Ngày mùa, cả cánh đồng vàng rượi. Bà con nông dân nhanh nhảu bảo nhau đi gặt lúa. Nón lá trắng lô xô, lấp ló trong sóng lúa dào dạt. Bông lúa thơm hương sữa, sau khi rời liềm nằm ngay trên mặt ruộng, được xe thồ, quang gánh chở về thôn xóm tuốt hạt, thân xác vương vãi biến thành những cọng rơm. Lúc này, trời đất, cỏ cây, nhà cửa, con người và động vật đều như đắm chìm trong rơm. Ngoài triền đê đã thấy rơm, đi qua cổng làng thấy rơm, vào trong ngõ xóm cũng thấy rơm.
Sáng sớm, mục đồng đã đánh xe trâu nén đầy rơm rong ruổi. Thôn nữ gánh gồng sọt rơm nhịp nhàng bước trên con đường đất quanh co. Ven bìa làng, từng đàn trâu ung dung nhai rơm lạo xạo, bầy gà heo đuổi nhau vãi rơm tung tóe. Đây đó, bao làn khói mỏng xám bạc vươn lên từ góc bếp rơm trong mấy gian nhà tranh bình dị.
Muôn nơi vang tiếng quang sọt kĩu kịt, tiếng đập lúa thình thịch, tiếng máy tuốt phun ào ào những cọng rơm khô mảnh khảnh, vụt theo gió vướng lên mái tóc, dính đôi vạt áo. Ban đầu, rơm có màu vàng nhạt, ánh xanh song khi được nắng đồng loạt chuyển sang vàng suộm, càng phơi nỏ sợi rơm càng dai và tỏa hương nồng nàn. Đường quê ngày mùa ngây ngất bởi mùi hương kỳ diệu.
Trước khi cấy lúa độ một tháng, nhà nông sẽ chất rơm trên đồng đốt hóa phân bón ruộng. Than rơm đen, mịn, nhỏ vụn thấm thoắt thành mùn, khi mưa xuống hòa tan vào đất, từ đó cây mạ lên xanh, lúa trổ đòng đòng, bí - ngô - khoai - sắn tươi tốt. Trẻ em cũng thường pha than rơm làm mực viết, vẽ trên đường quê. Ngay cả khi nhắm mắt xuôi tay, dân dã vẫn gần gũi, cậy nhờ rơm. Tang gia, con cháu đều đội trên đầu một vành rơm với ý tỏ lòng thương tiếc người quá cố...
Ở quê, không nhà ai không có một vài đụn rơm trong vườn, trước cửa. Sau khi gặt lúa, nông dân đánh rơm thành những đống bên cạnh sườn nhà, dưới gốc cây và bờ ruộng. Năm được mùa, lúa nhiều, mọi người chất rơm thành gò, nhiều khi vượt cả ngọn cây, hai - ba người đứng công kênh chưa tới. Để có đụn rơm không bị đổ khi mưa gió, người dân cắm xuống đất một cọc tre, rồi rải rơm lên trên cho chúng móc nối, dựa dẫm vào đấy như một cái xương sống, một nơi trụ bám. Khi rút rơm, người ta rút từ chân lên tới ngọn, nhiều lúc trơ cả cọc mà rơm vẫn không sụt xuống, nhờ kết cấu giằng buộc có thể treo lơ lửng. Để chồng được nhiều rơm, họ cũng lấy chân tay nén chặt rơm xuống, thành thử đụn rơm rất chắc. Nhiều nơi còn gia cố thêm ở bốn góc bốn cột tre và phủ áo mưa kín mít. Bên cạnh luôn có cây ba choạc giúp chất rơm và khi cần cời rơm xuống.
Đụn rơm, to hơn nữa là cây rơm luôn là chỗ vui chơi, đuổi bắt, trốn tìm của trẻ em vùng quê. Trẻ nhỏ thường nhào lộn trong đống rơm, tung rơm đùa nghịch, những khi mệt mỏi ngả lưng ngay trên sườn hoặc thậm chí leo lên tận ngọn nó nằm ngủ. Khi trốn tìm dễ dàng chui vào trong đó mà nấp, chạy vòng vòng không ai biết. Cây rơm như một mái nhà thứ hai, chia ngọt xẻ bùi với các cô - cậu bé: các em chia nhau củ sắn miếng khoai; ê a học bài, đCHU MẠNH ọc truyện; những buổi bị mẹ mắng bố đánh đòn đều lẻn ra tỉ ti ở đây.
Cây rơm còn là nơi giao lưu, hò hẹn của thanh niên, tố nữ. Có biết bao chàng trai cô gái đã giấu cha mẹ đến tự tình sau đống rơm với những nụ hôn ngọt ngào, cười nói chọc ghẹo xen lẫn xụt xịt dỗi hờn. Đây cũng là nơi trú ẩn nhiều sinh vật. Chó mèo rất thích nằm ườn sưởi nắng, gà vịt thường đẻ trứng trộm, ủ ấp trong đống rơm. Riêng mấy con gà trống luôn nhảy lên đỉnh cây rơm để vỗ cánh, gáy ò o buổi sớm. Trời đông lạnh, ít nắng, cây rơm gầy mòn vì nhiều lần rút ruột song nó vẫn lôi cuốn, tối ngày sôi động các loài vật tránh rét gồm chim, rắn, thằn lằn tới để ngủ, đẻ trứng.
Dân quê, trong nhà một lúc thường kết hợp nhiều loại bếp như bếp rơm, bếp củi, bếp than. Bếp rơm là bếp nhóm lửa bằng rơm để đun mấy thứ cần hâm nóng nhanh. Bếp củi đun liu riu và bếp than nấu nhừ. Nấu cơm bằng bếp rơm phải khéo tay bởi lửa bốc khỏe, ngay từ khi vừa nhen đã cho nhiệt lượng lớn, một loáng đã liếm lấy thân nồi, nước sôi sùng sục, hạt gạo bắt đầu bị thúc nở, chao lên lượn xuống, rồi nhanh chóng cạn ráo. Bấy giờ phải gạt bớt rơm ra khỏi bếp cho lửa nhỏ lại, không cơm sẽ có cháy; cơm ở phía đáy nồi gần như đã chín song phần trên còn sượng nên đồng thời cũng phải lấy một nắm rơm đốt nóng trên vung nhờ thế cơm phía trên được chín.
Dùng rơm nướng thịt, lại cần bọc thịt, hơ trên lửa đỏ giở đều cho thịt chín mà không bị ám khói. Khi nướng, lửa rơm cháy phừng phừng, nổ lép tép, miếng thịt mỡ kêu lèo xèo mỗi lúc quánh vàng, bốc khói nghi ngút, màu sắc thật đẹp. Có những thứ như thui con cầy chỉ lửa rơm mới làm nổi bởi nó liếm một loáng đã đốt sạch hết lông, tỏa khói ngùn ngụt đủ làm nâu đen miếng thịt song không bị cháy lẹm trông rất hấp dẫn. Thui bằng rơm còn cho thịt cầy vị thơm ngọt đậm, đặc trưng.
Người dân luôn tận dụng nhiệt lượng từ lửa rơm, khi đun nấu trên bếp, tiện tay cũng vùi thêm vài củ khoai, củ sắn vào tro nóng, đợi khi cơm canh gần chín thì khoai sắn cũng đã chín. Ngày đông, đám trẻ chăn trâu xoắn những con cúi rơm đốt lửa sưởi ấm đôi bàn tay và trâu bò khi thả ngoài trời mưa lạnh, cũng lấy con cúi rơm nướng khoai đào ngoài ruộng, con cua vừa bắt trong hang hay con cào chào xiên mẩu tre.
Tuổi thơ gắn bó với làng quê, mong ước luôn được về thăm quê vào đúng mùa gặt, để được thấy niềm vui trúng mùa trong ánh mắt ông bà, cô bác, xóm giềng, hòa mình trong những bông lúa và sợi rơm vàng thấm đượm hương vị quê hương. Đường về quê, nắng đổ chang chang, dài hàng chục kilômét, khói bụi nồng nặc, thân thể nhọc mệt song khi rẽ vào đường làng người khỏe hẳn nhờ không gian yên ắng, dịu mát và thơm ngọt. Nhìn thấy rơm giăng mắc, biết rằng lúa đã gặt xong, dân quê lại có thóc gạo để ăn. Thấy thương người vất vả, nhọc nhằn trồng ra cây lúa cho hạt cơm dẻo ngon, và giờ đây tiếp tục là những cọng rơm vàng gầy, mỏng, nhẹ tênh giống như dáng mẹ khuya sớm tảo tần, chắt lọc nuôi dưỡng đàn con. Lòng dâng tràn niềm vui, mừng cho xóm làng no ấm, bình yên.