Công nghệ

Doanh nghiệp cần chủ động sớm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Hà Lam 16/11/2024 - 06:09

Theo các chuyên gia, hiện nay nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu khi có tranh chấp xảy ra. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động đăng ký quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền lợi và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Ngày 14/11, tại TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội nghị tập huấn "Kỹ năng lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu".

Xảy ra tranh chấp mới đăng ký bảo hộ

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, nhãn hiệu là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp có số lượng đơn đăng ký nộp nhiều nhất. Tuy nhiên, so với số lượng doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM hiện nay thì con số này vẫn còn thấp.

ba-nguyen-thi-nhung-so-khcn-15-11(1).jpg
Bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

Cũng theo bà Nhung, hiện nay các doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến sở hữu trí tuệ, thông qua việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, tham gia các lớp tập huấn sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, cũng còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm, chờ đến khi bán được hàng mới đăng ký nhãn hiệu hoặc khi có tranh chấp về nhãn hiệu mới bắt đầu tìm hiểu. Hiện nay, có trường hợp doanh nghiệp đi đăng ký nhưng chỉ để hoàn thiện hồ sơ, phục vụ cho các mục đích khác như quảng cáo, bán hàng trên trang thương mại điện tử…

"Doanh nghiệp cần nhận thức vai trò sở hữu trí tuệ, sử dụng nhãn hiệu của mình để nó trở thành một công cụ hữu hiệu góp phần ổn định hoạt động sản xuất của kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững", bà Nhung nói.

Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Phương Giang - Trung tâm Thẩm định Nhãn hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ - cho rằng hiện nay doanh nghiệp đã dần nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng nhãn hiệu để phân biệt sản phẩm của mình với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên không phải tất cả các chủ thể đều nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu thông qua việc đăng ký nhãn hiệu.

Lưu ý về dấu hiệu bảo hộ nhãn hiệu

Tại chương trình, bà Giang lưu ý một số dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu như dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế.

ba-vu-thi-phuong-giang-cuc-shtt.jpg
Bà Vũ Thị Phương Giang - Trung tâm Thẩm định Nhãn hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ - nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Bên cạnh đó còn có dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc,…

Bà Giang cho biết thêm, thực tế hiện nay, một số doanh nghiệp vẫn nhầm lẫn giữa nhãn hiệu và thương hiệu hay nhãn hiệu và tên thương mại… Điều này rất dễ phát sinh những xung đột quyền giữa tên thương mại, thương hiệu với nhãn hiệu được bảo hộ.

Cũng theo bà Giang, hiện nay, quy trình xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu được công khai, các cá nhân, tổ chức nếu có nhu cầu cũng có thể tra cứu thông tin, đăng ký đơn trực tuyến trên cổng thông tin của Cục Sở hữu trí tuệ ở địa chỉ https://www.ipvietnam.gov.vn.

Tại chương trình, các doanh nghiệp, cá nhân,… được hướng dẫn nhận biết các loại nhãn hiệu, tra cứu thông tin nhằm đánh giá khả năng bảo hộ nhãn hiệu trước khi nộp đơn đăng ký, hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thực hành lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, xử lý tình huống...

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Nhãn hiệu mang tính chất tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên, của các tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.

Nhãn hiệu mang tính chất chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ tin cậy, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

Căn cứ vào đó nhãn hiệu sẽ được bảo hộ nếu đáp ứng thêm được các điều kiện như có dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp của các yếu tố nêu trên, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa - đây cũng là một điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp cần chủ động sớm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO