Hồi sinh những sản phẩm 'hết đát'
Từ những chiếc quần jeans cũ, vỏ hộp sữa, lốp xe,… nhiều sản phẩm tái chế ra đời "khoác" lên mình một cuộc đời mới.
Hàng chục sản phẩm tái chế được các bạn trẻ, doanh nghiệp giới thiệu tại lễ kỷ niệm 3 năm thành lập Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam vào chiều 9/8.
Theo ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, hiệp hội luôn tạo ra những sân chơi về tái chế, ở đó, sân chơi này không chỉ dành cho doanh nghiệp mà còn là nơi để các bạn sinh viên, start-up thỏa sức sáng tạo sản phẩm về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tại đây, các nhà đầu tư cũng tham gia để rót vốn nhằm thúc đẩy nhanh các sản phẩm ra thị trường.
Tại triển lãm, nhiều khách tham quan thích thú với các sản phẩm chậu cây, móc treo quần áo được tái chế từ vỏ hộp sữa. Theo anh Nguyễn Minh Phú - Phụ trách thu gom của Công ty cổ phần Lagom Việt Nam, vỏ hộp sữa sẽ được thu gom tại các trường học, khách sạn, siêu thị,... Một vỏ hộp sữa giấy bao gồm: 75% giấy, 21% Polymer và 4% nhôm.
Anh Phú cho biết, để tái chế vỏ hộp sữa, quy trình này phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Các vỏ hộp sữa sẽ được phân loại, làm sạch trước khi đi vào tái chế. Bột giấy sẽ được công ty làm thành giấy, phần hỗn hợp nhôm còn lại thì sẽ có công nghệ ép thành chậu trồng cây. Nguyên liệu tái chế 100% từ vỏ hộp sữa mà không pha trộn, an toàn cho sức khỏe.
Tại gian hàng của Công ty SCMT, những chiếc giỏ xách thủ công với nhiều mẫu mã khác nhau được làm từ vải vụn và quần áo jeans cũ được khách tham quan vây kín.
Theo ông Huỳnh Thiên Chung - Trưởng phòng phát triển kinh doanh SCMT, từ vải thừa của các xí nghiệp, quần áo cũ, công ty thu gom về sau đó tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau. Với những chiếc giỏ xách được làm bằng chất liệu jeans, công ty sẽ cắt ghép, thiết kế cho ra đời sản phẩm có một không hai.
Cũng theo đại diện Công ty SCMT, dù mới ra mắt thị trường nhưng những sản phẩm tái chế từ quần áo cũ được nhiều doanh nghiệp và bạn trẻ đón nhận. Hiện tại, một năm doanh nghiệp này thu gom một tấn vải vụn. Công ty SCMT cũng đang hợp tác với doanh nghiệp lớn để thu mua thêm, dự kiến mở rộng thị trường sang châu Âu.
Trong khi đó, gian hàng của bạn trẻ Nguyễn Vương Nhật Khánh - Sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM - trưng bày những sản phẩm ví, balo có nguồn từ ruột ô tô cũ.
Chia sẻ về quy trình tạo ra balo từ ruột xe cũ, bạn Nguyễn Vương Nhật Khánh cho biết, từ những ruột xe cũ thải bỏ sau khi sử dụng xong sẽ được nhóm thu mua. Sau đó, nhóm chuyển giao cho nhà máy tái chế và nhận lại nguyên liệu đã qua xử lý. Từ đó, những miếng cao su được thiết kế và may cho ra đời những chiếc balo, ví.
"Hiện tại, các sản phẩm còn một số hạn chế như nặng, mùi hôi. Cho nên, thời gian tới, nhóm sẽ tập trung tìm nhà máy xử lý để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh hơn. Qua tái chế, một chiếc ví có giá 400.000 đồng, giá trị cũng được tăng lên", Nhật Khánh cho biết.
Chia sẻ về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tái chế Việt Nam, ông Trần Thanh Nam - Trưởng phòng tín dụng Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam cho biết, quỹ sẽ cung cấp các khoản vay lãi suất ưu đãi, hỗ trợ và tài trợ lãi suất cho các dự án bảo vệ môi trường,… với lãi suất 2,6%/năm. Lãi suất này sẽ cố định trong suốt thời gian vay, tối đa không quá 10 năm. Mức vay tối đa 80% tổng mức đầu tư dự án, mức vay tối đa là 36,6 tỉ đồng cho mỗi dự án và không quá 73,2 tỷ đồng cho mỗi chủ đầu tư.