Chương trình giao lưu với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là hoạt động đầu tiên trong chuỗi gần 100 hoạt động của Ngày Sách và Văn hoá đọc lần 2, hướng đến kỷ niệm 325 năm hình thành Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định- TP.HCM (1698 - 2023) và 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023).
Công trình vô giá và tấm gương lao động của nhà nghiên cứu 103 tuổi
Tác phẩm “Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)” được xem là công trình dày công nghiên cứu trên 20 năm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Với niềm đam mê sử học, ông đã tập trung thời gian, sức lực đi khắp các thư viện, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II ở TP.HCM để tập hợp tài liệu, cung cấp bao quát thông tin đến công chúng về lịch sử từ thời đại tiền sử cho đến TP.HCM ngày nay.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ tại buổi giao lưu: “Tác phẩm này ví như một tập cẩm nang mà mọi cơ quan, cán bộ, công chức, mọi gia đình trong Thành phố nên có để khi muốn tìm kiếm một vấn đề gì liên quan đến Thành phố, chỉ việc mở sách ra là được thỏa mãn ngay, khỏi phải đi tìm đâu xa”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư: "Tác phẩm này ví như một tập cẩm nang mà mọi cơ quan, cán bộ, công chức, mọi gia đình trong Thành phố nên có".
Tác phẩm “Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)” gồm 6 phần chính, được chia ra 2 tập: Tập I từ 1698 - 1945 và tập II từ 1945 - 2020. Phần dẫn nhập trình bày đại cương về địa lý tự nhiên của Thành phố, thời đại tiền sử, thời kỳ phù Nam, về thời kỳ Thủy Chân Lạp và Lưu dân người Việt.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư năm nay 103 tuổi, là người đã sống ở hai thế kỷ. Ông đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm lịch sử nước nhà. Lúc nào ông cũng tranh thủ từng chút một của thời gian, mỗi ngày đều dặn như thế để tỉ mẩn ghi chép những tư liệu vô giá dành cho hậu thế về các lĩnh vực như địa danh - địa chí, lịch sử - văn hóa Nam Bộ.
Chương trình giao lưu với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là hoạt động đầu tiên trong chuỗi gần 100 hoạt động của Ngày Sách và Văn hoá đọc tại TP.HCM năm nay.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng nhận định, đây là công trình văn hoá – lịch sử rất có ý nghĩa đối với TP.HCM, đặc biệt là với những người nghiên cứu về lịch sử. Riêng khối tư liệu ông xử lý đã vô cùng đồ sộ, không kể sách nguyên bản tiếng Pháp, tiếng Hán Nôm, còn có đến 214 tập sách tiếng Việt tham khảo.
“Ở tuổi 103, mỗi ngày ông vẫn dành gần 10 giờ đồng hồ để làm việc. Tinh thần lao động của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là một tấm gương rất sáng cho cán bộ, công chức, viên chức, thanh thiếu niên thành phố”, ông Thắng nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng (bìa phải): "Riêng khối tư liệu ông xử lý đã vô cùng đồ sộ, không kể sách nguyên bản tiếng Pháp, tiếng Hán Nôm...".
Chuỗi gần 100 hoạt động đặc sắc cho người yêu sách tại TP.HCM
Chuỗi hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 - năm 2023 trên địa bàn TP.HCM chính thức diễn ra từ hôm nay (ngày 19/4) đến ngày 01/5, trong đó tập trung cao điểm từ ngày 19 đến ngày 23/4, tại Công trường Công xã Paris, đường Nguyễn Văn Bình (Đường Sách TP.HCM), Quận 1 và đồng loạt tổ chức tại TP Thủ Đức và các quận – huyện trên địa bàn TP.HCM.
Chuỗi gần 100 hoạt động chào mừng, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 năm 2023 trên địa bàn TP.HCM bao gồm:
- Hoạt động trưng bày, triển lãm, tuyên truyền:
Trưng bày, giới thiệu cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày cảng trong sạch, vững mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; triển lãm tư liệu, xuất bản phẩm kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023) và kỷ niệm 137 năm ngày Quốc tế lao động (1/5/1886-1/5/2023); Giới thiệu, trưng bày và nhân rộng mô hình “Tủ sách Doanh nhân” với chủ đề “Doanh nhân và văn hóa đọc”; Giới thiệu, trưng bày và nhân rộng mô hình “Tủ sách cơ quan”, “Tủ sách gia đình”; “Tủ sách cộng đồng” góp phần hình thành thói quen đọc sách, xây dựng xã hội học tập.
- Các hoạt động, chương trình giao lưu, tọa đàm:
Chương trình giao lưu với Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư về Bộ sách Gia Định - Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020) nhân kỷ niệm 325 năm hình thành Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM (1698- 2023) và kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; Chương trình giao lưu, giới thiệu cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; diễn đàn chủ đề: “ChatGPT với việc viết sách, viết văn của giới trẻ hiện nay”; Tọa đàm hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em; trao giải Hội thi “Lớn lên cùng sách” lần 8 và Hội thi “Văn hay chữ tốt” lần 23 năm học 2022-2023; giao lưu, tọa đàm, diễn đàn với các chuyên đề về sách, kỹ năng hình thành thói quen đọc sách, các chương trình giao lưu tác giả, tác phẩm, ra mắt sách, ký tặng sách…; tổ chức các hoạt động tương tác, trải nghiệm với sách điện tử, sách nói, sách tinh gọn...
Ngày Sách và Văn hóa đọc tại TP.HCM năm nay diễn ra tại Công trường Công xã Paris, đường Nguyễn Văn Bình (Đường Sách TP.HCM), Quận 1 và đồng loạt tổ chức tại TP Thủ Đức và các quận – huyện trên địa bàn TP.HCM.
Bên cạnh đó, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 năm 2023 trên địa bàn TP.HCM còn có các hoạt động khác: Chương trình gửi thông điệp về sách “Mỗi người dân là một đại sứ văn hóa đọc” để mỗi người dân có thể thể hiện tình yêu với sách, lan tỏa thông điệp tích cực về văn hóa đọc đến cộng đồng; trưng bày và giới thiệu những tựa sách hay, bổ ích với đa dạng thể loại, chủ đề phong phú, đáp ứng nhu cầu đọc sách của bạn đọc (như sách văn hóa, lịch sử, chính trị, các tựa sách về doanh nhân, khởi nghiệp; sách giới thiệu về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số; sách về khoa học, vũ trụ…); khu kỹ năng dành cho thiếu nhi với các hoạt động vẽ tranh, làm thủ công, đọc truyện, viết cảm nhận về sách, tương tác trải nghiệm cùng sách…; hoạt động hỗ trợ sách cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thành phố...