Nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Quyết định số 1895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/11/2021 về phê duyệt chương trình “tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 – 2030”, đồng thời xây dựng chương trình để các bạn trẻ có cái nhìn tổng quan về những mặt lợi – hại của mạng xã hội (MXH) đối với hành vi ứng xử và giá trị đạo đức của bản thân.
Tầm quan trọng của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ
Tham dự chương trình có sự hiện diện của đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Cục Trưởng Cục Công tác phía Nam – Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Tất Toàn – Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo - Đối ngoại Thành đoàn TP.HCM.; Thạc sĩ Lương Quang Huy – Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện Chính trị Khu vực II; Tiến sĩ, Giảng viên Lê Thế Tài – Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM; Đại úy Trần Mạnh Hùng – Bí thư Đoàn, Đoàn Đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam; Trung úy Phan Đình Linh – Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công an TP.HCM – Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2021; Thượng tá Nguyễn Thanh Hải- Phó chủ nhiệm chính trị BĐ biên phòng T.PHCM; Ông Nguyễn Hoàng Việt - Bí thư Chi Đoàn Cục Thi hành án dân sự TPHCM. Đại diện Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh; Học Viện Tư pháp cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh; Đại diện Phòng An ninh chính trị nội bộ.
Tầm quan trọng của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ
Phát biểu khai mạc chương trình, nhà báo Đỗ Quang Trưởng, Trưởng Ban chuyên đề Báo điện tử Báo Pháp luật Việt Nam, Tổng Thư ký Chuyên trang TV Pháp luật nêu
lý do tổ chức buổi tọa đàm, nhấn mạnh vai trò quan trọng của đội ngũ đoàn viên, thanh niên, đồng thời nêu lên những hệ lụy từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, MXH đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức chính trị của một bộ phận thanh niên.
Như chúng ta đã biết, giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược, có giá trị định hướng lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thanh - thiếu niên thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, đại bộ phận thanh – thiếu niên đã sống có trách nhiệm với Tổ quốc, gia đình và bản thân; có ước mơ, hoài bão; có kiến thức, kỹ năng, sức khỏe tốt; dám nghĩ, dám làm.
Tuy nhiên, do tác động từ những mặt trái của sự phát triển công nghệ, xã hội, hội nhập quốc tế; do thiếu bản lĩnh và không nghiêm túc trong tu dưỡng, rèn luyện nên vẫn còn một bộ phận thanh thiếu niên có biểu hiện suy thoái, lệch lạc về phẩm chất đạo đức, lối sống, như: mang nặng chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, thủ đoạn, bè cánh, lối sống hưởng thụ, chạy theo đồng tiền bất chấp đạo lý, sống thờ ơ, vô cảm, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai trái, tiêu cực không dám đấu tranh, không giám can ngăn… . Đáng báo động hiện nay là sự lệch chuẩn đạo đức ở một bộ phận giới trẻ do ảnh hưởng từ những nội dung tiêu cực, xấu, độc trên mạng xã hội.
Từ thực trạng ấy, đồng chí Nguyễn Tất Toàn - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo - Đối ngoại Thành Đoàn TP. HCM nhận xét: “Thành đoàn cũng đã thực hiện việc khảo sát việc ảnh hưởng của MXH đối với các bạn trẻ như thế nào. Từ đó có thể thấy được đa số các bạn trẻ cảm thấy rất khó khi không có MXH, môi trường MXH có tác động lớn đến cuộc sống và nhận thức của nhiều bạn trẻ. Nắm bắt được tình hình đó, trong quá trình thực hiện công tác giáo dục chính trị cho thanh thiếu niên, thành đoàn xác định phải xây dựng bản lĩnh về nhận thức và bản lĩnh về hành động cho các em, trong đó việc xây dựng cơ bản và lâu dài, giúp các bạn trẻ tránh những tác động tiêu cực trên MXH, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng bằng cách hiểu đúng, nắm chắc chủ nghĩa Mac - Lênin, tư tưởng HCM, đồng thời giáo dục tình yêu thương gia đình, quê hương đất nước, phòng ngừa từ trước, phòng ngừa từ xa, lấy cái đẹp dẹp cái xấu... Đấu tranh trực diện với các luận điệu sai trái trên không gian mạng.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ thanh - thiếu niên, nhi đồng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước hiện nay, Th. Lương Quang Huy – Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện Chính trị Khu vực II khẳng định: "Ngay từ đầu chúng ta phải có công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho giới trẻ để không bị lệch chuẩn. Trong mọi hoàn cảnh, thời điểm khác nhau, Đảng và Nhà nước cũng sẽ có những sự quan tâm khác nhau, phương pháp giáo dục khác nhau. Cuộc CMCN 4.0 có nhiều thuận lợi cũng như có nhiều khó khăn, các bạn đoàn viên dễ dàng chia sẻ thông tin, nhưng cũng rất dễ bị nhiễu loạn thông tin, thiếu thực tế. Chính vì vậy, cần phải có sự phối hợp giữa nhà nước, nhà trường và gia đình để kiểm soát, định hướng cho các bạn trẻ".
Giải pháp và các chế tài xử phạt khi vi phạm trên MXH
Nhấn mạnh vai trò và sự cần thiết của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ; đồng thời đề xuất giải pháp để hướng công tác giáo dục lý tưởng cách mạng đến giới trẻ một cách có chiều sâu, hiệu quả hơn, đồng chí Trần Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập báo Pháp luật Việt Nam, chia sẻ một số nguyên nhân và giải pháp giúp các bạn trẻ không bị ảnh hưởng bởi những nội dung tiêu cực trên mạng xã hội.
Theo ông Trần Ngọc Hà: “Trẻ thành niên phạm tội bắt nguồn từ môi trường gia đình thiếu quan tâm, giáo dục các cấp có vấn đề; thiếu đọc sách; giới trẻ bị cuốn theo thông tin; giới trẻ đang chông chênh về mặt lý tưởng, thiếu hụt về mặt tri thức…. Để giúp các bạn trẻ có lối sống lành mạnh, lý tưởng cao đẹp, chúng ta cần có giải pháp như: cho con cái tiếp cận MXH một cách thông minh, hướng dẫn cho con có văn hóa đọc sách ngay từ nhỏ, đồng thời giáo dục ý thức pháp lý cho các bạn trẻ bằng thực tiễn như đưa các em đến với những hoàn cảnh khó khăn, các trại giáo dưỡng, những nạn nhân chất độc màu da cam… để đánh thức lòng trắc ẩn, để các em biết cúi xuống, thấu hiểu nỗi đau của người khác. Ngoài ra, đối với công tác quản lý nhà nước, chúng ta cần lựa chọn, quản lý các kênh MXH phù hợp, thắt chặt việc quản lý nhà nước về MXH, và đặc biệt phải có chế tài xử lý đủ mạnh”.
Liên quan đến vấn đề này, tiến sĩ, giảng viên Lê Thế Tài – Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên trường Đại học Luật TP.HCM cũng nêu lên các chế tài xử phạt đối với tội phạm mạng theo quy định pháp luật hiện nay: “Thời gian qua, chúng ta vừa nghe việc bắt tạm giam một tiến sĩ, giảng viên luật về việc phát ngôn trên MXH. Đối với việc xử phạt các hành vi vi phạm trên MXH, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính tùy vào tội danh khác nhau. Ngoài ra, còn bị xử lý hình sự, đối với các cá nhân vi phạm, hành vi đăng tải chia sẻ cac thông tin sai sự thật trên MXH, tội làm nhục người khác , tội vu khống, lợi dụng các quyền tự do dân chủ …quy định tại Điều 155, Điều 156, Điều 288, Điều 331 của BLHS. Chế tài hình sự là hình phạt nghiêm khắc nhất đối với các cá nhân vi phạm pháp luật.”
Gương sáng pháp luật
Trái ngược với một bộ phận giới trẻ có lối sống lệch chuẩn, rất nhiều đoàn viên thanh niên đã có nhiều thành tích vượt trội và trở thành tấm gương sáng, sống và làm việc theo pháp luật. Phát biểu tham luận, Trung úy Phan Đình Linh – Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công an TP.HCM nêu lên các động lực đã thôi thúc để các bạn đoàn viên nỗ lực phấn đấu rèn luyện, đạt được những kết quả đáng ghi nhận thời gian qua. Trên từng cương vị, công tác mỗi người đều có những mục tiêu, động lực cho riêng mình bản thân trung uý Linh tin rằng hầu hết các đồng chí la cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên thì điều này càng thể hiện rõ nét.
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam – Bộ Tư pháp chia sẻ: “Người Việt Nam quan trọng yếu tố văn hóa và coi đó là nền tảng cốt lõi để giáo dục nhân cách con người. Trách nhiệm của các tổ chức Đoàn thể, xã hội và nhà trường hiện nay là trang bị kiến thức, kỹ năng để chúng ta miễn nhiễm với các thói hư tật xấu. Thời gian qua, Bộ Tư Pháp đã luôn luôn quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức, văn hóa, truyền thống thông qua các chương trình về nguồn, đến với những hoàn cảnh khó khăn, tuyên truyền pháp luật đến với các vùng sâu xa, biển đảo, …nó như là dịp để thế hệ trẻ, đoàn thanh niên của Bộ Tư Pháp hiểu hơn, tự hào hơn về truyền thống dân tộc. Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Bộ, trong thời gian tới, hi vọng cùng với các Bộ ngành khác, đoàn viên thanh niên Bộ Tư Pháp sẽ nỗ lực và nâng cao trách nhiệm hơn nữa để giữ vững quan điểm lập trường, đấu tranh với các luận điệu sai trái, tập trung xây dựng phát triển đất nước như Đảng và Nhà nước đã đề ra.”
Cũng trong khuôn khổ của chương trình tọa đàm, đại diện báo Pháp luật Việt Nam cùng các đơn vị tài trợ còn trao 30 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng, kèm với đó là 30 phần quà, gửi tặng đến 30 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhằm động viên, khích lệ các em vượt khó, vươn lên trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức để trở thành những người con ngoan, những công dân có ích cho xã hội.
Ngoài ra, Ban Tổ chức chương trình cũng tặng 10 phần quà cho các bạn Đoàn viên, thanh niên tiêu biểu vì những nỗ lực, đóng góp cho tuổi trẻ các quận huyện TPHCM thời gian qua.