Học sinh có bố mẹ ly hôn đối mặt với các hành vi rủi ro cao

N.Hoa| 24/06/2017 11:00

KHPTO - Theo kết quả đề tài nghiên cứu “Hành vi nguy cơ của học sinh trong những gia đình ly hôn: từ kết quả nghiên cứu đến một số khuyến nghị về giải pháp giáo dục (nghiên cứu đối với học sinh THPT Hà Nội)” của tác giả Dương Thị Thu Hương, Học viện báo chí và tuyên truyền, học sinh THPT hiện đang sống trong các gia đình có mối quan hệ hôn nhân của bố và mẹ có vấn đề thì có nguy cơ đối mặt với các hành vi rủi ro cao hơn đáng kể so với học sinh khác.

Cảm giác cô đơn thường trực và khiến các em có xu hướng tìm đến các mối quan hệ bên ngoài, thậm chí là tìm chỗ dựa tinh thần từ các mối quan hệ bạn bè phức tạp, quan hệ bạn bè trên mạng xã hội và mối quan hệ yêu đương rắc rối khiến việc học hành bị sao nhãng, đồng thời bị tác động, ảnh hưởng thêm các hành vi nguy cơ từ các nhóm bạn bè phức tạp khác.

Học sinh có thể sẽ phải chịu nhiều tổn thương và thiệt thòi

Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích định lượng nhằm phân tích thực trạng, mức độ phổ biến của các hành vi rủi ro của học sinh THPT tại Hà Nội. Có 1333 học sinh thuộc 3 trong tổng số 12 quận nội thành Hà Nội được chọn vào mẫu nghiên cứu theo phương pháp lựa chọn nhiều giai đoạn nhằm đạt được tính đại diện cao nhất cho học sinh Hà Nội (trong khuôn khổ các quận nội thành), bao gồm học sinh thuộc 6 trường THPT (3 trường công lập, 3 trường ngoài công lập).

Trong tổng số mẫu nghiên cứu với 1333 học sinh, kết quả cho thấy có 13% học sinh cho biết đang sống trong gia đình ly thân/ly hôn/tái hôn. Một điểm đáng chú ý là học sinh trường ngoài công lập cho biết sống trong gia đình ly thôn/ly thân/tái hôn cao hơn gấp gần 2,5 lần so với học sinh trường công lập (19 so với 8,2%).

Sống trong gia đình ly hôn/ly thân ở độ tuổi chuyển đổi từ trẻ em sang người lớn với nhiều biến đổi về tâm lí là một thách thức đối với học sinh. Học sinh có thể sẽ phải chịu nhiều tổn thương và thiệt thòi hơn nếu như sau ly hôn, không nhận được đầy đủ sự yêu thương, quan tâm, trợ giúp cả về vật chất và tinh thần, sự quan tâm, uốn nắn từ cả 2 phía gia đình, cả bố và mẹ.
Kết quả phân tích số liệu cho thấy học sinh THPT tại các quận nội thành Hà Nội sống trong gia đình ly hôn có nguy cơ có nhiều hành vi rủi ro cao hơn đáng kể so với học sinh hiện bố mẹ sống chung.

Đối với các hành vi: uống bia/rượu, hút thuốc lá, hút shisa, sử dụng ma tuý, thuốc/chất gây ảo giác, kết quả phân tích số lyệu cho thấy ở cả 5 hành vi này, tỉ lệ học sinh sống trong gia đình ly thân/ly hôn đều có nguy cơ cao hơn, đặc biệt là hành vi hút thuốc lá, hút shisha, sử dụng ma tuý, sử dụng thuốc/chất gây ảo giác với mức chênh lệch từ 1,5 cho tới 2 lần.

Sự khác biệt cũng cũng thể hiện rất rõ ở nhóm các hành vi gây bạo lực với cả 3 loại hành vi: bắt nạt trực tiếp, bắt nạt gián tiếp (qua mạng xã hội, tin nhắn), đánh nhau.

Nghiên cứu tìm hiểu 3 loại hành vi chủ động gây bạo lực một cách cụ thể: bắt nạt, doạ nạt (trực tiếp), bắt nạt, doạ nạt (gián tiếp thông qua mạng xã hội, tin nhắn), gây gổ, đánh nhau. Số liệu phân tích cho thấy ở cả hai loại hành vi gây bạo lực thể chất và tinh thần trực tiếp đều có xu hướng phổ biến hơn đáng kể ở nhóm học sinh sống trong gia đình ly hôn/ly thân/khác, thậm chí gấp gần 2 lần. Đối với hành vi gây tổn thương về thể chất và tinh thần cho chính bản thân mình, học sinh từng có ý định tự tử và đã từng cố gắng tự tử cao hơn đáng kể. Đáng chú ý là tỉ lệ học sinh cho biết đã từng cố gắng tự tử ở gia đình ly hôn/ly thân cao gấp hơn 2 lần so với học sinh trong các gia đình bố mẹ sống chung.

Ở cả 7 hành vi giao thông không an toàn, tỉ lệ học sinh vi phạm cao hơn đáng kể, trong đó đặc biệt chú ý là tình trạng tự điều khiển xe máy và các hành vi nguy hiểm khác có khả năng gây tai nạn, chấn thương.

Bố, mẹ gây ảnh hưởng không ít đến tâm lí, hành vi của con

Không phải tất cả những học sinh sống trong các gia đình ly thân/ly hôn đều có nguy cơ cao đối với tất cả các hành vi rủi ro vì thực tế có một số học sinh có đủ bản lĩnh, kĩ năng để vượt qua những khó khăn, hoặc cho dù hôn nhân của bố mẹ có thay đổi nhưng tình yêu, sự quan tâm đối với họ không thay đổi thì học sinh sẽ chịu ít tác động hay ảnh hưởng từ sự thay đổi hôn nhân của bố mẹ.

Tuy nhiên, thực tế có không ít gia đình, cách xử lí những xung đột, quá trình ứng xử trước trong và sau ly hôn của chính bố mẹ đã gây ảnh hưởng không ít đến tâm lí, hành vi của con cái. Một số phát hiện và tổng hợp từ các cuộc phỏng vấn sâu về những trải nghiệm và lí do khiến học sinh trong các gia đình ly hôn, ly thân có nguy cơ có nhiều hành vi rủi ro hơn như sau:

- Một số học sinh rơi vào tình trạng bị mất dần sự tự tin, dẫn đến tự ti, nhạy cảm hơn, kèm theo đó là tâm lí không thoải mái, thậm chí là ức chế, dễ nổi nóng. Chính vì vậy dễ rơi vào trạng thái khó kiểm soát, dễ liên quan và tham gia vào gây gổ, đánh nhau.

- Học sinh thường nhận được sự quan tâm, giám sát ít hơn từ phía gia đình hơn, điều này đặc biệt đúng đối với các gia đình ly hôn/ly thân, học sinh chỉ sống với bố hoặc mẹ và không nhận được sự quan tâm của một nửa còn lại. Khi học ở các trường ngoài công lập, với mức học phí chiếm một phần lớn thu nhập của bố hay mẹ, người bố hoặc mẹ lại phải dành thêm nhiều thời gian để kiếm tiền trang trải thêm cho cuộc sống khó khăn hơn, ít sự tập trung và chia sẻ về kinh tế hơn so với những gia đình khác, và điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến thời gian và mức độ quan tâm dành cho con cái. Có nhiều trường hợp, sau khi ly hôn, cả bố và mẹ đều có mối quan hệ mới, có gia đình mới, các em không sống cùng gia đình mới của bố hoặc mẹ mà sống với họ hàng, ông, bà, mức độ gắn kết, tình yêu, sự quan tâm gần như thưa thớt, vắng bóng hơn. Có em học sinh, hiện đang sống với ông bà ngoại chia sẻ: "Ngày nào em đi học về thường cũng đi qua cổng nhà mới của mẹ, gia đình mới của mẹ, nhưng thực ra rất ít gặp mẹ, vì mẹ có gia đình mới, có em bé mới sinh và nhiều thứ cần phải quan tâm, lo lắng cho gia đình mới". Cảm giác cô đơn thường trực và khiến các em có xu hướng tìm đến các mối quan hệ bên ngoài, thậm chí là tìm chỗ dựa tinh thần từ các mối quan hệ bạn bè phức tạp, quan hệ bạn bè trên mạng xã hội và mối quan hệ yêu đương rắc rối khiến việc học hành bị sao nhãng, đồng thời bị tác động, ảnh hưởng thêm các hành vi nguy cơ từ các nhóm bạn bè phức tạp khác.

- Trong quá trình mâu thuẫn, xung đột dẫn đến ly hôn, ứng xử của người lớn sau ly hôn trong bối cảnh Việt Nam thường khá nặng nề, gây tổn thương sâu sắc đến tâm hồn những đứa trẻ trong độ tuổi trưởng thành. Qua các cuộc phỏng vấn sâu, từ trải nghiệm của nhiều học sinh trong các gia đình ly hôn cho thấy một số các bằng chứng về những tổn thương tinh thần chúng đã phải trải qua: tổn thương khi chứng kiến những người thân yêu, ruột thịt đã sinh ra chúng hành xử bạo lực cả về ngôn ngữ và hành vi với nhau, xúc phạm nhau, nói xấu nhau. Nhiều đứa trẻ rơi vào tình trạng mất niềm tin, mất định hướng, xung đột giá trị, sốc tâm lí và cũng từ đó chúng bắt đầu có những hành vi lệch chuẩn.

Trong nhiều trường hợp khi vợ và chồng rơi vào tình trạng đổ vỡ mối quan hệ thì đồng thời đi kèm với nó là mối quan hệ với con cái, tình yêu, tình cảm dành cho con cái cũng bị thay đổi theo. Một số giáo viên cũng cho biết họ đã từng chứng kiến phụ huynh đùn đẩy trách nhiệm đối với con cái, ví dụ như trách nhiệm đóng học phí tại trường học, khiến học sinh bị tổn thương và tự ti. Thay vì là trách nhiệm và sự thoả thuận của người lớn sau khi ly hôn, có những học sinh chia sẻ, hàng tháng, các em thường phải căn cứ vào hoàn cảnh để tự đưa ra quyết định sẽ xin tiền học bên gia đình mới của bố hay xin từ mẹ.

- Nhà trường thường gặp một số khó khăn nhất định trong việc phối hợp với gia đình ly thân/ly hôn trong việc giáo dục đạo đức các em học sinh. Một số học sinh chưa ngoan cũng thường lợi dụng mối quan hệ đổ vỡ của bố mẹ để không nghe theo lời chỉ bảo của người lớn, khi bị bố hay mẹ mắng hoặc gặp chuyện không vừa ý thì thường bỏ sang sống với người còn lại. Thiếu vắng sự chia sẻ, không thống nhất trong việc giáo dục con cái ở các gia đình ly hôn khiến cho việc uốn nắn, giáo dục học sinh chưa ngoàn trở nên khó khăn hơn.

Sự gắn kết gia đình bền chặt được xem là "điểm tựa an toàn" vì không phải nó chỉ đem lại những nguồn lực vật chất như lương thực, quần áo ấm mà nó còn mang lại niềm tin, sự tự tin, tình yêu, nguồn lực về tinh thần. Với điểm tựa an toàn được tạo dựng trong gia đình, những đứa trẻ sẽ tự tin khám phá và kết nối với các mối quan hệ và các mối quan hệ xung quanh với một niềm tin rằng gia đình, cha mẹ đang ở bên cạnh tiếp năng lượng, cổ vũ, ủng hộ, định hướng cho chúng. Như vậy gắn kết gia đình, điểm tựa tinh thần đóng vai trò quan trọng để những đứa trẻ tự tin hơn khi bước vào cuộc sống với các mối quan hệ xã hội phức tạp hơn bên ngoài gia đình mà không có những hành vi lệch chuẩn, nguy cơ.

Đối với gia đình ly thân, ly hôn, mối quan hệ giữa bố và mẹ thay đổi, nếu như sự thay đổi mối quan hệ của họ không làm ảnh hưởng nhiều đến tình yêu, sự quan tâm đến những đứa trẻ, chúng vẫn cảm nhận được tình yêu, sự quan tâm, điểm tựa tinh thần để chúng có thể tìm về mỗi khi gặp khó khăn, thì rất có thể sẽ là giải pháp góp phần hạn chế những hành vi rủi ro ở học sinh THPT - lứa tuổi đang có nhiều những biến đổi và nhậy cảm về tâm lí, lứa tuổi không quá dài nhưng là giai đoạn quan trọng, định hình nhân cách và chuẩn bị cho sự trưởng thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học sinh có bố mẹ ly hôn đối mặt với các hành vi rủi ro cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO