Y học

Giáo sư Thạch Nguyễn: “Việt Nam có vị trí đáng tự hào trong lĩnh vực tim mạch can thiệp”

Bạch Dương (thực hiện) 05/07/2024 - 17:14

GS.BS Nguyễn Ngọc Thạch (thường được gọi là GS Thạch Nguyễn), là người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu vào Ban chấp hành Hội Tim mạch Hoa Kỳ và Hội Tim mạch Can thiệp Hoa Kỳ (SCAI); Giám đốc nghiên cứu tim mạch của Bệnh viện Methodist, Merrillville Indiana. Ông không chỉ nổi tiếng về tài năng, mà còn bởi những điều ông đã làm cho đất nước và nền y học Việt Nam.

gs-thach-1.jpg
GS Thạch Nguyễn trao đổi cùng các đồng nghiệp Hàn Quốc về huyết động của động mạch vành.

Thưa GS! Là người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành tim mạch can thiệp (TMCT) thế giới và cũng là người góp phần giúp tạo lập ngành TMCT ở Việt Nam, ông có thể chia sẻ những dấu ấn đã thực hiện cho quê hương, từ những ngày đầu còn rất sơ khai tới hiện nay?

GS.BS Thạch Nguyễn: Tôi luôn dành một phần quan trọng sự quan tâm cho quê nhà ở Việt Nam. Có thể kể đến mốc thời gian từ năm 1993, nhưng năm 1997, tôi mới mời được một phái đoàn gồm các bác sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực TMCT Mỹ đến Hà Nội để hướng dẫn, hỗ trợ, huấn luyện đội ngũ bác sĩ những kỹ thuật TMCT tiên tiến nhất lúc bấy giờ. Chúng tôi giảng dạy bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc”, cứ một chuyên gia Mỹ hướng dẫn một bác sĩ Việt Nam thực hiện từng kỹ thuật cụ thể trên lâm sàng. Đây là phương pháp vô cùng hiệu quả, qua thời gian đã đào tạo cho nền y học Việt Nam có thêm nhiều thế hệ bác sĩ tim mạch có thể làm rất giỏi các kỹ thuật thông tim, đặt stent, thay van tim và đóng các khiếm khuyết trong tim... Tôi chỉ giúp đặt nền móng ban đầu, còn các GS. Phạm Gia Khải, Nguyễn Lân Việt, Phạm Nguyễn Vinh, Đặng Vạn Phước…, mới là những người đã tiếp tục gửi nhiều bác sĩ trẻ đi nước ngoài tu nghiệp.

Với tay nghề được đào tạo chuyên nghiệp họ đã vươn đến trình độ đỉnh cao, để giúp Việt Nam có vị trí đáng tự hào trong lĩnh vực TMCT như hiện nay. Khi cộng đồng tim mạch tiến bộ trong học tập và mở rộng quan hệ ra bên ngoài Việt Nam, tất cả các chuyên khoa của y học như phẫu thuật và chuyên khoa khác cũng mở rộng liên hệ và phát triển đến trình độ hiện nay.

Không chỉ là người mở đường cho sự phát triển lĩnh vực TMCT, ông còn mang sứ mệnh cao cả “trồng người” tại Trường ĐH Tân Tạo (TTU). Lý do nào để GS cộng tác với trường?

Tôi muốn đem tất cả những gì tốt đẹp nhất, đưa tinh hoa của thế giới về truyền thụ cho thế hệ trẻ Việt Nam. Cái hay của TTU là cách học và cách nhìn hiện đại. Ở đây, sinh viên được tiếp xúc với các giáo sư hàng đầu, đặt câu hỏi, phản biện và thực tập mùa hè ở Mỹ. Sinh viên nào có chí hướng muốn vươn lên thì nhà trường sẽ tạo điều kiện để phát triển. Các sinh viên được học với những “cây đại thụ” trong ngành như GS Lê Quang Nghĩa (Ngoại khoa), PGS Phạm Nguyễn Vinh (Nội khoa), GS Lê Hoàng Ninh (Y tế công cộng và nghiên cứu), PGS Trần Thị Hồng (Ký sinh trùng), GS Lê Văn Cường (Giải phẫu), PGS Nguyễn Tuấn Vinh (Ngoại Niệu) BS.CKII Lê Văn Hùng (Bệnh Truyền nhiễm)… Do có chất lượng đào tạo cao, mới qua 4 khóa nhưng trường đã có sinh viên đậu nội trú ở Mỹ, trình bày nghiên cứu ở Mỹ, Hàn Quốc... Điều này tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa TTU và các trường y khác. Sự cạnh tranh trong chất lượng giảng dạy này sẽ giúp tạo ra nhiều bác sĩ tài năng phục vụ đất nước Việt Nam.

gs-thach-2.jpg
Sinh viên Đại học Tân Tạo tham gia thực hành tại BV Methodist, Merrillville, Bang Indiana, Hoa Kỳ.

Ấn tượng của GS về các thế hệ BS tim mạch Việt Nam? Những tiến bộ và thành công nào của học trò khiến GS tự hào nhất?

Điều tôi ấn tượng nhất đó là các bác sĩ Việt Nam giỏi và ham học hỏi. Tôi rất thích làm việc với các bác sĩ Việt Nam. Lúc đầu, tôi đi nhiều nơi để thảo luận về những lý thuyết và giả thuyết cơ bản và sơ khai của mình. Các bác sĩ Việt Nam đã phản biện những lý thuyết này nên tôi quay lại phòng thí nghiệm, sửa đổi giả thuyết, thực hiện những thay đổi mới và nhóm chúng tôi đã có được kết quả như ngày hôm nay. Ở thời điểm hiện tại, tôi đang làm việc với một nhóm bác sĩ trẻ tài năng của Việt Nam. Họ rất giỏi về công nghệ thông tin. Họ thực sự giúp tôi nâng nghiên cứu của mình lên một tầm cao hơn. Ở Mỹ, chúng tôi trân trọng ý tưởng của mọi người, kể cả những bác sĩ trẻ chưa có kinh nghiệm. Họ nhìn vấn đề từ một góc độ khác và đưa ra những ý tưởng mới cho dự án nghiên cứu. Tôi muốn cảm ơn các đồng nghiệp Việt Nam vì những lời phản biện sắc sảo và đóng góp chân thành của họ. Năm 2019, tôi rất tự hào khi 3 sinh viên ưu tú của tôi tại khoa Y - TTU đã được trình bày báo cáo khoa học tại Hội nghị tái thông Mạch vành (JCR) ở Hàn Quốc. Trong 3 em đó, BS. Vũ Trí Lộc sau khi tốt nghiệp tiếp tục làm việc tại phòng nghiên cứu của tôi tại Đại học Tân Tạo và tại BV Methodist là cộng sự đắc lực của tôi. Mới đây, BS Lộc đã trình bày các nghiên cứu tại Hội nghị Điều trị tim mạch qua ống thông châu Á Thái Bình Dương (TCTAP) tại Seoul và được nhận danh hiệu Faculty of the Year năm 2023 và 2024. Tôi cũng đang cùng phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo (AI) của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM và BS Lộc tập trung ứng dụng AI vào nghiên cứu y học và chăm sóc bệnh nhân.

Về vấn đề đạo đức nghề nghiệp và phòng ngừa bệnh hiện nay GS thấy thế nào?

Tôi mong muốn các BS tương lai học được cách cảm thông và chia sẻ với bệnh nhân và phải quý trọng bệnh nhân, khám chữa bệnh với tất cả cái tâm của mình, làm sao chẩn đoán và chỉ định dùng thuốc đúng, đủ.

Phòng ngừa bệnh là một vấn đề rất quan trọng. Tôi nghĩ sống lâu khỏe mạnh, sẽ tốt hơn là sống lâu mà đau ốm. Bây giờ, với sự phát triển của khoa học có thể phòng ngừa được những dịch bệnh mà vài chục năm trước không thể phòng ngừa được. Do đó, phòng ngừa bệnh là vấn đề mà chính quyền, toàn thể xã hội và mỗi cá nhân cần phải quan tâm. Bên cạnh đó, chúng ta có thể đẩy mạnh các kênh truyền thông về nhận biết, xử trí các bệnh lý thường gặp dành cho người dân, để nâng cao sự hiểu biết và phòng ngừa bệnh tật.

gs-thach-3.jpg
Nhóm nghiên cứu nhận giải thưởng học giả quốc tế Paul Dudley White do hội tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association) trao tặng. Nghiên cứu do GS Thạch Nguyễn (ở giữa) hướng dẫn, BS Vũ Trí Lộc (bìa trái), BS Đỗ Lê Anh (Bệnh viện E, bìa phải).

Được biết, GS có một khoảng thời gian nghiên cứu và dạy học tại Hàn Quốc. Ông có thể chia sẻ thêm những ấn tượng của mình?

Suốt 20 năm qua, tôi đã nhiều lần đến Busan giảng bài tại Hội nghị tái thông Mạch vành do Khoa Y - Trường Đại học Dong-A tổ chức. Tôi đã hợp tác với đồng nghiệp Hàn Quốc để mang lại sự phát triển mới nhất của TMCT cho những người tham gia. Tôi cũng mời GS Moo Hyun Kim làm đồng biên tập cuốn sách bán chạy nhất của tôi là: Sổ tay thực hành về tim mạch can thiệp nâng cao (đã tái bản 5 lần), xuất bản bởi Wiley Blackwell, ở Oxford, Anh Quốc.

Về đào tạo, chúng tôi cũng đã tổ chức được các chương trình trao đổi sinh viên hàng năm giữa Trường Đại học Tân Tạo và Đại học Yonsei (Hàn Quốc) để các em trao đổi về kiến thức, nghiên cứu và hướng phát triển trong tương lai. Đại học Yonsei và TTU đều vui vẻ và tận hưởng mối quan hệ đối tác này.

Là nhà khoa học Việt hiếm hoi đồng tác giả với những nhà khoa học nổi tiếng thế giới xuất bản nhiều sách y khoa có giá trị, GS tâm đắc nhất với tác phẩm nào và vì sao?

Tôi vừa xuất bản một bài báo với tiêu đề: “Giới thiệu một kỹ thuật mới, sáng tạo để ghi và giải thích hình chụp động mạch vành”, được xuất bản trên tạp chí Diagnostics (Q1), một tạp chí từ Basel, Thụy Sĩ. Trong đó, tôi đề xuất thay đổi cách chụp động mạch vành hiện nay. Với kỹ thuật mới này, chúng tôi có thể đánh giá tốt hơn tình trạng của bệnh nhân và có thể dự đoán những gì có thể xảy ra với tim trong tương lai gần. Tôi tin rằng, kỹ thuật này sẽ là tiêu chuẩn trong giai đoạn tới. Tôi và BS Lộc, sẽ có vài bài báo khoa học nữa về vấn đề này. Nhân dịp này, tôi xin cảm ơn Giáo sư Moo-Hyun Kim, Khoa Y - Trường Đại học Dong-A, các đồng nghiệp của tôi ở Hàn Quốc và Việt Nam vì sự hợp tác trong nghiên cứu, chăm sóc bệnh nhân, can thiệp tim mạch và xuất bản các ấn phẩm. Nhờ sự hợp tác của họ, chúng tôi có thể đạt được rất nhiều thành tựu trong việc thúc đẩy nghiên cứu và quản lý tim mạch can thiệp.

Xin cảm ơn GS Thạch Nguyễn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo sư Thạch Nguyễn: “Việt Nam có vị trí đáng tự hào trong lĩnh vực tim mạch can thiệp”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO