Cứ đến mùa làm mắm, bên hông hoặc sau hè mỗi nhà trong xóm đều lủ khủ lu, khạp. Nhà nào cũng thối dậy mùi cá ủ. Ngửi riết rồi quen! Thậm chí, nhiều nhà có con gái tuổi cặp kê, mỗi tối đều có đám thanh niên tụ tập "đong gái". Nghĩ cũng lạ, cả đám kê ghế ngồi cạnh khạp mắm mà tươi rói, hít lấy , hít để. Ai bảo con gái nhà làm mắm là không thơm!
Cái lu đựng nước uống thì cũng có nhiều loại. Loại lớn thì gọi là lu mái gầm. Nó to đến nỗi 2 - 3 thằng con nít chơi cút bắt chui vào trốn được. Loại nhỏ hơn được tráng men đẹp, để trước hiên nhà đựng nước uống.
Lu mái gầm thường để trữ nước mưa, kê gần máng xối để trời mưa nước chảy từ mái nhà thu vào. Đầy lu thì lấy gàu múc sang lu khác. Nhà có 2 - 3 lu mái gầm là uống nước mưa được cả tháng. Hồi nhỏ, tôi thường được má giao nhiệm vụ chia nước lu khi trời mưa. Rất khoái vì được tắm mưa, được vọc nước...
Còn nhớ, hồi 14 - 15 tuổi ngu thấy mồ! Cứ chửi lộn với con Bé Tư nhà hàng xóm hoài. Có lẽ vì nó gầy đét, răng hô, tính bổ bả lắm! Một lần, tôi hứng nước mưa bên nhà, nó cũng hứng nước mưa sau hè nhà nó. Nổi cơn, tôi ca vang vang bài con nhái: "con nhái ...ec.. ec, chu mỏ hứng mưa...ẹc ec...Ai cho nhái úp lá môn thưa ...ẹc ẹc... hê hê nhái mén..."...
Nó ướt nhem, gầm cái mặt đen đúa: “đồ... quỷ vật”.
Ơ... định chửi lại nhưng... thôi, vì tôi nhận ra Bé Tư đầu tóc ướt mưa rũ rượi. Bộ quần áo chấm bông nó hay mặc trông như... không mặc gì. Trời đất, lần đầu tiên tôi mới thấy nó như vậy và tôi thấy kỳ kỳ lẫn cảm xúc khó tả... Kể từ đó, tôi không còn chửi lộn với nó nữa.
Sau này, bạn gái tôi hỏi.... “Biết con gái khi nào?”.
Tôi nói: “Biết con Bé Tư hàng xóm”.
“Không tin”...
“Trời, thiệt đó!”.
Bây giờ, nhà ba má tôi ở quê vẫn còn mấy cái lu, nhưng không dùng làm mắm và đựng nước mưa nữa. Mấy đứa cháu bơm nước máy vào chứa để rửa các thứ. Ừ, làm gì cũng được, cứ để đó như là kỷ vật gợi nhớ một thời...