Kỷ niệm 70 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc “Tình sâu nghĩa nặng”
Tối ngày 16/11, tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, UBND tỉnh Cà Mau long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc.
Tham dự Chương trình tại điểm cầu Cà Mau có Tổng Bí thư Tô Lâm; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng…
Dự Chương trình tại điểm cầu thành phố Hải Phòng ở Quảng trường Nhà hát thành phố có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình.
Tại điểm cầu Thanh Hóa có Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung.
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Cà Mau, thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa; các nhân chứng lịch sử của sự kiện tập kết ra Bắc và đông đảo các tầng lớp nhân dân ở các địa phương cùng tham dự chương trình tại các điểm cầu.
Với chủ đề "Tình sâu nghĩa nặng", lễ kỷ niệm diễn ra tại khu vực Tượng đài chuyến tàu tập kết ra Bắc, (tại bờ Nam, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) được diễn ra với chương trình nghệ thuật sân khấu hóa tái hiện về lịch sử, vùng đất, con người Cà Mau; lịch sử cách mạng hào hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng và phát triển quê hương Cà Mau thời kỳ hội nhập.
Hiệp định Geneve năm 1954, cùng với thắng lợi vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khép lại cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của Nhân dân Việt Nam. Quyết định tập kết ra Bắc, một chiến lược đầy cam go và quyết tâm của Đảng, không chỉ nhằm xây dựng lực lượng ở miền Bắc mà còn đáp ứng nguyện vọng đấu tranh lâu dài cho sự nghiệp thống nhất đất nước.
Theo Hiệp định, địa điểm tập kết ở Nam Bộ được chọn tại 3 khu vực: Khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân, Xuyên Mộc; Khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh, Đồng Tháp và Khu tập kết 200 ngày ở Cà Mau. Trong đó, điểm tập kết tại Cà Mau là tâm điểm, có thời gian dài nhất. Khu vực tập kết ở Cà Mau được xác định dọc theo kênh xáng Chắc Băng (nối ngã ba sông Trẹm, thị trấn Thới Bình đến ngã ba sông Cái lớn, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang).
Trong thời gian 200 ngày tập kết đó, đồng bào Cà Mau đã thật sự được sống những ngày tự do, hạnh phúc. Ngày 8/2/1955, chuyến tàu cuối chuyển quân ở Nam Bộ từ khu tập kết rời bến Sông Đốc, kết thúc 200 ngày tập kết tại Cà Mau.
Học tập và làm theo lời Bác dạy, những cán bộ, chiến sĩ, học sinh, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc đã được Bác Hồ, Trung ương Đảng và đồng bào các tỉnh phía Bắc đón nhận, cưu mang, đùm bọc và tạo mọi điều kiện hỗ trợ sớm ổn định cuộc sống, tạo công ăn, việc làm, học tập, lao động và tham gia chiến đấu, có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và công cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó, nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo các cấp, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, các nhà khoa học đầu ngành ở nhiều lĩnh vực, các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo nổi tiếng, nhiều doanh nhân tài ba, nhiều người đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động… góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.
Đồng chí Phạm Thành Ngại, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thông tin: 70 năm đã trôi qua, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi tri ân các thế hệ đi trước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì tự do, độc lập cho dân tộc. Để chuẩn bị kỷ niệm sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc, ngay từ đầu năm 2024 nhiều hoạt động đã được tổ chức, trong đó trọng tâm là công tác thông tin, tuyên truyền về về ý nghĩa, tầm vóc lịch sử của sự kiện trên các phương tiện truyền thông; tổ chức Hội thảo khoa học “200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử”; Hoạt động tái hiện 200 ngày sự kiện tập kết ra Bắc 1954 tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình, cùng ăn, cùng ở với nhân dân, giúp nhân dân, vừa giúp, tri ân nhân dân nơi đây đã giúp đỡ trong những ngày tập kết, vừa giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội; phát động các đợt cao điểm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm của tỉnh; các hoạt động văn hóa, thể thao và gần đây nhất là khởi động Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, thị trấn Sông Đốc với diện tích tự nhiên hơn 2.900 ha, dân số trên 67.000 người. Nhờ có vị trí địa lý thuận lợi và tiềm năng kinh tế biển dồi dào, Sông Ðốc đã thu hút hơn 2.101 công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và 7 chi nhánh ngân hàng hoạt động. Hơn 1.140 phương tiện khai thác thủy sản trên địa bàn, bình quân sản lượng khoảng 85.500 tấn/năm.
Ngoài mũi nhọn là kinh tế biển và dịch vụ hậu cần nghề biển, Sông Ðốc còn được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan, gắn liền với các di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh và nhiều lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống đặc sắc... cùng vẻ đẹp đô thị phố biển đang ngày càng phát triển đi lên.
Phát huy truyền thống cách mạng, Ðảng bộ và Nhân dân thị trấn Sông Ðốc nói riêng, Cà Mau nói chung đang tập trung mọi nguồn lực để quy hoạch, hoàn thiện hạ tầng, phấn đấu đưa Sông Ðốc trở thành thị xã trong tương lai.
Cùng chiều ngày 16/11, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã long trọng tổ chức khánh thành công trình Cụm tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954. Dịp này, UBND tỉnh Cà Mau vinh dự đón bằng công nhận từ Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch về việc bổ sung địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954, đầu năm 1955 tại bờ Nam Sông Đốc, Trần Văn Thời, bổ sung vào Di tích “Các địa điểm thuộc xứ ủy Nam bộ - Trung ương Cục miền Nam (Giai đoạn từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1955)”.
Công trình Cụm tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc có quy mô xây dựng trên diện tích hơn 10ha, tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau và xã hội hóa. Đây cũng là một trong những công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ 17, nhiệm kỳ 2025-2030.