Công nghệ

Nhiều sáng chế đặc biệt được vinh danh tại Ngôi sao sáng chế IPSTAR 2024

Hà Lam 11/01/2025 - 13:08

Ghế chỉnh hình điều trị các bệnh liên quan đến xương sống, bản đồ số hóa tương tác thông minh 3D/360,… được vinh danh Ngôi sao sáng chế IPSTAR 2024.

Ngày 11/1, tại TP.HCM, Hội Sáng chế Việt Nam, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với các đơn vị tổ chức hoạt động vinh danh Ngôi sao sáng chế IPSTAR 2024.

vinh-danh-ngoi-sao-sang-che(1).jpg
Các nhà sáng chế được vinh danh tại Ngôi sao sáng chế IPSTAR 2024.

Theo TS. Bùi Văn Quyền - Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam, hoạt động vinh danh Ngôi sao sáng chế IPSTAR 2024 nhằm ghi nhận những nỗ lực nghiên cứu, sáng tạo và thương mại hóa sáng chế của các cá nhân, tổ chức, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Cũng theo ông Quyền, qua quá trình xét duyệt kéo dài hơn hai tháng với sự cố vấn từ các chuyên gia hàng đầu về công nghệ và sở hữu trí tuệ, ban tổ chức đã chọn ra 10 sản phẩm công nghệ tiêu biểu.

hinh-1-ngoi-sao-sang-che.jpg
TS. Bùi Văn Quyền - Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam (bìa trái) và ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sáng chế Việt Nam (bìa phải) trao danh hiệu IPSTAR 2024 cho nhà sáng chế Phạm Thị Kim Loan.

Nổi bật trong số các sản phẩm được vinh danh, sáng chế "Ghế chỉnh hình để điều trị và ngăn ngừa các bệnh liên quan đến xương sống" của tác giả Phạm Thị Kim Loan (Chủ tịch Công ty TNHH Gia Thái DoctorLoan) ở vị trí TOP 1. Bà Loan cũng nhận danh hiệu TOP 5 với sáng chế "Gối dùng để điều trị và phòng ngừa bệnh ở cột sống cổ".

Các sáng chế này đã được cấp bằng độc quyền tại nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật, Canada,… mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho doanh nghiệp.

Theo bà Loan, các sáng chế đã thay đổi cách tiếp cận y học bằng việc sử dụng sản phẩm đột phá về trí tuệ vào phòng ngừa và điều trị bệnh cột sống. Đặc biệt, các sáng chế của công ty đã góp phần nâng cao nhận thức về tư thế đúng, giảm thiểu các bệnh cơ xương khớp, cải thiện chất lượng cuộc sống cho mọi người.

hinh-2-ngoi-sao-sang-che.jpg
TS. Bùi Văn Quyền - Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam (bìa trái) và ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sáng chế Việt Nam (bìa phải) trao danh hiệu IPSTAR cho nhà sáng chế Trần Duy Hào.

Một sản phẩm đáng chú ý khác là hệ sinh thái "Bản đồ số hóa tương tác thông minh 3D/360" của nhà sáng chế Trần Duy Hào, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp chuyên gia Star Global, nhận danh hiệu TOP 5.

Sáng chế cho phép tạo ra một bản sao của thế giới thực trong thế giới số dưới dạng web tương tác 3D/360. Người dùng có thể tham quan thông qua ảnh 360, tương tác trực tiếp với mô hình 3D của các sản phẩm trưng bày, thay đổi họa tiết, mẫu trang trí, đo đạc kích thước trực tiếp trong không gian 360 và được tích hợp hệ thống quản lý thông minh, giúp tối ưu hóa công tác quản lý và được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như du lịch, bảo tàng, di sản, hạ tầng...

hinh-3-ngoi-sao-sang-che.jpg
Nhà sáng chế được vinh danh tại Ngôi sao sáng chế IPSTAR 2024.

Ngoài ra, danh hiệu TOP 5 sản phẩm công nghệ tiêu biểu từ sáng chế còn có các sản phẩm: Thiết bị Giám sát hành trình và tự động đọc mã lỗi hỏng hóc của xe ô tô (BK10VN); Thực phẩm bảo vệ sức khỏe dung dịch nano curcumin.

Danh hiệu TOP 10 sản phẩm công nghệ tiêu biểu từ sáng chế với hồ sơ sản phẩm, như: Công nghệ xử lý nước MET; Máy ủ giá đỗ; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe nano silymarin; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe dung dịch nano melatonin; Máy sấy hồ tiêu.

Ngoài ra, ban tổ chức còn vinh danh một số sản phẩm công nghệ có tiềm năng thương mại, như: Hệ thống vận tải hành khách công cộng; Dàn tre bê tông cốt thép, cột tre bê tông cốt thép làm nhà cho người dân vùng núi và hải đảo (nơi có tre).

Phát triển khoa học công nghệ cần dựa trên nền tảng sở hữu trí tuệ

Tại chương trình, ông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM - cho biết Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã có nhiều cụm từ nhắc đến sở hữu trí tuệsáng chế. Theo đó, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ muốn phát triển nhanh và bền vững phải dựa trên nền tảng sở hữu trí tuệ.

"Với hy vọng thể chế mới từ Nghị quyết 57, không chỉ cơ quan Nhà nước mà cả doanh nghiệp,.. sẽ được hưởng lợi từ nghị quyết này", ông Khuê nhấn mạnh.

ong-tran-giang-khue.jpg
Ông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM.

Cũng theo ông Khuê, trong những năm gần đây, hoạt động sở hữu trí tuệ được quan tâm hơn. Năm 2024, Cục Sở hữu trí tuệ lần đầu tiên tiếp nhận trên 150.000 đơn và xử lý được trên 140.000 đơn các loại, cùng với đó Cục cấp được trên 50.000 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp các loại.

Năm 2024 cũng là năm mà kết quả xử lý đơn sở hữu công nghiệp đạt cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, năm 2024, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận 151.489 đơn các loại, tăng 2,2% so với năm 2023, bao gồm 88.355 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp và 63.134 các loại đơn và yêu cầu khác.

Cục Sở hữu trí tuệ đã xử lý được 140.497 đơn các loại, tăng 17,5% so với cùng kỳ 2023, trong đó có 88.711 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, tăng 29,8% và 51.786 đơn/yêu cầu khác.

Đặc biệt, Cục Sở hữu trí tuệ cấp 51.437 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp các loại tăng 46%. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của hoạt động sở hữu trí tuệ trong phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều sáng chế đặc biệt được vinh danh tại Ngôi sao sáng chế IPSTAR 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO