Giáo dục

Không chấp nhận văn bằng 2 ngôn ngữ Anh khi xét tuyển tiến sĩ?

theo Minh Giảng/Tuổi Trẻ 05/06/2024 - 21:54

Hôm nay một số người xét tuyển tiến sĩ bị trường từ chối vì văn bằng 2 ngành tiếng Anh không được công nhận do số tín chỉ ít.

Theo thông tin từ giảng viên một trường đại học tại TP.HCM, một số đồng nghiệp của ông khi nộp hồ sơ xét tuyển tiến sĩ ở Trường đại học Sài Gòn, Trường đại học Sư phạm TP.HCM đã bị trường từ chối.

Theo ông này, lý do là không đủ chuẩn đầu vào ngoại ngữ do bằng cử nhân tiếng Anh (văn bằng 2 hình thức từ xa) Trường đại học Trà Vinh cấp có số lượng tín chỉ ít. Muốn được công nhận phải học bổ sung một số tín chỉ.

Một người khác cho biết cũng nghe thông tin Trường đại học Y Dược TP.HCM không công nhận bằng cử nhân ngôn ngữ Anh (văn bằng 2) do Trường đại học Trà Vinh cấp khi xét tuyển tiến sĩ.

Hiện nay có rất nhiều trường đại học đào tạo văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh. Các trường đào tạo theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp.

Chương trình đào tạo ngành ngôn ngữ Anh (văn bằng 2, hình thức đào tạo từ xa) của Trường đại học Trà Vinh có 84 tín chỉ.

Trong đó, có 4 tín chỉ về tổng quan e-learning, 8 tín chỉ ngoại ngữ 2, 72 tín chỉ chuyên ngành.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, các trường đại học khẳng định không có việc không công nhận bằng cử nhân ngoại ngữ văn bằng 2 hoặc phải học bổ sung để được công nhận đầu vào tiến sĩ.

Đại diện Trường đại học Sài Gòn cho biết tất cả bằng cử nhân ngoại ngữ hợp pháp đều được công nhận khi xét tuyển đầu vào tiến sĩ. Bằng cử nhân ngoại ngữ văn bằng 2 cũng là bằng cấp năm trong hệ thống văn bằng quốc gia. Trường chỉ thực hiện xác minh văn bằng do người học nộp vào.

Tương tự, PGS.TS Phạm Nguyễn Thành Vinh - trưởng phòng đào tạo sau đại học Trường đại học Sư phạm TP.HCM - cho biết thông tin này không chính xác. Ông này cho biết bằng cử nhân ngoại ngữ hợp pháp đều được công nhận. Đây là quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

"Tuy nhiên trường có quy trình xác nhận văn bằng, chứng chỉ. Văn bằng, chứng chỉ do người học nộp vào đều được trường gửi công văn xác nhận với nơi cấp.

Điều này nhằm đảm bảo tính pháp lý cũng như quyền lợi cho người học, tránh những rắc rối sau này" - ông Vinh nói.

Trong khi đó, PGS.TS Mai Phương Thảo - trưởng phòng đào tạo sau đại học Trường đại học Y Dược TP.HCM - cho biết trường hợp không được chấp nhận có thể do người học mới hoàn thành chương trình cử nhân ngôn ngữ Anh mà chưa có bằng tốt nghiệp.

"Theo quy định, thời điểm nộp hồ sơ xét tuyển tiến sĩ ứng viên phải có bằng cử nhân ngoại ngữ. Một số trường có thể chấp nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời. Theo quy định, trường chấp nhận bằng cử nhân ngoại ngữ (văn bằng 2) nếu đó là bằng hợp pháp sau khi xác nhận văn bằng" - bà Thảo cho biết thêm.

Theo thông tư 18/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ, ngoài các quy định liên quan chuyên môn khi tuyển sinh còn có yêu cầu về ngoại ngữ.

Người dự tuyển là công dân Việt Nam phải đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ được minh chứng bằng một trong những văn bằng, chứng chỉ: bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên do một cơ sở đào tạo nước ngoài, phân hiệu của cơ sở đào tạo nước ngoài ở Việt Nam hoặc cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp cho người học toàn thời gian bằng tiếng nước ngoài.

Bằng tốt nghiệp trình độ đại học ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp. Có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ quy định còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký dự tuyển.

Quy chế của cơ sở đào tạo quy định chi tiết yêu cầu về trình độ chuyên môn phù hợp, năng lực ngoại ngữ, kinh nghiệm công tác và những yêu cầu khác đối với người dự tuyển tùy theo đặc điểm của từng lĩnh vực, ngành đào tạo và chương trình đào tạo cụ thể của cơ sở đào tạo trên cơ sở những yêu cầu tối thiểu quy định tại điều này.

Không phân biệt loại hình đào tạo

Luật Giáo dục đại học 2018 quy định văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.

Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng.

Khác biệt giữa các loại hình đào tạo chỉ là về thời gian đào tạo và kỹ thuật tổ chức, quản lý đào tạo. Luật quy định không phân biệt về giá trị văn bằng các hình thức đào tạo khác nhau.

Thông tư 27/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học.

Theo đó, không ghi thông tin về hình thức đào tạo như chính quy hay tại chức hay vừa làm vừa học… trong nội dung chính của văn bằng như quy định trước đây.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không chấp nhận văn bằng 2 ngôn ngữ Anh khi xét tuyển tiến sĩ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO