GS.TS Phạm Văn Tất: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cần có sự hỗ trợ của nhà trường và xã hội

GS.TS Phạm Văn Tất (Trường ĐH Hoa Sen)| 22/05/2023 08:04

Hơn 33 năm theo nghề giảng dạy tại giảng đường đại học, song hành với nghiên cứu khoa học (NCKH) và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu, GS.TS Phạm Văn Tất (Trường Đại học Hoa Sen) đã có bài viết chia sẻ trên Tạp chí Khoa học phổ thông phân tích về tầm quan trọng của NCKH và làm sao để đẩy mạnh phát triển NCKH trong các trường đại học.

GS.TS Phạm Văn Tất sinh năm 1966, quê quán Nam Định. Ông nhận bằng Đại học Tổng hợp Hà Nội, ngành Hóa học, chuyên ngành Hóa kỹ thuật năm 1989; nhận bằng Thạc sĩ năm 2002 tại Đại học Đà Lạt và nhận bằng Tiến sĩ năm 2005 tại Đại học Cologne, CHLB Đức ngành Hóa học, chuyên ngành Hóa lý thuyết.

Ông được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 2010 và Giáo sư năm 2021, ngành Hóa học, ngành Hóa lý thuyết. Các hướng nghiên cứu chính của GS.TS Phạm Văn Tất thuộc lĩnh vực Hóa lý thuyết, gồm tính toán hóa học lượng tử và mô phỏng, thiết kế và phát triển dược chất mới và mô hình hóa trong khoa học môi trường. Ông đã có hơn 140 bài báo khoa học, báo cáo khoa học công bố trong nước và quốc tế.

GS.TS Phạm Văn Tất cùng sinh viên báo cáo khoa học tại một hội nghị. Ảnh: HSU.

Với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học (NCKH) là hai nhiệm vụ quan trọng và bắt buộc đối với sự phát triển của bất cứ một trường đại học nào trong nước và trên thế giới. Đây chính là sự khác biệt quan trọng của cấp học này so với cấp học trung học phổ thông. 

Trường đại học là giai đoạn đào tạo con người có một sơ sở kiến thức quan trọng biết cách kết hợp giữa kiến thức lý thuyết và giải pháp thực thiện giải quyết các nhu cầu thực tế cơ bản của xã hội. Kết quả nghiên cứu là phản ánh hiệu quả từ nhiệm vụ đào tạo của một trường đại học. Mỗi trường đại học sẽ trở thành một trung tâm đóng góp tri thức sáng tạo và chuyển giao hợp tác với mỗi doanh nghiệp. Mỗi trường đại học sẽ từ từ khẳng định được vị thế trong xã hội và trong nhiệm vụ đào tạo. 

Mỗi giảng viên và sinh viên cũng sẽ ý thực được nhiệm vụ “học đi đôi với hành” thông qua nhiệm vụ NCKH. Chỉ có NCKH thì sẽ giúp cho người học có nhiều khả năng sáng tạo từ kiến thức lý thuyết. Nếu chỉ có học lý thuyết suông mà không có NCKH thì sinh viên sẽ mất khả năng cạnh tranh công việc ngoài xã hội. Bởi vậy mỗi trường đại học đã và đang ý thức được nhiệm vụ NCKH là quan trọng và song hành với nhiệm vụ giảng dạy lý thuyết. Giảng viên, sinh viên và xã hội sẽ được hưởng lợi từ nhiệm vụ NCKH. Giảng viên sẽ luôn luôn phải tự học tự đổi mới, luôn tự học và sáng tạo trong quá trình giảng dạy. 

Như vậy đào tạo ở một trường đại học phải hiểu bao gồm nhiệm vụ giảng dạy lý thuyết và hướng dẫn sinh viên NCKH để sinh viên biết cách đề xuất giải pháp nhằm giải quyết được một nhiệm vụ cụ thể. Chất lượng đội ngũ giảng viên sẽ không ngừng nâng cao. Nhiều người sẽ tìm kiếm môi trường học thực sự có NCKH, vì đây là môi trường có chất lượng đào tạo tốt, hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, nhiều thỏa thuận, biên bản ghi nhớ được ký kết. Chỉ thông qua NCKH thì nhiều giảng viên, sinh viên sẽ hợp tác cùng nhau, các trường đại học sẽ liên kết cùng NCKH, từ đây sẽ chủ động thúc đẩy quá trình đào tạo tích cực hội nhập quốc tế thông qua các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên, hợp tác nghiên cứu. Các trường đại học cần phải nhanh chóng và thường xuyên đổi mới đào tạo để đáp ứng để thích ứng với nhu cầu thực tế. 

Hiện nay trên thế giới nhiệm vụ NCKH ở các trường đại học luôn bao gồm 2 xu hướng: nghiên cứu khoa học cơ bản (lý thuyết và hàn lâm) và ứng dụng sẽ giải quyết các nhiệm vụ thực tế cho sự phát triển kinh tế xã hội. Nghiên cứu khoa học cơ bản là định hướng có các nghiên cứu ứng dụng. Trên thế giới nhiều nước thực hiện các nghiên cứu cơ bản, phát minh ra rất nhiều hướng đi mới trong khoa học, mang lại nhiều tri thức mới trong khoa học. Để triển khai nhiệm vụ, đẩy mạnh NCKH cần có sự hỗ trợ của các bên liên quan, bao gồm nhà trường và xã hội: 

1. Trường đại học cần nhận thức rõ xu thế tất yếu của quá trình phát triển khoa học hiện nay. Bởi vậy nhu cầu phát triển khoa học cần có sự hỗ trợ và tạo điều kiện để hoạt động NCKH của giảng viên và sinh viên trở thành động lực trong giảng dạy và nâng cao chất lượng. Đây sẽ là định hướng quan trọng và sẽ trở thành giải pháp quan trọng để nâng cao vị thế của trường Đại học. Nhà trường cần có chính sách đúng đắn và khoa học đáp ứng yêu cầu của nhà trường và phù hợp nhu cầu, năng lực của giảng viên.

2. Trường đại học cần đưa ra giải pháp chính sách nhằm hỗ trợ giảng viên thành lập các nhóm NCKH mạnh trong khoa và trong trường. Từ đó các giảng viên có kinh nghiệm NCKH có thể truyền lửa nhiệt huyết sang các giảng viên khác cùng tham gia tham gia. Các giảng viên sẽ đoàn kết cùng thực hiện một nhiệm vụ chung liên quan đến nghiên cứu các công trình. Trường đại học coi trọng giảng viên là một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển thông qua thành tích NCKH.      

3. Khuyến khích giảng viên tham gia đăng ký nhiệm vụ NCKH theo định hướng của khoa học và xã hội để có mục tiêu và đối tượng nghiên cứu phù hợp với mục tiêu đào tạo của chương trình. Nghiên cứu khoa học phải kết giữa lý thuyết và thực tế để giảng viên và sinh viên cập nhật kiến thức đã học. Ngoài ra, trường đại học cần xem xét thực tế để nâng kinh phí hoạt động NCKH cho phù hợp. Ngoài kinh phí khoa học tự có, trường Đại học cũng chủ động hợp tác với các đối tác là đoanh nghiệp trong và ngoài nước để thu hút kinh phí hỗ trợ bổ sung thêm nhiệm vụ NCKH của giảng viên và sinh viên.

4. Trường đại học cũng cần có đầu tư về thư viện tài liệu số nghiên cứu mới nhất có khả năng cập nhật xu hướng các nghiên cứu để thay đổi cách thức tiếp cận giảng dạy và NCKH của giảng viên.

5. Trong quá trình đào tạo, trường đại học cũng cần quan tâm đến các lĩnh vực khoa học hay môn học có ít sinh viên theo học, lấy nhiệm vụ NCKH để cải thiện việc thu hút sinh viên cũng như thay đổi nhận thức giảng viên trong kiến thức dựa vào nhiệm vụ NCKH, không giải quyết các nhiệm vụ một cách cứng nhắc. NCKH sẽ làm thay đổi việc đào tạo và thu hút sinh viên vào học nhanh chóng.

Trong quá trình phát triển và hội nhập theo xu thế toàn cầu hóa, khoa học 4.0 là quan trọng phát triển tri thức ngày càng có ý nghĩa thiết thực. Hoạt động NCKH trở thành một động lực quan trọng biến quá trình đào tạo giáo điều thành quá trình tự đào tạo hiệu quả. Đây là một nhiệm vụ không thể thiếu ở một cấp học nền tảng Đại học nói chung nhằm đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sinh viên và xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
GS.TS Phạm Văn Tất: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cần có sự hỗ trợ của nhà trường và xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO