Công nghệ

Đưa trí tuệ Việt "cất cánh" trên bầu trời

Võ Liên 04/09/2024 - 16:45

Sau máy bay không người lái (drone) mang tên Hera cất cánh trên bầu trời Mỹ, TS Lương Việt Quốc tiếp tục công bố khung chống rung OmniSight gimbal vừa được Mỹ cấp bằng sáng chế vào tháng 2/2024. Khung chống rung này có thể tích hợp cùng với Hera để tối ưu công dụng.

Thăm xưởng chế tạo gần Khu Công nghệ cao TP.HCM, cũng chính là trụ sở Công ty RealTime Robotics Inc (RtR) do TS Lương Việt Quốc sáng lập, ghi nhận cho thấy, không khí rất nhộn nhịp với 100% kỹ sư người Việt. Từ xưởng này, các sản phẩm Việt mang đẳng cấp thế giới như drone Hera và khung chống rung OmniSight gimbal được hình thành.

hinh-3-ts-luong-viet-quoc-dau-tien-ben-phai-cung-doi-ngu-cong-ty-rtr-1-.jpg
TS Lương Việt Quốc (đầu tiên bên phải) cùng đội ngũ Công ty RtR.

Sáng chế tiếp nối sáng chế

Cuối năm 2022, chiếc drone có tên Hera "Make in Vietnam" đầu tiên do TS Lương Việt Quốc sáng chế đã cất cánh ở bang Colorado thuộc miền Trung nước Mỹ. Sau buổi trình diễn, TS Quốc cùng đội ngũ đã nhận được đơn đặt hàng đầu tiên với giá trị gần nửa triệu USD.

"Khi làm về công nghệ, luôn luôn phải nghiên cứu và có phát minh đi trước đối thủ cạnh tranh", TS Lương Việt Quốc cho biết. Với tinh thần đó, TS Quốc, người chỉ tốt nghiệp đại học tại chức trong nước nhưng hoàn thành bậc học thạc sĩ tại Đại học Cornell và tiến sĩ tại Viện Đại học California - Berkeley (Mỹ) đã không ngủ quên trên chiến thắng mà tiếp tục tìm tòi nghiên cứu, cho ra đời những sáng chế mới. Điển hình trong số đó là sáng chế OmniSight gimbal - khung chống rung duy nhất trên thế giới gắn hai camera cùng một lúc và quan sát được 360 độ.

hinh-4-hera-duoc-trung-bay-cung-sony-tai-mot-trien-lam.jpg
Hera được trưng bày cùng Sony tại triển lãm về drone.

Theo TS Quốc, suốt 10 năm qua trên thế giới, dòng gimbal chỉ mang được một camera, với tầm quét dọc hạn chế. Trong khi đó, người dùng lại có nhu cầu gắn nhiều camera lên một drone, để trong một chuyến bay, lượng ảnh sẽ chụp được gấp đôi. Phát minh này được ông lấy cảm hứng từ con tắc kè, sinh vật hai mắt nhưng nhìn thấy được 360 độ, hai mắt này có thể di chuyển độc lập.

Tích lũy kinh nghiệm từ những giới hạn

"Cha đẻ" của drone Hera cho biết, khung chống rung OmniSight gimbal đã mang lại hiệu quả vượt trội khi ứng dụng vào nhiều lĩnh vực. Thứ nhất, trong lĩnh vực cứu hộ, các drone thông thường chỉ mang được một camera, người dùng muốn quan sát 360 độ thì phải xoay cả drone, một lần chỉ nhìn được một hướng.

Khắc phục nhược điểm trên, OmniSight gimbal được trang bị 2 camera, khi kết hợp với drone Hera có thể gắn tối đa 4 camera, quan sát 360 độ ở toàn cảnh, tối ưu hóa hiệu quả cứu hộ trên biển.

khung-chong-rung-lvq.jpg
Khung chống rung OmniSight gimbal có thể gắn hai camera cùng một lúc.

Bên cạnh đó, sản phẩm này có thể ứng dụng trong ngành điện lực như kiểm tra các bộ phận quan trọng trên đường điện cao thế. Chẳng hạn, một trụ điện cao thế có 10 chuỗi sứ, drone bình thường sẽ chụp 10 lần, ví dụ mất 10 phút, nhưng nếu được tích hợp với Ominisight gimbal, drone sẽ nhận diện được trụ sứ và phân công cho 2 camera, mỗi camera chụp 5 trụ, cùng làm việc song song, thì có thể chụp 10 chuỗi sứ trong 5 phút, thời gian nhanh gấp đôi.

Ngoài ra, Ominisight gimbal có thể hỗ trợ trong việc quét toàn diện các tòa nhà, công trình kiến trúc một cách chi tiết với độ chính xác cao, nhằm thu thập dữ liệu để tạo ra các bản sao kỹ thuật số, phục vụ cho nhu cầu vận hành, trùng tu bảo tồn. Đối với gimbal thông thường, nếu những công đoạn này phải mất đến 60 phút, thì OmniSight chỉ mất 30 phút nhờ gắn được 2 camera.

Nói về hoàn cảnh đặc biệt thúc đẩy sự ra đời của Ominisight gimbal, TS Quốc cho biết, giải pháp đột phá bật ra trong những ngày anh buộc phải nghỉ ngơi, tách khỏi công việc hằng ngày. Nhưng sâu xa hơn, ý tưởng là kết quả của một quá trình dài tích lũy kinh nghiệm và những trăn trở về giới hạn của gimbal thế hệ trước đó.

Theo dự định của TS Quốc, sản phẩm Ominisight gimbal khi bán ra thị trường sẽ có giá 5.000 USD (khoảng 126 triệu đồng).

Mở ra cánh cửa sáng tạo từ việc học

Ngoài drone Hera và khung chống rung Ominisight gimbal, TS Quốc bật mí thêm một số sáng chế sắp được công bố giúp giải quyết một vấn đề quan trọng trong ngành drone: giúp drone miễn nhiễm với hệ thống gây nhiễu điện tử.

Để những sáng chế này ra đời và đưa trí tuệ Việt có thể "cất cánh" trên bầu trời, TS Lương Việt Quốc cho biết, bí quyết nằm ở việc học: học ngoại ngữ, học những gì mình yêu thích và có tính thách thức bản thân.

Năm 2002, học bổng Fulbright thay đổi chính sách, không yêu cầu ứng viên có bằng đại học chính quy. TS Quốc nộp hồ sơ và trúng tuyển học bổng thạc sĩ kinh tế tại Đại học Cornell (Mỹ) rồi được 8 trường đại học và tổ chức hàng đầu về đào tạo kinh tế nông nghiệp của Mỹ chấp nhận cấp học bổng đào tạo tiến sĩ. Sau cùng, ông chọn học tại Viện Đại học California - Berkeley.

Nhờ học, Lương Việt Quốc có cơ hội bước ra thế giới. Khi đi học, nền tảng giáo dục và văn hóa Mỹ dạy cho bản thân ông nhiều thứ. Đầu tiên là tinh thần khích lệ cái mới, dù có vẻ "điên rồ". Khi thấy khó khăn, ông phải nghĩ tới giải pháp để tiến lên phía trước.

khung-chong-rung-1.jpg
OmniSight gimbal chuẩn bị cất cánh.

Khi theo học ở cấp độ tiến sĩ, đặc biệt là trường top tại Mỹ, ông học được cách tư duy, suy nghĩ đa tầng, luôn đặt ra những câu hỏi để tăng khả năng nhìn sâu vào bản chất, xuyên qua hiện tượng bên ngoài. Tư duy này giúp ông giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống, vượt ra khỏi chuyên môn đã được học.

Không chỉ vậy, môi trường giáo dục giúp TS Quốc biết chấp nhận sự khác biệt, lắng nghe từ nhiều góc độ khác nhau. Tinh thần này cũng được áp dụng tại Công ty RtR, nhân viên tại đây có thể thoải mái tranh luận, phản biện một cách dân chủ để cho ra những sản phẩm ưu việt như Hera hay OmniSight gimbal.

Tranh thủ lợi thế từ các chính sách

Hiện nay, TP.HCM có nhiều chính sách đặc thù về cơ chế hỗ trợ dự án, doanh nghiệp ở lĩnh vực khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, trong đó ngành drone cũng được chú trọng… Cụ thể, theo Nghị quyết 98, TP.HCM được thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo.

hinh-5-khach-tham-quan-gian-hang-cua-cong-ty-rtr-tai-trien-lam-ve-drone-hoi-thang-3-2024-1-.jpg
Khách tham quan gian hàng của Công ty RtR tại triển lãm về drone hồi đầu tháng 3/2024.

Nắm bắt cơ hội này, Công ty RtR đang đóng góp, đưa ra đề nghị cụ thể cho Khu Công nghệ cao TP.HCM để từ đó, đề xuất lên thành phố nhằm tạo nên trung tâm thử nghiệm drone một cách thuận lợi nhất.

"Chúng tôi kỳ vọng vào Nghị quyết 98 sẽ tạo nên khung pháp lý, cơ sở vật chất để thử nghiệm các công nghệ drone mới nhất, cũng như cho phép nhập khẩu những linh kiện, thiết bị phục vụ cho việc thử nghiệm một cách dễ dàng hơn", TS Quốc nhấn mạnh.

Đánh giá thị trường drone trong những năm tới, TS Quốc cho rằng drone là thiết bị thiết yếu dành cho thời chiến cũng như thời bình, nhất là khi có xung đột xảy ra, nhu cầu về drone tăng, quốc gia nào cũng cần tự chủ nguồn cung. Ở phương diện sản xuất, Việt Nam có lợi thế lớn về nguồn nhân lực và năng lực.

"Công ty RtR chứng minh rằng người Việt có khả năng phát minh, thiết kế và chế tạo ra sản phẩm đẳng cấp thế giới. Vì vậy, không có lý do gì mà Việt Nam không thể trở thành một trung tâm sản xuất drone quan trọng của thế giới", TS Quốc chia sẻ.

Vì lẽ đó, khi sáng chế Hera, TS Quốc định vị sản phẩm này ở hai mảng ứng dụng chính là dân sự và cứu hộ cứu nạn. Về mảng dân sự, Hera là nền tảng drone có năng suất cao nhất trong lĩnh vực dân dụng, cứu hộ, hỗ trợ trong các lĩnh vực đặc biệt như ứng dụng kiểm tra đường điện cao thế, hỗ trợ tính toán, số hóa dữ liệu thông số các công trình xây dựng như tòa nhà, nhà xưởng,… Hiện Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (Mỹ) đã mua Hera để thực hiện chương trình nghiên cứu, tìm ra cách kiểm tra đường điện cao thế với năng suất cao nhất.

Tại Việt Nam, Hera đang phục vụ tại Cục Cứu hộ cứu nạn của Bộ Công an. Bên cạnh đó, Công ty RtR cũng đang tham gia dự án với Trường Đại học Điện lực phát triển phần mềm trí tuệ nhân tạo, có thể dò ra các lỗi kỹ thuật trên đường điện cao thế theo thời gian thực. Drone Hera có 2 ưu điểm duy nhất trên thế giới: mang cùng lúc bốn loại thiết bị mà ngành điện cần: camera màu, camera nhiệt, camera corona và Lidar (Light Detection and Ranging) - máy quét 3D thu nhỏ, có độ chính xác cao; Hera có thể kết nối với nhiều máy tính có khả năng chạy phần mềm trí tuệ nhân tạo để xử lý hình ảnh, xuất ra kết quả kiểm tra đường điện cao thế ngay tại chỗ.

Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển drone, đó là lý do mà TS Quốc chọn về Việt Nam để nghiên cứu, phát triển và sản xuất. Hiện nay ngoài Trung Quốc, cả thế giới đang cần nguồn cung cấp drone đa dạng. Định hướng của Công ty RtR là góp phần xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất drone hàng đầu của thế giới.

RtR đang hoàn tất thủ tục xây dựng nhà máy tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Theo dự kiến, Công ty RtR sẽ dời vào khu công nghệ cao vào quý 2/2025. Đây sẽ là nơi tập trung vào R&D, sản xuất hàng loạt, bao gồm chế tạo thân máy bay, chế tạo chi tiết cơ khí, bo mạch điện tử cũng như triển khai dịch vụ ứng dụng drone vào kiểm định hạ tầng và quản lý địa chính...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa trí tuệ Việt "cất cánh" trên bầu trời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO