GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Phòng Lab Tâm lý học của nhóm Nghiên cứu mạnh mở ra triển vọng đầy chất nhân văn
Là Trưởng nhóm Nghiên cứu mạnh Tâm lý học giáo dục của Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, không chỉ là nhà quản lý mà GS.TS Huỳnh Văn Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cùng các cộng sự đã nhiều năm xây dựng, hình thành và khai thác phòng Lab Tâm lý học, một hành trình đầu tư không chỉ là thời gian, tâm huyết mà còn là tầm nhìn và cả hướng đi tiệm cận quốc tế…
Triển vọng của công trình không chỉ dành cho ngành mà còn mở ra nhiều cơ hội cho những ai quan tâm đến Tâm lý học trong bối cảnh hiện đại, thế giới của công nghệ…
Xin chào GS.TS Huỳnh Văn Sơn. Ông có thể giới thiệu đôi nét về phòng Lab Tâm lý học của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Phòng Lab Tâm lý học, hay còn gọi là phòng thí nghiệm và thực hành Tâm lý học, trực thuộc quản lý của nhóm Nghiên cứu mạnh Tâm lý học giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Phòng Lab được thành lập vào năm 2020, tại phòng 101, dãy H, cơ sở 280 An Dương Vương (quận 5).
Phòng có diện tích khoảng 60m2, với 3 phòng chức năng: 1 phòng họp lớn sức chứa 12 - 15 thành viên với các thiết bị kết nối trực tuyến, và 2 phòng thí nghiệm được thiết kế giảm tải tối đa tác động của môi trường xung quanh đến các hiện tượng tâm lý con người (1 phòng đặt máy đo điện não đồ EEG, các thiết bị dùng cho thí nghiệm đo điện não đồ; và 1 phòng đặt máy tính dùng trong các thí nghiệm điện não, máy fMRI đo chuyển động mắt). Có thể khẳng định đây là phòng Lab dù được đầu tư cơ bản nhưng với các máy móc hiện đại và đáp ứng các nhu cầu nghiên cứu ban đầu về tâm lý thần kinh và một số cơ sở sinh lý của hiện tượng tâm lý…
Thưa Giáo sư, phòng Lab Tâm lý học được xây dựng và vận hành cho mục đích gì? Quá trình đầu tư cho Phòng Lab này của Trường như thế nào?
Phòng Lab được xây dựng và vận hành cho mục đích nghiên cứu khoa học; đào tạo/hỗ trợ đào tạo sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh chuyên ngành Tâm lý học, Tâm lý học giáo dục; thực hành tham vấn, trị liệu tâm lý và hợp tác quốc tế trong các dự án nghiên cứu liên ngành, đa ngành và đa quốc gia.
Đây là hướng đi của nhà trường cũng như là tầm nhìn của Khoa Tâm lý học và một số giảng viên nghiên cứu liên ngành của Trường…
Quá trình đầu tư cho phòng Lab của Trường bắt đầu từ năm 2018, khi tôi là Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh Tâm lý học giáo dục) và các cộng sự có chuyến tham quan, giao lưu khoa học và kết nối với các trường ĐH ở Trung Quốc và Đài Loan – Trung Quốc – khu vực có những thành tựu về nghiên cứu khoa học thần kinh nhận thức.
Ngay sau đó, việc học tập ngắn hạn của GS tại Nhật, Mỹ, Hàn Quốc… cùng với sự tư vấn và hỗ trợ của các cộng sự, các cựu sinh viên, học viên của khoa Tâm lý học đã và đang du học ở các quốc gia như Anh, Úc, Thái Lan… đã mang rất nhiều cơ hội về giao lưu hợp tác nghiên cứu khoa học não bộ về Khoa Tâm lý học và trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Điều này thúc đẩy quyết tâm của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và nhóm nghiên cứu về việc thành lập một phòng thí nghiệm Tâm lý học để kết nối với cựu người học và các đối tác quốc tế trong việc phát triển lĩnh vực Tâm lý học tại Việt Nam.
Năm 2019, nhóm nghiên cứu và Khoa Tâm lý học cùng Phòng Khoa học công nghệ - môi trường và Tạp chí khoa học viết Đề án xin Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập phòng Lab Tâm lý học, với các minh chứng về tiềm lực khoa học và năng lực công bố khoa học của nhóm là các đề tài khoa học và công nghệ cấp nhà nước, NAFOSTED, cấp Bộ, cấp Thành phố/Tỉnh, cấp cơ sở, cùng các bài báo quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục Scopus/Web of Science.
Cuối năm 2019, đề án được phê duyệt và phòng Lab bắt đầu được thi công xây dựng. Đến giữa năm 2020, phòng được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, tuy nhiên, thời điểm này trùng với các đợt bùng phát của đại dịch Covid-19 nên các hoạt động của phòng tạm dừng đến cuối năm 2022.
Từ cuối năm 2022 đến hiện tại, phòng đã hoạt động trở lại với các đề tài nghiên cứu đặt hàng và hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn sinh viên, học viên làm nghiên cứu khoa học. Đây là những bước đi đầu tiên mang phòng Lab đến gần hơn với người học và xã hội mà nhóm nghiên cứu mạnh đã ấp ủ từ bấy lâu nay.
Ông đánh giá như thế nào về các triển vọng khi vận hành phòng Lab Tâm lý học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM?
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM là trường đại học sư phạm trọng điểm của Việt Nam. Vì vậy, phòng Lab Tâm lý học vận hành vừa góp phần nâng cao vị thế của Trường về lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo ngành Tâm lý học, Tâm lý học giáo dục; vừa đóng góp cho xã hội, nhất là khu vực miền Nam những phát hiện, kết quả nghiên cứu quý giá về khoa học thần kinh và chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa trên công nghệ.
Không những thế, Trường còn là cơ sở duy nhất ở miền Nam đào tạo Tiến sĩ Tâm lý học. Chúng ta đã đào tạo thành công gần 10 tiến sĩ Tâm lý học tính đến năm 2024. Việc vận hành phòng Lab không chỉ giúp thu hút các nhân tài đến học hỏi, nghiên cứu và làm việc; mà còn thu hút hợp tác và giao lưu quốc tế từ các quốc gia trong khu vực liên quan đến nghiên cứu khoa học thần kinh và chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa trên công nghệ. Điều này cho thấy triển vọng của việc vận hành phòng Lab sẽ có tác động không chỉ đến việc nâng cao năng lực nghiên cứu của giảng viên, năng lực công bố khoa học mà còn tác động đến hiệu quả đào tạo các trình độ khác nhau. Điều quan trọng là chúng ta đã và đang trong hành trình quốc tế nghiên cứu, đào tạo để tránh lạc hậu hay bỏ qua các cơ hội tìm hiểu về Tâm lý học hiện đại.
Vậy, khi vận hành phòng Lab Tâm lý học trong bối cảnh phát triển ngành Tâm lý học hiện nay có những thuận lợi và thách thức nào, thưa ông?
Hiện nay, Tâm lý học vẫn là một ngành rất mới ở Việt Nam và đang trên đà phát triển, nhất là sau đại dịch Covid-19, khi mà người dân và toàn xã hội đã ý thức rõ nét hơn về sức khỏe tâm thần và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Do đó, với các định hướng nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu từ phòng Lab đã phân tích ở trên, tôi đánh giá cao những thuận lợi về thời điểm, tính mới và tính cấp thiết của các phát hiện này giúp phát triển ngành Tâm lý học tại Việt Nam, mang đến nhiều cơ hội học tập, giao lưu, hợp tác quốc tế của cả sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh và giảng viên của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Về thách thức, tất nhiên cái gì mới cũng sẽ “hot” và được “soi mói” nhiều, phòng Lab của chúng tôi cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, việc nâng cao nhận thức và xóa bỏ một số kỳ thị liên quan đến việc làm nghiên cứu Tâm lý học chỉ là những “con chữ” được viết trong văn bản là một nhiệm vụ mà nhóm nghiên cứu mạnh đang hướng đến. Ngoài ra, một thách thức khác là về kinh phí, vì để thực hiện 01 thí nghiệm đo điện não đồ khá đắt (do gel đo điện não đắt, các dụng cụ máy đo cần được bảo quản nghiêm ngặt và bảo trì thường xuyên). Thách thức thứ ba liên quan đến nhân sự vận hành phòng Lab, vì không phải ai cũng có thể sử dụng được mà phải trải qua quá trình tập huấn từ các chuyên gia Đài Loan (Trung Quốc), hoặc người giám sát có kinh nghiệm lâu năm trong thiết kế nghiên cứu và sử dụng máy đo điện não. Đây là những rào cản mà trong thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng cải thiện.
Xu hướng ứng dụng máy móc để nghiên cứu Tâm lý học trên thế giới hiện nay đang diễn ra như thế nào?
Xu hướng ứng dụng máy móc trong nghiên cứu Tâm lý học đã được hình thành vào những năm 1879, khi Wilhelm Wundt thành lập phòng thí nghiệm Tâm lý học đầu tiên và ngành được chính thức công nhận là một khoa học độc lập trên toàn thế giới. Kể từ đó, các thí nghiệm TLH được thực hiện và thực nghiệm liên tục qua các thời kỷ lịch sử khác nhau để cung cấp các phát hiện lớn lao về TLH cho con người. Tuy nhiên, ở Việt Nam, xu hướng sử dụng máy móc trong nghiên cứu TLH là một hạn chế rất lớn và đến tận những năm 2020, một số nhà nghiên cứu TLH du học từ nước ngoài về mới bắt đầu sử dụng máy móc để thực hiện những nghiên cứu đầu tiên trên nhóm khách thể là người Việt Nam.
Giáo sư có thể chia sẻ về các định hướng sắp tới của phòng Lab Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM?
Chúng tôi trân quý sự đầu tư của ngành và Trường cho phòng Lab của Trường và của nhóm nghiên cứu mạnh Tâm lý học giáo dục mang tên tôi. Đây không chỉ là niềm vui mà còn là trách nhiệm.
Trước hết, chúng tôi đang chuẩn bị lực lượng nghiên cứu viên chính và các cộng tác viên có thể khai thác, sử dụng máy móc để nghiên cứu Tâm lý học một cách bài bản, khoa học.
Trong giai đoạn tiếp theo, chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng hợp tác quốc tế với các đối tác Trung Quốc, Đài Loan- Trung Quốc, Hồng Kong, Úc, Anh, Thái Lan, Nhật Bản trong các nghiên cứu liên ngành có sử dụng các công nghệ tại phòng Lab Tâm lý học và sẽ tiến hành trao đổi sinh viên, giảng viên quốc tế để học hỏi công nghệ của nhau, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của phòng Lab.
Ngoài ra, chúng tôi còn dự định đưa phòng Lab vào quá trình giảng dạy, đào tạo các học phần chuyên ngành Tâm lý học, Tâm lý học giáo dục liên quan đến mảng nghiên cứu, thực hành tham vấn, trị liệu; và phối hợp với Khoa đào tạo, bộ phận tuyển sinh của Trường tổ chức ngày hội trải nghiệm cho học sinh phổ thông đến tham quan tại phòng Lab.
Tất cả những gì chúng tôi định hướng sẽ gắn chặt với tầm nhìn, sứ mạng của Trường cũng như góp phần phát triển Tâm lý học theo các hướng hiện đại, thuyết phục. Song song đó, các đóng góp của phòng Lab sẽ dần lan tỏa đến đối tượng: học sinh phổ thông và sinh viên để góp phần chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các em cũng như phát triển hiệu quả phẩm chất, năng lực của các em. Xin nhấn mạnh phòng Lab của Trường sẽ cố gắng đóng góp trong khả năng của mình về sứ mạng đào tạo, bồi dưỡng con người nhất là đối tượng quan tâm đến Tâm lý học, sử dụng các dịch vụ Tâm lý học theo nghĩa rộng nhất.
Xin cám ơn Giáo sư.