao đợi mùa mưa đến dùng để bó cây, chiết cành.

Các loại lục bình già, vàng lá, được các bác nông dân mang về đắp gốc cây. Chị Nguyễn Thị Bé Tư ở Trà Ôn, Vĩnh Long cho biết: “Lục bình bỏ gốc giảm bốc hơi nước, không phải tưới nhiều, chưa kể sau thời gian thành phân xanh giúp cây đậu trái. Vườn cam nhà tôi được mùa, trái nhiều nước vàng ươm cũng nhờ loại phân này.”

Có điều dùng phân hữu cơ cực lắm, phải mò, cắt, khuân đem đến từng gốc cây! Nhưng cái lợi thì lâu dài, đất không bị bạc màu và tuổi thọ của cây cao hơn dùng phân hoá học; người tiêu dùng được lợi về mặt sức khỏe.

Tin mừng là cách trồng cây thân thiện với môi trường đang được bà con ưa chuộng. Lục bình cũng là cây không cần trồng chăm bón nhưng cho năng suất cao. Đã có thời lục bình “đông quá” gây ách tắc giao thông đường thủy, nhưng nay với những cách dùng trên, lục bình đang làm lợi cho đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lục bình, nguồn lợi thiên nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO